Đặc biệt, lâu nay rất nhiều phụ huynh đã lựa chọn tiêm vắc- xin dịch vụ tại nhà. Song trên thực tế, việc tiêm vắc-xin tại nhà tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường...
Nơm nớp nỗi lo "ăn bớt" vắc- xin
Từ năm 2007, sở Y tế Hà Nội đã có "lệnh cấm" triệt để việc tiêm chủng tại nhà với lý do nếu trẻ không được tiêm ở nơi có đủ phương tiện cấp cứu, mối nguy hiểm sẽ rất lớn. Tuy nhiên, dịch vụ tiêm phòng vẫn hút khách.
Vắc- xin dịch vụ Pentaxim "5 trong 1" được nhiều bà mẹ lựa chọn tiêm cho con.
Theo tìm hiểu của PV báo điện tử Người đưa tin, không ít trường hợp đã được tiêm đủ các loại vắc- xin theo yêu cầu của chương trình tiêm chủng mở rộng mà chưa một lần phải đến trạm y tế xã, phường vì luôn có y tá đến tận nhà "phục vụ". Bé Linh con chị Nguyễn Thị B. (Trương Định, Hà Nội) là một điển hình. Thay vì phải đưa con đến phường tiêm các loại vắc- xin quan trọng đã được Nhà nước bao cấp, chị B. phải chi từ hơn 100- 200 nghìn đồng/mũi tiêm.
Chị B. cho biết, trạm xá quá đông, chị lựa chọn tiêm dịch vụ, họ cẩn thận hơn nhiều so với ở trạm y tế phường?!. Hơn nữa, chị B. làm kinh doanh, lúc nào cũng bận rộn nên "gửi gắm" con cho "y tá dịch vụ" cho đỡ mất thời gian. Theo lịch hẹn, cô y tá sẽ đến tiêm còn nếu tiêm theo diện miễn phí, chị phải mang con đến xếp hàng.
Chị B. cho biết thêm: "Tôi đang có dự định tiêm phòng vắc- xin dịch vụ Pentaxim để phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ (Hib) thay cho việc phải sử dụng nhiều mũi tiêm cho con. Tuy nhiên, khi nghe thông tin bác sĩ "ăn bớt" vắc-xin của trẻ, tôi cũng rất băn khoăn, e ngại. Nếu cũng lỡ bị "ăn bớt", thuốc có còn tác dụng phòng ngừa bệnh nữa không?".
Chị Nguyễn Thị Thuỷ (đường Giải Phóng, Hà Nội) cho hay, cậu con trai của chị thường được tiêm phòng tại trạm y tế phường. Nhưng trong đợt tiêm nhắc lại bạch hầu, ho gà gần đây, gia đình chị có việc bận, nên đã gọi người tiêm dịch vụ đến nhà. Thế nhưng, vụ việc "ăn bớt" vắc-xin tại trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội vừa bị phát hiện khiến chị Thuỷ hoang mang, lo lắng bởi chưa bao giờ chị "giám sát" lượng thuốc trong lọ còn hay hết sau khi bác sĩ đã tiêm cho con mình.
"Liệu tiêm phòng không đủ liều có gây nguy hại đến trẻ? Tôi cũng không biết nên sử dụng dịch vụ nào mới đảm bảo, trung tâm Y tế dự phòng còn "ăn bớt" vắc- xin thì các dịch vụ tiêm tại nhà còn có nguy cơ "ăn bớt" nhiều hơn gấp bội?", chị Thuỷ nói.
Được một người quen giới thiệu, tôi gọi điện đến số điện thoại 0169772xxxx của chị H.- chuyên nhận tiêm, truyền tại nhà (ở Thanh Trì, Hà Nội). Gọi điện đặt lịch hẹn tiêm phòng cho cháu ngoại, tôi được chị H. tiếp thị: "Tôi nhận tiêm, truyền tại nhà cho cả người già, trẻ nhỏ. Chị cứ nói địa chỉ và lịch hẹn, tôi sẽ đến đúng giờ, chị yên tâm!".
Tôi hỏi: "Bác sỹ có nhận tiêm chủng tại nhà không?", chị H. ậm ừ: "Chị muốn tiêm cho cháu bao nhiêu tháng, mũi gì?". Nghe tôi nói cháu ngoại 2 tháng tuổi, chị H. cho hay: "Hiện, tiêm vắc- xin dịch vụ Pentaxim "5 trong 1" và vắc- xin "6 trong 1" Infaric-hexa, hai loại vắc- xin thay thế Quinvaxem là đảm bảo nhất, 750 nghìn đồng/mũi, chưa kể công tiêm".
Theo chị H., công tiêm của bác sỹ tùy thuộc vào bán kính xa hay gần (dao động từ 10-25 cây số- PV) sẽ có giá từ 100-250 nghìn đồng. Chị H. cũng cho biết, nhận tiêm chủng những mũi đơn lẻ ho gà, bạch hầu, sởi... theo giá thị trường. Khi được hỏi về nguồn vắc- xin nhập có đảm bảo chất lượng, chị H. cho biết, đặt hàng từ nhà sản xuất, hãng dược chuyên phân phối vắc-xin?
Tiêm phòng cho trẻ. Ảnh minh họa.
Tiêm vắc- xin tại nhà "rước" họa cho trẻ!
Đem thắc mắc về dịch vụ tiêm chủng tại nhà có an toàn đến PGS.TS Đỗ Sĩ Hiển, chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, chúng tôi nhận được câu trả lời: "Việc các bà mẹ cho con đi tiêm phòng mọi loại vắc- xin phòng bệnh, kháng thể là rất tốt. Về nguyên tắc, kháng thể có thể theo thời gian sẽ giảm đi, nên trong chương trình tiêm chủng có tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng mở rộng không thể nào đảm bảo được hết cho các cháu tiêm nhắc lại sau này, vì thế nhiều gia đình đã cho trẻ đi tiêm nhắc lại ở các trung tâm, cơ sở y tế dịch vụ. Song, tôi cũng xin đặc biệt lưu ýá, không nên tiêm chủng tại nhà để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra cho trẻ".
PGS.TS Hiển cho biết: "Tai biến tiêm chủng là hiếm gặp, nhưng nếu xảy ra thì đòi hỏi phải được cấp cứu kịp thời. Những người tiêm dịch vụ tại gia đình thường không có các phương tiện này, không đảm bảo vô khuẩn và đây cũng là một yếu tố gây tai biến. Vắc- xin là một sinh phẩm đặc biệt cần phải bảo quản chặt chẽ trong dây truyền. Ở tại điểm tiêm chủng có đầy đủ các phương tiện để bảo quản theo đúng nhiệt độ quy định. Còn khi mời nhân viên y tá về nhà tiêm cho con bạn, thì không có gì đảm bảo bởi nó có thể được bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh hoặc không đủ nhiệt".
Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết: Theo Quyết định 23 của bộ Y tế quy định về việc tiêm chủng phòng bệnh bắt buộc các cơ sở y tế, trung tâm y tế phải đảm bảo đầy đủ các quy định như về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, về nhân lực, trình độ... Khi đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này rồi mới được phép triển khai thực hiện tiêm chủng cho người dân. Chính vì vậy mà ở các trung tâm y tế thì có phòng tiêm chủng (có hệ thống làm lạnh bảo quản thuốc theo đúng quy trình, có sự giám sát rất chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng của thuốc-PV), còn cấp xã, phường có các phòng tiêm.
Việc bảo quản thuốc sẽ được bảo quản bằng tủ lạnh, hay các bình tích lạnh theo quy định của Qũy Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và của bộ Y tế. Chẳng hạn, ngay tại các trung tâm y tế hay trạm y tế xã, phường sẽ có phòng lạnh hay tủ lạnh để bảo quản vắc-xin sao cho luôn phải giữ nhiệt độ từ 0-8 độ C, khi đem ra tiêm hay di chuyển đến các địa điểm tiêm nào đó đều phải thực hiện nghiêm ngặt theo đúng các quy định. Để bảo quản phải có bình tích lạnh tuân thủ các quy định như: Số người tiêm, lượng thuốc phải sử dụng bao nhiêu bình tích lạnh, số lượng cụ thể ra sao; đá để như thế nào trước khi cho vắc-xin vào bảo quản và sau một thời gian cho phép thì mới được đem ra tiêm cho người dân.
Hành nghề... không phép
"Riêng thông tin về những trường hợp đi tiêm chủng dưới hình thức dịch vụ, chúng tôi chưa biết và cũng không thấy ai báo cáo về vấn đề này. Và trên thực tế không biết có hay không. Nếu phát hiện ra, Sở sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh xem nó như thế nào để có các biện pháp xử lý cụ thể được", ông Hạnh nhấn mạnh.
Ông Hạnh cũng cho biết thêm, cũng có thể có tồn tại việc này nhưng không phải ở phạm vi rộng bởi vì có những trường hợp quen biết hoặc có một số gia đình có con nhỏ, ngại đi lại cho nên họ đã nhờ qua những mối quen biết giới thiệu đến tiêm hộ. Tất nhiên, khi tiêm người ta cũng phải mang bình tích lạnh đến chứ không thể làm ẩu hay bất chấp quy định của pháp luật được. Mặc dù vậy, theo quy định của bộ Y tế, khi tiêm chủng người dân phải đến các cơ sở y tế để tiêm chứ không được tiêm tại nhà hay dưới hình thức dịch vụ như thông tin phản ánh. Ngay bản thân ngành y tế cũng không khuyến khích hình thức lựa chọn như vậy. Riêng việc đi tiêm dịch vụ thu tiền như báo chí phản ánh, đây được coi như là hành nghề không phép và sẽ bị xử lý nghiêm khi phát hiện.
Bộ Y tế không cho phép tiêm chủng tại nhà Ông Nguyễn Việt Cường- chánh Thanh tra sở Y tế Hà Nội cho biết: "Những bác sỹ muốn làm thêm ngoài giờ, điều trị bệnh cho bệnh nhân thì phải có giấy phép và thực hiện theo đúng phạm vi, nội dung mà giấy phép quy định. Họ đăng ký ở đâu thì khám tại đấy, chứ không được đăng ký một đằng, khám một nẻo và như vậy, khi phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định (trừ trường hợp bệnh nhân đã khám ở đó, nhưng quá trình về nhà có vấn đề gì khẩn cấp hay nguy kịch thì bác sỹ có thể đến kiểm tra, đưa ra giải pháp cứu chữa cho người bệnh-PV). Riêng về mặt tiêm chủng lại hoàn toàn khác, theo quy định của bộ Y tê,ë không cho phép tiêm ở nhà mà phải đến tiêm tại các cơ sở y tế theo quy định của Nhà nước đã được thẩm định, đánh giá đáp ứng đầy đủ các quy định chuyên môn của ngành". |
Giang- Anh