Phát ngôn gây "sốc"
Em Lệ Giang Trường THPT Đ. cho biết: "Cô giáo dạy Văn lớp em rất hay dùng lời lẽ nặng nề để nói học sinh. Có hôm, một bạn lên bảng trả lời câu hỏi của cô nhưng do chưa chuẩn bị bài, ấp úng, ngay lập tức bị cô giáo mắng: "Ngu như chó". Cả lớp im bặt và ngỡ ngàng. Không những thế, nhiều bạn bị cô dùng những từ mạt sát là "vô liêm xỉ", "không có tự trọng". Theo như cách nói mỉa mai của Lệ Giang thì: "Cô giáo em dạy Văn nên mắng học sinh rất thâm thúy?!".
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Hà (Trường PTCS B.) mắt đỏ hoe kể lại cho tôi tình huống bị cô giáo "mắng". Hà bảo: "Hôm đó, giờ Toán, cô giáo chủ nhiệm gọi em lên chữa bài tập. Khi em vừa làm xong, quay mặt xuống phía lớp đã bị cô quát: "Đã dốt lại còn quay ngang quay ngửa. Lại học thói giống cô M. à? Đúng là cả họ ngu". Một lần khác, một bạn trong lớp không làm được bài, cô giáo đã mắng: "Không bằng con vật bốn chân".
Thật sự, em thấy rất buồn vì cô giáo đã dùng những từ ngữ nặng nề với mình cũng như các bạn trong lớp. Chúng em chưa chuẩn bị bài ở nhà nên không làm được bài, cô giáo có thể nhắc nhở chứ không thể miệt thị học sinh như vậy. Những lời nói đó khiến em như bị giội gáo nước lạnh, cảm thấy tổn thương danh dự".
Phát ngôn "gây sốc" từ giáo viên dễ gặp phản ứng tiêu cực của học sinh
Chị Kim Thanh mẹ của Hà bức xúc: "Tôi đã được nghe lại phản ánh của con về việc cô giáo đã dùng lời lẽ khó nghe với con mình. Nhưng thú thực, mới đầu tôi cũng không dám tin là cô giáo lại ứng xử như vậy. Sau khi kiểm chứng lại thông tin từ những người bạn học cùng lớp với con gái, tôi mới "té ngửa" trước những lời nói được phát ngôn từ chính môi trường giáo dục".
Thu Trang (Học sinh trường THPT Đống Đa) phân trần: Nếu được hỏi, chắc chắn nhiều bạn đều trả lời: "Hiện tượng thầy cô giáo dùng lời lẽ nặng lời mạt sát học sinh không phải là chuyện hiếm. Và những lời nói "nảy lửa" của thầy cô được xem là sóng gió trong chốn học đường khiến học sinh bị tổn thương ghê gớm".
Nhiều bạn đã lên mạng, lên các diễn đàn để được chia sẻ tình huống mà mình đã gặp phải như: "Thái độ và lời nói của cô giáo thật sự khiến mình choáng nặng. Những câu nói đại loại như "Này! mày mà còn cười là tao vả mày rơi răng cho mày khỏi cười luôn"; hay: "Mày chưa biết tao là ai à, mày chưa hiểu tao rồi" làm mình liên tưởng đến những cô hàng tôm hàng cá ngoài chợ hơn là một giáo viên. Dù cho học sinh có phạm lỗi gì thì thầy cô nên cân nhắc lời nói của mình!".
Không thể biện minh
Minh Phương (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) thẳng thắn: "Không ít người phê phán trước việc dùng lời lẽ thái quá với học trò là điều không thể chấp nhận. Điều đó vi phạm đạo đức nghề nghiệp giáo viên. Nhưng cũng có người thông cảm, bao biện cho những lời lẽ khó nghe đó của thầy cô bằng những lý do nào là áp lực công việc, nóng giận mất khôn. Nhưng em lại nhìn nhận cách hành xử đó dùng lời lẽ miệt thị học sinh cũng là thiếu văn hóa. Thầy cô vẫn dạy học sinh "học ăn, học nói, học gói, học mở" vậy mà lại đi ngược lời dạy đó. Cô giáo không thể nói học sinh không bằng con vật bốn chân, vô liêm sỉ...".
Chuyên gia tâm lý học Nguyễn Thị Mùi, giảng viên Khoa Tâm lý, Đại học Sư phạm I chia sẻ: "Một giáo viên giỏi trong nghề không phải chỉ giỏi về chuyên môn, mà phải là một người biết kiểm soát hành vi của mình, biết kiềm chế và cư xử đúng mực trước đám đông. Trong một vài tình huống, có thể thầy cô đang bị kích động nên đã dùng những ngôn ngữ nặng nề, sai lệch, xúc phạm học sinh là điều có thể hình dung được. Nếu đúng như phản ánh, theo tôi, thái độ phát ngôn thiếu cẩn trọng của những giáo viên trên thật khó mà chấp nhận được. Đó là những lời nói, những lời xưng hô kia đã có hàm ý không hay về học trò. Có thể là học sinh có lỗi không chuẩn bị bài, nhưng là một giáo viên thì cũng cần phải có một thái độ hợp lí với học sinh thay vì mạt sát các em với những lời lẽ khó nghe".
Chuyên gia tâm lý Lê Thu Hải - Trung tâm Tư vấn tâm lý và Sức khỏe sinh sản cộng đồng cho rằng, môi trường bên ngoài xã hội đã vốn không cho phép nói chuyện như thế, huống hồ trong môi trường giáo dục. Những lời nói đó là khó chấp nhận. Tuy nhiên, để tránh những "sóng ngầm" trong mối quan hệ thầy trò, về phía học sinh cũng nên tế nhị trao đổi với giáo viên khi hết giờ, hoặc đứng dậy nói một cách nhẹ nhàng để cô hiểu và rút kinh nghiệm.
Ngân Giang