Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, không chỉ sinh viên mà bất cứ ai biết ngoại ngữ cũng là một lợi thế, nhất là tiếng Anh. Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đang từng ngày trở thành lợi thế của những thí sinh trong cuộc đua vào đại học.
Cụ thể, hiện đã có khoảng 30 trường đại học lớn trên cả nước ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL hoặc đưa chứng chỉ ngoại ngữ thành yếu tố trong các phương thức xét tuyển kết hợp.
Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng có điều kiện tiếp cận và hoàn thành những chứng chỉ này, nhất là với những thí sinh ở vùng khó. Để luyện và thi IELTS, cần chi phí không nhỏ, điều này đòi hỏi điều kiện nhất định và vô tình gây ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng thí sinh giữa các vùng miền khác nhau.
Chưa kể, bất kỳ “tấm vé” nào giành suất vào một môi trường hấp dẫn, cũng thường đi kèm với nguy cơ của những cuộc đua ngầm. Dẫu biết rằng trang bị tiếng Anh cho con từ sớm là tốt, nhưng nhiều phụ huynh vẫn nuôi tư tưởng cố “nhồi nhét” bằng được để con có một lợi thế trước hàng vạn thí sinh. Từ đó, rất dễ lại nảy sinh những hệ lụy tiêu cực.
Một số chuyên gia cũng lo ngại rằng, kéo theo đó, cuộc chạy đua với chứng chỉ IELTS sẽ là “cái cớ” cho ngành công nghiệp dự đoán đề thi, các đường dây lộ đề mang tên “du lịch kiêm thi IELTS” phát triển.
Trước đó, một trường THCS ở Hà Nội đưa ra mức cộng 20 điểm cho những học sinh có chứng chỉ tiếng Anh: TOEFL IBT 450; IELTS 3.0 do những đơn vị khảo thí tiếng Anh được Bộ hoặc sở GD&ĐT cấp phép khi đăng ký dự tuyển vào lớp 6 cũng đã khiến giáo viên và phụ huynh được phen xôn xao. Nhiều lo ngại được dấy lên, với cách xét tuyển trên có thể sẽ làm bùng nổ một cuộc chạy đua luyện IELTS để lấy chứng chỉ.
Trên thực tế, cũng có không ít những trường hợp phụ huynh chi hàng chục triệu đồng để đạt mục tiêu đưa con “về đích”, có chứng chỉ IELTS ngay khi vừa hoàn thành chương trình học lớp 5, để thêm “chắc chân” vào trường THCS mình đặt nguyện vọng.
Trong khi đó, lứa tuổi của những học sinh mới ở bậc Tiểu học, còn chưa thể lĩnh hội được hết những nội dung cần thiết. Cụ thể, theo phân tích của các chuyên gia luyện thi, tiếng Anh theo kiểu của bài thi IELTS không trùng khớp 100% với tiếng Anh dùng trong cuộc sống, thực tế IELTS hỏi về tiếng Anh học thuật, chủ yếu dùng trong môi trường đại học trở lên. Học sinh 10-12 tuổi hầu hết chưa đủ kiến thức để sử dụng tiếng Anh đó một cách hiệu quả, chưa kể, dù có học tốt cũng chưa có cơ hội dùng nhiều ngoài phòng thi.
Thực trạng này dẫn đến một thực tế “học vẹt” và “dạy mẹo”, cốt chỉ để chạy qua bài thi, một bài thi chưa thiết thực với độ tuổi, không có tính ứng dụng cho hệ thống giáo dục của Việt Nam. Không những thế, vô hình trung lại tăng thêm áp lớn không cần thiết lên cả học sinh (học thêm moột môn), phụ huynh (tốn thêm tiền), và giáo viên (buộc phải đảm bảo học sinh đạt điểm cao).
Gián tiếp hơn nữa, thêm một trường dùng IELTS tuyển sinh một cách không cần thiết là tăng thêm “tầm quan trọng ảo” đối với bài thi này.
Chính vì vậy, mặc dù tiếng Anh đối với mỗi học sinh của thời đại mới, là một lợi thế; nhưng cũng không thể vì thế mà bất chấp để chạy theo bằng được. Các nhà trường nên cân nhắc thật kỹ về phương thức tuyển sinh phù hợp với lứa tuổi và đối tượng học sinh, tránh để xuất hiện thêm nhiều lỗ hổng cho những tiêu cực xuất hiện.
Nếu lựa chọn tiếng Anh làm một trong những tiêu chuẩn để xét tuyển vào trường đại học, nên chăng, Bộ GD&ĐT hoặc các trường đại học sẽ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh chung cho học sinh và nâng độ khó, để đảm bảo có một “thước đo” chuẩn xác và bình đẳng.
Mong rằng, học sinh sẽ không có thêm những cuộc đua!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Tiểu Chiến