Viêm màng não là tình trạng viêm (nhiễm trùng) lớp màng mỏng bao bọc não và hệ thần kinh cột sống. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như: Nhiễm trùng, virus, nấm, phản ứng phụ của thuốc, các loại chất hóa học độc hại từ môi trường xâm nhập vào cơ thể và khối u. Tuy nhiên đa số trường hợp bị viêm màng não là do vi trùng (vi trùng Haemophilus influenzae) hay siêu vi trùng từ nơi khác trong cơ thể qua máu lan vào dịch não tủy.
viêm não là tình trạng các tác nhân gây bệnh tấn công trực tiếp vào não. Hai nguyên nhân thường gặp là siêu vi gây viêm não Nhật Bản và siêu vi đường ruột HIB.
Điểm chung của viêm màng não và viêm não ở trẻ em là đều do siêu vi trùng hoặc vi trùng tấn công. Bệnh cùng có những triệu chứng như trẻ sốt cao nhiều ngày, mệt mỏi, đau đầu, lừ đừ, bỏ ăn... và để lại những di chứng như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân, chậm phát triển tâm thần vận động,... Nhiều trường hợp trẻ tử vong do tình trạng bệnh quá nặng, gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ.
Dù viêm não và viêm màng não xuất hiện quanh năm nhưng có xu hướng tăng vào mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa. Trong đó, đáng ngại nhất có 2 bệnh viêm não do nhiễm trùng gồm viêm não Nhật Bản (chiếm 25 - 30% số ca viêm não) và viêm não do Herpes (chiếm 15 - 20% số ca viêm não).
Nguy hiểm là đến nay chưa có thuốc đặc trị viêm não, việc can thiệp chủ yếu để giải quyết các triệu chứng. Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, căn bệnh này có tỉ lệ tử vong có thể lên đến 50%. Sau khi điều trị bệnh nhân vẫn phải đối mặt với những di chứng nặng nề với 8-15% bệnh nhân tử vong dù đã được điều trị, 10-20% bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em, phải đối mặt với các di chứng như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt,…
Đối với bệnh viêm màng não thì dù có thuốc điều trị nhưng thực tế có không ít trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn, nên vẫn phải chịu nhiều di chứng ở não bộ. Trẻ hồi phục kém hoặc chỉ hồi phục một phần, trí tuệ sa sút và cũng có nguy cơ tử vong.
Do đó, điều quan trọng là cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu của viêm não và viêm màng não để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của trẻ.
Các triệu chứng của viêm não là sốt rất cao kèm đau đầu, uống hạ sốt không hạ, buồn nôn và nôn ngay cả khi không đúng bữa ăn, cơ thể kích thích, vật vã…
Trong khi đó biểu hiện của viêm màng não thường bắt đầu với các biểu hiện sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… rất dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, sốt virut,… Do đó cần phải cặp nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C cần lau mát và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn liều lượng và cân nặng. Theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ.
Nếu thấy có những biểu hiện như trên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không được bác sĩ chỉ định hoặc cho trẻ uống các loại thuốc lá theo mách bảo hoặc chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng thần kinh do điều trị muộn. Đặc biệt khi trẻ bị sốt cao không hạ, co giật và rối loạn ý thức (ngủ li bì, lờ đờ, hôn mê…) cần lập tức đưa đến bệnh viện gần nhất.
Để phòng bệnh, cách đơn giản là mỗi bệnh nhi cần được tiêm đủ vắc xin ngừa viêm não - viêm màng não như viêm não Nhật Bản, viêm não HIB, viêm não do phế cầu, viêm não mô cầu, tiêm nhắc theo lịch để không chỉ phòng bệnh mà còn giúp tránh các di chứng sau khi mắc bệnh. Đồng thời luôn có ý thức nâng cao sức khỏe, thăm khám định kỳ. Vào mùa hè, các gia đình cần chú ý vấn đề vệ sinh môi trường, diệt muỗi, phun thuốc muỗi, mắc màn hoặc dùng thuốc chống muỗi để phòng các bệnh do muỗi đốt. Bên cạnh đó cần đảm bảo vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân ví dụ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để hạn chế các nguy cơ gây bệnh.
Minh Hoa (t/h)