Tỉ lệ chọi vào lớp 10 ở Hà Nội những năm gầy đây
Tỉ lệ chọi lớp 10 Hà Nội năm 2021: Theo đó, năm 2021, toàn thành phố có 93.362 học sinh đăng ký dự tuyển, số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 93.254 em, 108 học sinh chỉ đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường là 67.446 học sinh.
Năm 2021 mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Tỉ lệ chọi lớp 10 Hà Nội năm 2022: gần 130.000 sĩ tử của Hà Nội sẽ bước vào mùa thi lớp 10, tuy nhiên, sẽ chỉ có khoảng 69.000 suất vào lớp 10 công lập (không chuyên). Đây là năm có tỉ lệ chọi vào lớp 10 cao ở Hà Nội trong nhiều năm qua.
Căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký dự tuyển và chỉ tiêu được giao, học sinh có thể biết được tỉ lệ chọi vào lớp 10 của từng trường trung học phổ thông công lập năm học 2022-2023. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển.
Theo quy định, mỗi học sinh được đăng ký thi vào lớp 10 tối đa 3 nguyện vọng, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Tỉ lệ chọi lớp 10 Hà Nội năm 2023: Tỉ lệ chọi trung bình vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội năm nay khoảng 1/1,79, cao nhất trong ba năm qua.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, số học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm nay là 129.210 em. Khoảng 72.000 em sẽ được tuyển vào lớp 10 THPT công lập (55,7%) tỉ lệ chọi trung bình 1 chọi 1,79. Năm ngoái tỉ lệ chọi vào lớp 10 công lập trung bình 1 chọi 1,67 và năm 2021 là 1 chọi 1,61. Như vậy, tỉ lệ chọi vào lớp 10 năm nay dự kiến cao nhất trong ba năm qua.
Sở GD&ĐT cũng dự kiến 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%), còn lại được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Theo kế hoạch, ngày 18/5, Sở GD&ĐT sẽ công bố số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào lớp 10 từng trường năm nay.
Năm ngoái, trường THPT Yên Hoà số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 cao nhất thành phố (2.048 hồ sơ, chỉ tiêu trúng tuyển 675 học sinh - tỉ lệ 1 chọi 3), tiếp đến là THPT Phan Đình Phùng (1.579 hồ sơ đăng ký, chỉ tiêu trúng tuyển 675 - tỉ lệ chọi 2,3), THPT Việt Đức (1.570 hồ sơ đăng ký, chỉ tiêu trúng tuyển 675 - tỉ lệ chọi 2,3).
Trao đổi với Vnexpress, Hiệu trưởng Nguyễn Cao Cường, trường THCS Thái Thịnh, cho biết chênh lệch về tỈ lệ chọi giữa khu vực nội và ngoại thành là câu chuyện nhiều năm nay ở Hà Nội. Theo ông, nguyên nhân chính dẫn tới vấn đề này là sự phân bố dân cư và số trường không đều. 12 quận nội thành có số dân là 3,74 triệu (số liệu đầu năm 2022), chiếm gần một nửa (44%) dân số Hà Nội. Trong khi đó, tổng số trường công lập ở khu vực này chỉ 37, còn ngoại thành có 80 trường, hơn gấp đôi.
Cũng theo ông Cường cho rằng dù tỉ lệ chọi không phản ánh toàn bộ hoạt động giáo dục của các trường, chỉ số này cũng phần nào cho thấy chất lượng trong tuyển sinh đầu vào. Những năm qua, nhiều trường THPT ở ngoại thành có tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao, học sinh vào đại học nhiều, nhưng một số nơi vẫn còn hạn chế.
"Chênh lệch này là bài toán cho các cấp quản lý, làm sao quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp, thu hẹp khoảng cách giữa các trường nội và ngoại thành", ông Cường nói.
"Kỳ lạ" mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt
Hiếm có mùa tuyển sinh lớp 10 nào ở Hà Nội lại diễn ra cảnh xếp hàng xuyên đêm kinh khủng như năm nay. Ở nhiều trường như THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, THPT Tạ Quang Bửu, THPT Hoàng Cầu, THCS - THPT Lương Thế Vinh... phụ huynh xếp hàng từ 21h giờ đêm hôm trước đến trưa ngày hôm sau. Những phụ huynh chen chân chờ xin học trường tư hoặc là con đã trượt hết các nguyện vọng vào công lập, hoặc không muốn cho con học các trường công mà họ cho rằng chất lượng chưa tin cậy.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định không thiếu chỗ học lớp 10. Nhưng thực tế mùa tuyển sinh năm nay ở Hà Nội là chỗ học còn nhưng nhiều thí sinh "bơ vơ", chưa có chỗ học.
Kỳ tuyển sinh vào 10 năm nay với gần 72.000 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, Hà Nội đã tăng thêm 1.000 chỉ tiêu so với năm trước. Nhưng tỉ lệ học sinh được vào lớp 10 trường công lập chỉ đạt 55,7% so với con số gần 130.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9. Tỉ lệ này thấp hơn năm trước gần 8% và thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Theo báo Tuổi Trẻ, Hà Nội phân luồng để có nhiều hướng ra cho học sinh. Cụ thể có gần 30.000 học sinh sẽ vào học các trường tư thục, trường công lập tự chủ, chiếm tỉ lệ 23,2%. Ngoài ra có khoảng 7,7% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 học trung tâm giáo dục thường xuyên và 13,4% vào học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề.
Trong gần 72.000 học sinh tương đương với số chỉ tiêu vào học công lập, phân bố ở mỗi địa bàn cũng khác nhau. Ví dụ như ở quận Hà Đông, địa bàn có tốc độ đô thị hóa rất cao nhưng chỉ có ba trường THPT công lập. Năm nay trường công của quận này được giao trên 2.200 chỉ tiêu, trong khi số học sinh tốt nghiệp lớp 9 trên địa bàn là trên 8.000. Ước tính chỉ có khoảng 28% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào được trường công lập.
Năm 2023, Hà Nội chia 12 khu vực tuyển sinh, mỗi thí sinh được đăng ký ba nguyện vọng nhưng hai nguyện vọng bắt buộc phải trong cùng một khu vực tuyển sinh (nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi gia đình cư trú). Chỉ có nguyện vọng 3 được đăng ký ở khu vực bất kỳ.
Với quy định này ở khu vực tuyển sinh nào thì áp lực căng thẳng cũng xảy ra ở các trường tốp đầu. Nhiều thí sinh do đăng ký nguyện vọng không hợp lý nên khi trượt nguyện vọng 1, trượt luôn cả nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Vì nguyên tắc, để đỗ nguyện vọng 2 thì thí sinh phải có điểm thi cao hơn điểm chuẩn 1,0 điểm và đỗ được nguyện vọng 3 thì điểm thi phải cao hơn điểm chuẩn 2,0 điểm.
Kỳ tuyển sinh năm nay điểm trúng tuyển đầu vào nhiều trường rất cao, nhiều thí sinh điểm số khá tương đối nhưng vẫn trượt.
Lo lắng, mất ăn mất ngủ "canh" điểm chuẩn rồi buồn bã, hụt hẫng và cuống cuồng tìm chỗ học sau khi các trường THPT công bố điểm chuẩn, đó là những cung bậc cảm xúc mà không ít phụ huynh tại Hà Nội đã phải nếm trải trong suốt những ngày qua. Chia sẻ với Công An Nhân Dân, chị N.T.H ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: "Từ lúc biết điểm thi vào 10 của con, không khí gia đình chùng hẳn. Con trai mình từ lớp 6 đến lớp 9 đều là học sinh giỏi, điểm tổng kết 2 môn Toán và Ngữ văn đều trên 9.0. Điểm thi thử lớp 10 ở trường của con cũng đều trên 8,5 điểm mỗi môn. Do con thích Trường THPT Kim Liên nên con đăng ký đó là nguyện vọng (NV)1, NV2 là Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa) và không đăng ký NV3. Hôm báo điểm thi con được 41,5 điểm, gia đình cũng mừng vì năm ngoái điểm chuẩn trúng tuyển vào trường THPT Kim Liên là 41,25 điểm.
Tuy nhiên, do năm nay trường THPT Kim Liên có tỉ lệ chọi cao đột biến nên điểm chuẩn trúng tuyển tăng từ 41,25 lên 43,25 nên con đã trượt NV1. Trường đăng ký NV2 con đủ điểm đỗ NV1 nhưng do Sở GD&ĐT Hà Nội quy định điểm chuẩn trúng tuyển NV2 phải cao hơn NV1 là 1 điểm nên cuối cùng con cũng trượt. Giá như ngay từ đầu tôi không chủ quan, sát sao tư vấn cho con chọn NV2 phù hợp và tận dụng NV3 làm phương án "chống trượt" thì đã không rơi vào tình cảnh này".
Tương tự, anh L.N.T ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết, dù điểm thi vào lớp 10 của con gái là 40,25, nếu tính trung bình rơi vào khoảng hơn 8 điểm một môn nhưng con vẫn trượt hết cả NV1 và NV2 vào 2 trường THPT trên địa bàn quận Cầu Giấy. Với NV3, anh đăng ký dự phòng cho con vào một trường THPT khu vực ngoại thành và thừa điểm đỗ. Tuy nhiên, do từ nhà đến trường hơn 20 km nên việc đi lại quá vất vả. Nhưng nếu đăng ký học các trường THPT ngoài công lập khu vực Cầu Giấy gần nhà thì áp lực tài chính lại khá lớn. Trung bình mỗi tháng cũng hết hơn 10 triệu đồng chưa kể tiền học thêm, ôn luyện bên ngoài. Hiện cả hai vợ chồng anh đang phải "cân não" lựa chọn phương án phù hợp cho con.
Trúc Chi (t/h)