Báo động tình trạng trẻ hóa ăn lá ngón tự tử ở học sinh
Trở về bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, người dân nơi đây vẫn chưa thể nào quên được vụ việc 2 nữ sinh lớp 7 tự tử bằng lá ngón, khiến 1 em tử vong cách đây tròn 1 năm.
Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong kể: “Vào chiều 9/4/2020, hai em T.Y.Nh và V.Y.N (đều 13 tuổi, đang học lớp 7, trú bản Mường Lống) chơi với nhóm bạn trong bản. Trong lúc chơi đùa, do bị một người bạn trêu chọc nên Nh. và N. bực tức, rủ nhau vào rừng hái ngón ăn để tự tử. Sau khi ăn nắm lá ngón, một trong 2 nữ sinh này sợ hãi khóc rồi gọi điện thoại thông báo cho chị gái”.
Ngay sau đó, người chị thông báo cho gia đình rồi cùng người thân đi tìm kiếm Nh. và N.. Một lúc sau, người thân tìm được 2 nữ sinh này và đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, khi tới bệnh viện huyện, điều đau lòng là em Nh. đã tử vong.
Khi được hỏi về nguyên nhân này, vị Chủ tịch xã cho biết: “Hầu hết những vụ ngộ độc lá ngón là do tự tử. Đại đa số nạn nhân là trẻ em gái và phụ nữ người Mông. Nguyên nhân dẫn đến cái chết thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, bạn bè cãi vã nhau, một lời nói cay nghiệt, những hờn giận, ghen tuông… dễ khiến phụ nữ tìm đến giải pháp tiêu cực này”.
Ngoài ra, Tri Lễ là xã biên giới của huyện Quế Phong, giáp với Lào. Hầu hết người Mông sống trên vùng núi cao, cách xa các bệnh viện nên việc cứu chữa gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, thường người muốn tự vẫn lúc đi chỉ đi một mình, địa hình vắng vẻ ít người biết nên khi phát hiện ra thì đã quá muộn.
“Thậm chí chỉ vì một lý do đơn giản là trong bản có người nói xấu mình họ cũng tìm đến lá ngón để giải quyết mâu thuẫn. Họ quan niệm rằng, chết vì giận người thân là cách tốt nhất để trừng phạt người còn sống, để cho người sống luôn phải nhớ thương, đau khổ, phải thui thủi lên nương, phải sống một mình…”, ông Cường nói.
Gốc rễ, căn nguyên của tình trạng tự tử bằng lá ngón là vấn đề tư tưởng cố hữu còn tồn tại trong cộng đồng. Đó là dùng cái chết bằng lá ngón để giải thoát hay như tâm lý bắt chước người lớn ăn lá ngón để tìm đến cái chết khi có khúc mắc trong cuộc sống ở bộ phận học sinh.
Đơn cử, sáng 6/9/2017, người dân ở bản Thăm Hón, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cũng bàng hoàng khi phát hiện 3 học sinh: Xồng Bá D., Xồng Bá X. và Xồng Bá R. (đều SN 2009) là học sinh lớp 3 của trường tiểu học Na Ngoi 1 ăn lá ngón tự vẫn. Hậu quả, em Xồng Bá D. qua đời do trúng độc nặng.
Nguyên nhân cũng rất đơn giản, chỉ vì bị cô giáo nhắc nhở về việc các em lấy đồ chơi ở trường mầm non. Sợ các cô báo với gia đình nên cả 3 em đã rủ nhau lên rẫy hái lá ngón ăn.
Nói về tình trạng ăn lá ngón trong lứa tuổi học sinh ở vùng cao, thầy giáo Nguyễn Đình Hùng – hiệu phó trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi cho biết, ở Kỳ Sơn, tình trạng học sinh ăn lá ngón nhiều nhất vẫn là khu vực các xã Huồi Tụ và Mường Lống. Thậm chí, có giai đoạn tuần nào thầy cũng phải vác học sinh học nội trú đi xóc ruột do ăn lá ngón.
Thay đổi nhận thức của học sinh
Ông Nguyễn Trọng Hoàn – chánh văn phòng sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An được xem là “thánh địa” của cây lá ngón. Bởi ở vùng đất này, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của lá chết người này. Lá ngón mọc khắp nơi, từ trên đỉnh núi cao đến các triền đồi, đường đi, trường học..., thậm chí ở ngay bên vách nhà.
“Ở nơi đây, ngay từ nhỏ các em học sinh đã biết và hiểu loài cây này vô cùng độc. Cũng vì vậy, các em đã có tiềm thức kết thúc cuộc đời bằng lá ngón. Vì vậy, nếu có trường hợp ăn lá ngón phần lớn nguyên nhân là các em đang cố tự tử vì một lý do gì đó. Cách duy nhất để thay đổi là phải thay đổi nhận thức của các em”, ông Hoàn nói.
Vì vậy, ngành giáo dục đã yêu cầu một trong những bài học ngoại khóa dành riêng cho các học sinh miền núi đó chính là không ăn lá ngón tự tử. Không những vậy, ngay trong các tiết học đạo đức và giáo dục công dân, các thầy cô cũng cố gắng lồng ghép nội dung cảnh báo trên với hi vọng sẽ chấm dứt hoàn toàn việc học sinh tự tử bằng lá ngón.
Ngoài ra, nhằm giảm thiểu những nỗi đau từ lá ngón, thời gian qua các đơn vị Bộ đội biên phòng Nghệ An cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành nhiều đợt tuyên truyền cho đồng bào trên địa bàn khu vực biên giới về những tác hại của cây lá ngón.
Tại các đợt tuyên truyền, lực lượng quân y phối hợp với y tế địa phương hướng dẫn đồng bào cách cấp cứu ban đầu cho các nạn nhân, nếu có người bị nhiễm độc nguy hiểm đến tính mạng do ăn phải lá ngón.
Đồng thời, các cấp chính quyền cũng nhiều lần vận động nhân dân phá nhổ cây lá ngón xung quanh các khu dân cư, bản làng để hạn chế việc người dân vô tình hay cố ý sử dụng loại lá chết người này.
Đại úy, bác sĩ Lê Anh Đức, đồn Biên phòng Tri Lễ, Bộ đội biên phòng Nghệ An được xem là người đã cứu rất nhiều nạn nhân ăn lá ngón cho biết, nếu ai đó ăn phải lá ngón tươi thì có thể cứu sống từ các nguyên liệu tự nhiên sẵn có trên địa bàn.
Trước tiên, sử dụng thân cây chuối đập dập vắt lấy nước; kết hợp lấy cây rau má (rửa sạch bằng nước thân cây chuối) giã nhỏ vắt lấy nước hòa với nước thân cây chuối; sau đó bắt 2 – 3 con nhái còn sống bỏ vào hỗn hợp nước chuối với rau má trong khoảng 1 phút rồi vớt bỏ nhái ra; tiếp đến, đổ cho bệnh nhân uống nước đó rồi dùng tay kích thích vào miệng gây nôn cho bệnh nhân; tiếp tục cho uống và gây nôn đến khi hết thức ăn trong dạ dày.