'Thầy cãi' dùng thơ bào chữa cho kẻ hiếp dâm

'Thầy cãi' dùng thơ bào chữa cho kẻ hiếp dâm

Thứ 2, 17/06/2013 09:02

'Thầy cãi' Nguyễn Khoa Đăng kể: "Có một anh phạm tội hiếp dâm một cô gái. Tòa án đã tuyên phạt bốn năm tù. Nhưng sau khi tôi dùng thơ Hồ Xuân Hương để cãi với câu thơ: 'Yếm đào trễ xuống dưới nương long...' khiến các vị thẩm phán bật cười.

Đổi tên để thiên hạ biết mình

Nguyễn Khoa Đăng (SN 1940, ngụ xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được mọi người biết đến với nhiều đặc điểm riêng và cả sự nhầm lẫn mơ hồ. Ông là người đã sáng tác bài thơ "Em đi giữa biển vàng" năm 1966 và được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc thành bài hát dành cho thiếu nhi năm 1970. Năm 2000, bài hát "Em đi giữa biển vàng" được thiếu nhi cả nước bình chọn là một trong 50 bài hát hay nhất dành cho thiếu nhi Việt Nam.

Luật sư - 'Thầy cãi' dùng thơ bào chữa cho kẻ hiếp dâm

Nhà thơ, nhà văn, luật sư Nguyễn Khoa Đăng

Ông Nguyễn Khoa Đăng tâm sự: "Tên thật của tôi là Nguyễn Đăng Khoa, mẹ tôi đặt tên con như vậy với mong muốn tôi sẽ thành danh trên con đường học tập. Nhưng đến khi học hết lớp 10, tôi chuyển sang làm thầy giáo dạy toán cấp 2 trong trường của huyện. Tôi không được đi thi để học tiếp lên hay đi bộ đội, bởi gia đình tôi bị liệt vào danh sách địa chủ. Do vậy, tôi chỉ có thể gắn bó với nghề "làm thầy", rồi sau này là đam mê thơ văn mà tôi tiếp tục viết lách.

Ông chia sẻ: "Khi tôi lớn lên đã có một nhà thơ Trần Đăng Khoa rất nổi tiếng. Và người ta thắc mắc rằng, tôi là ai trong hai ông Nguyễn Đăng Khoa và Trần Đăng Khoa? Một lần, tôi gặp nhà thơ Huy Cận, ông ấy hỏi tôi là: “Anh là Nguyễn Đăng Khoa à?" và lần nữa tôi có xếp hàng ở một nhà sách Hà Nội để mua cuốn tuyển tập thơ thiếu nhi trong đó có bài thơ "Em đi giữa biển vàng" thì cô nhân viên bán hàng lại cầm cuốn thơ giơ cao lên mà nói: "Trong này có bài thơ của tác giả Nguyễn Đăng Khoa nữa".

Chính những tình huống trên làm cho lòng tự trọng của tôi bị ảnh hưởng và tôi đã suy nghĩ rằng: Trong trí nhớ của bạn đọc và nhiều người, đang có sự nhầm lẫn giữa tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa. Cho nên, tôi quyết định đổi tên thành "Nguyễn Khoa Đăng" để mọi người rõ hơn về tôi”.

Kể thêm về kỉ niệm và cảm xúc sáng tác bài thơ "Em đi giữa biển vàng", ông Nguyễn Khoa Đăng chia sẻ: "Tôi viết bài thơ rất đơn giản bằng những tình cảm yêu đồng lúa quê hương. Khi tôi là giáo viên dạy toán ở xa nhà và mỗi lần về thăm vợ con ở làng bên phải đi qua cánh đồng lúa chín thơm, bát ngát mênh mông.

Về đến nhà tôi bỗng có ngay trong đầu những vần thơ tự nhiên ấy".  Đến nay bài hát vẫn được các em thiếu nhi Việt Nam yêu mến nhưng vừa qua vẫn có sự việc bị nhầm tên tác giả như điều tôi đã nói ở trên. Có một số người vẫn nghĩ là thơ Trần Đăng Khoa dù anh Trần Khoa cũng đã nói nhiều với mọi người là không phải của mình.

Dù làm rất nhiều nghề nhưng Nguyễn Khoa Đăng vẫn tâm huyết nhất với nghề viết văn. Ông giãi bày: "Cuộc đời của tôi cũng nhiều chông gai lắm, nghiệp văn và nghề viết là duyên nợ cuộc đời nên tôi không hề bỏ, dù tôi làm đủ nghề để sống. Thời trai trẻ dạy học, lấy vợ sinh con rồi cống hiến cho xã hội thế nào đi nữa tôi và mọi người trong gia đình vẫn lo sợ cái "nhớp địa chủ" từ xa xưa.

Do vậy, năm 1977 gia đình tôi quyết định chuyển từ Thái Bình vào tỉnh Kiên Giang lập nghiệp. Cũng mong cho đời con cái thay đổi lí lịch để mở mang  tương lai mới. Vào vùng đất miền Tây nước nổi này, tôi vừa làm báo cho tỉnh Kiên Giang và  giữ chức vụ Phó chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang. Và cũng ở đây tôi được mời vào làm việc tại Đoàn bào chữa tỉnh Kiên Giang. Năm 1991 tôi bắt đầu nghỉ hưu sớm rồi chuyển cả gia đình lên Sài Gòn sinh sống".

Luật sư - 'Thầy cãi' dùng thơ bào chữa cho kẻ hiếp dâm (Hình 2).

Nguyễn Khoa Đăng trong một buổi giao lưu văn học

"Cãi" luật bằng văn thơ

Từ một nhà giáo, rồi nhà văn, nhà thơ, nhưng cũng nhiều lý lẽ và luôn muốn bênh vực những người yếu thế, Nguyễn Khoa Đăng được gọi bằng cái tên thân thương "thầy cãi". Ông là người giàu tình cảm, sống gần gũi với nông dân nên ông đã dùng thơ văn để thay lời luật pháp, giúp đỡ nhiều người vương vào vòng lao tù. Ông đứng về lẽ phải, nhưng cũng luôn tìm cách giúp những người lao động nghèo bằng cái nhìn nhân bản của một nhà văn. Ông giúp người có tội thì được giảm án, cha con chia lìa thì đoàn tụ... Trong suốt 4 năm, từ 1989-1993 ông đã "cãi" tổng 216 vụ án ra tòa.

Kể về câu chuyện vui mà có thật của "nghề cãi", Nguyễn Khoa Đăng cho biết: "Có một anh phạm tội hiếp dâm một cô gái. Tòa án đã tuyên phạt bốn năm tù. Nhưng sau khi tôi dùng thơ Hồ Xuân Hương để cãi với câu thơ: Yếm đào trễ xuống dưới nương long... khiến các vị thẩm phán bật cười. Và cuối cùng, bị cáo được giảm xuống còn hai năm tù. Bởi tôi phân tích tại sao anh kia lại có hành vi bản năng khi chiếm đoạt cô gái.

Như câu thơ Hồ Xuân Hương miêu tả, cô gái đó quá sức gợi tình trước một cậu trai đang ở tuổi mà sinh lực nam giới bùng lên như lửa cháy. Tôi đã so sánh chuyện cưỡng đoạt của cậu trai này với chuyện bị mất cắp. Nếu cô gái biết "bảo vệ tài sản" của mình một cách cẩn thận thì đâu bị anh kia "nổi lòng tham" cưỡng đoạt".

Hay như câu chuyện một người tử tù, ông Khoa chia sẻ: "Tử tù này đã nổ súng giết chết cùng lúc 4 người, tội giết người như thế chắc chắn pháp luật không dung tha. Vụ án lúc đó nổi tiếng khắp tỉnh Kiên Giang. Trước tòa, tôi không bào chữa cho bị cáo giảm án được nhưng tôi lại chứng minh với mọi người rằng kẻ sát nhân kia chính là một con người bản chất không hề xấu, chỉ vì một vài phút kích động mà giết người.

Sau phiên tòa, người tử tù đã nói: "Em cảm ơn luật sư không cãi cho em khỏi tội chết, nhưng đã giúp em nói với mọi người là bản chất em không xấu xa và tàn nhẫn". Chính những câu chuyện của họ đã làm tôi thêm yêu nghề văn, thơ vì nó dễ đồng điệu và cảm thông với mọi kiếp người”.

Làm một nhà văn luôn mong muốn được thể hiện tâm hồn mình, viết về cuộc sống của mình và xã hội. Cho đến nay, tất cả vợ và những người con, cháu nội ngoại của ông vẫn không một ai đam mê theo sự nghiệp văn chương. Điều đó ban đầu đã làm cho ông từng rất buồn. Có những chuyện đời tư khó nói thành lời, nhưng những lời thơ câu văn lại giãi bày được sâu thẳm đáy lòng mình.

Cuộc sống từ khi còn là một thầy giáo toán, một nhà báo, một thầy cãi hay có thời gian ông viết kịch bản những năm 1987 nổi tiếng với tên trong phim như: Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc, Giai điệu xanh. Tất cả những trang văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim đều có ẩn giấu kín đáo những câu chuyện thực từ đời tư của ông.

Khi bước vào tuổi 73, ngòi bút của ông lại dạt dào cảm xúc hơn bao giờ hết. Ông sáng tác liên tiếp từ năm 2009 đến nay, và đã xuất bản 4 cuốn truyện: Nước mắt một thời, Hoàng hôn lạnh, Chim mặt người và gần đây nhất là tiểu thuyết Mây chiều bảng lảng chuẩn bị đến với bạn đọc.

Ông tâm sự: "Thật sự tôi nhận thấy dù làm nhiều nghề nhưng không có gì cao quý bằng nghề viết văn thơ bởi văn chương làm cho ta sống tốt hơn, thư thái hơn. Có thể nói ở tuổi 73 sức khỏe  già yếu nhưng tôi cảm thấy tâm hồn mình luôn trẻ khỏe và tràn đầy sinh lực sống. Mỗi trang văn là một trang đời, mỗi câu thơ là một lời tâm tình gửi tới người thương”.                            

Thu Trần

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.