Bạn bè và đồng nghiệp của tôi cũng đã tỏ thái độ với vấn đề này nhiều. Tôi không viết không phải vì không quan tâm, không xa xót với nỗi lòng của các thầy cô giáo… mà vì mỗi lần định viết thì dòng chữ nghẹn lại.
Tôi không nói đến tầm gì đó lớn lao, tôi chỉ muốn nói đến việc đơn thuần nhất mà các thầy cô phải gánh chịu nếu ý tưởng thí điểm bỏ biên chế giáo viên của Bộ trưởng được thực hiện. Có nhiều ý kiến phản bác nhưng cũng không ít ý kiến đồng tình theo kiểu “nếu anh có tài thì biên chế hay không cũng thế, vẫn ăn lương và vẫn đóng bảo hiểm…”.
Tôi chỉ muốn nói đến việc mưu sinh. Ắt hẳn, trong các ngành nghề thì nghề giáo là nghề vất vả hơn cả. Bạn đừng tưởng nghề giáo là chỉ lên bục giảng nói như thuộc lòng về những điều đã soạn sẵn trong giáo án, rồi tối soạn giáo án một chút là vào ôm chồng con mà ngủ…
Cô giáo tôi cách đây 20 năm, khi không thể sống bằng đồng lương còm cõi đã phải vừa dạy học vừa nấu rượu nuôi lợn… Tôi nhớ như in cái dáng cao gầy của cô, mỗi tiết cô vẫn hăng say giảng bài, nhưng đến giờ giải lao là cô chạy như bay đi giao rượu… Đồng lương giáo viên không nuôi đủ mấy đứa con đi học nên cô không ngại làm thêm...
Thầy giáo tôi ngoài giờ dạy còn phụ vợ bán hàng, bán rong cả ruốc để bám nghề khi đồng lương quá còm cõi…
Rồi bạn tôi kể, học sinh bây giờ không như ngày xưa, nhiều đứa ngoan nhưng nhiều đứa cũng hư hỏng. Chỉ cần cô nhắc học bài là mặt mũi sưng sỉa, có khi tức lên, em ấy còn viết đơn tố cáo lên nhà trường…
Có học sinh cũng chỉ vì bị thầy cô nhắc nhở đã kêu giang hồ bên ngoài vào đe dọa giáo viên…
Nhưng ra đường thì thế nào? Làm nghề khác lỡ lời thì không sao. Nhưng, nghề giáo viên mà lỡ lời thì sẽ ngay lập tức phải nghe những câu kiểu: “Làm thầy, cô giáo mà ăn nói vậy thì dạy được ai? Bỏ nghề đi”. Những lúc mệt mỏi, ngủ gục trên bục giảng, học sinh về mách phụ huynh thì sẽ y như rằng: “Chúng tôi đóng tiền cho con chúng tôi học, phải dạy đàng hoàng vào, đừng có mà lơ là, chúng tôi kiện cho nghỉ dạy luôn…”.
Vậy mà họ vẫn bám nghề, không phải vì họ cần hư danh hay tiền bạc gì, mà chỉ là họ trót yêu tha thiết cái nghề vốn được ví là cao quý nhất trong những nghề cao quý…
Nhưng cũng không hẳn học sư phạm xong, nộp hồ sơ đủ tiêu chuẩn là được duyệt. Ngay ở quê tôi, tôi còn nghe được người ta bàn ra tán vào chuyện dù lương giáo viên có mấy triệu bạc nhưng để vào biên chế các thầy cô cũng phải “lo lót” không ít (!?) Tất nhiên, những chuyện đó không phải lúc nào cũng xảy ra nhưng quả thực, nghe nhiều sự thật trần trụi đằng sau cái nghề được gọi là cao quý ấy mà rất nhói lòng…
Chắc Bộ trưởng sẽ hỏi vì sao yêu mà còn đòi hỏi biên chế hay không biên chế? Có lương là được, cần gì đòi hỏi cái kiểu bao cấp cổ hủ ấy? Nhưng, thưa Bộ trưởng rằng, yêu nghề là một lẽ, đã chịu chấp nhận đồng lương tằn tiện đủ chi phí cũng đành. Nhưng, điều mà các thầy cô cần là một sự yên tâm cần thiết để sống chết với nghề.
Nếu bạn đã ít lương, đã vất vả mà còn nghĩ đến chuyện cái hợp đồng mình nó bấp bênh nữa thì bạn có còn tâm trạng mà dốc hết mình cho sự nghiệp trồng người không? Nếu bạn dốc tâm huyết đi dạy, mà ngay cả việc bạn không biết con đường mình rồi về đâu, nay dạy thế này mai bị đuổi mình làm gì? Khi niềm tin mà các thầy cô đã không còn thì làm sao dạy cho cả thế hệ tương lai một niềm tin vào đất nước được?
Tôi tin, các thầy cô giáo không đòi hỏi gì quá nhiều. Họ chỉ mong một mức lương bình dân đủ sống và một sự bảo đảm cần thiết nào đó cho cái nghề mà cả đời họ mắc nợ, thì điều hiển nhiên những người thầy người cô ấy sẽ lặng lẽ cống hiến hết mình.
Nhưng Bộ trưởng đã đứng ở một vị trí quá cao để không nhìn thấy khó khăn của cấp dưới. Bộ trưởng của họ không cảm nhận hết được vất vả mà cấp dưới của mình đang trải qua. Ở trên tận cấp Trung ương ấy, Bộ trưởng liệu có biết rằng, sau lời “sấm” được phát đi là sự hoang mang đang đè lên vai các thầy cô giáo kính yêu của chúng tôi…
Minh Hiếu
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!