Tính hấp dẫn đang suy giảm ?
Những ngày đầu của tháng 7, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) và Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) thông báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chính thức phê duyệt thương vụ chuyển giao toàn bộ hoạt động của CBA - Chi nhánh TP.HCM cho VIB. Toàn bộ cuộc chuyển giao dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý III năm nay. Hiện ngân hàng đến từ Úc là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB với tỷ lệ sở hữu là 20% vốn điều lệ.
Trước đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành ngân hàng Việt Nam cũng đã chứng kiến 2 cuộc “tháo chạy” của hai ngân hàng ngoại lớn là HSBC và ANZ.
Cụ thể, hồi tháng 4 vừa qua, ngân hàng ANZ đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam gồm 8 chi nhánh và phòng giao dịch tại Hà Nội và TP.HCM, cũng như nhân viên khối dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho Shinhan Bank – một ngân hàng của Hàn Quốc.
Khoảng 1 tháng trước, Techcombank cũng bất ngờ thông báo về việc xin ý kiến cổ đông thông qua đề xuất mua lại 19,41% vốn HSBC nắm giữ với mức giá mua đề xuất không thấp hơn 23.455 đồng/cổ phần. Ước tính giá trị thương vụ này có thể lên tới con số hơn 4.000 tỷ đồng.
Được biết, CBA gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1994 và bắt đầu đầu tư vào VIB từ năm 2010. Trong khi đó, ANZ đã mở chi nhánh đầu tiên tại TP. Hà Nội từ những năm 1993, còn đối với HSBC, đây là 1 trong những ngân hàng ngoại đầu tiên tiến quân vào thị trường Việt Nam với văn phòng đầu tiên được mở vào năm 1870 tại Sài Gòn (nay là TP. HCM). Đến tháng 8/1995, chi nhánh ANZ TP.HCM chính thức được cấp phép hoạt động và cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính ngân hàng. HSBC đầu tư vào Techcombank từ năm 2005 với việc mua lại 10% vốn cổ phần và tăng lên tỷ lệ sở hữu 20% chỉ trong vòng 3 năm sau đó.
Theo báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý II/2017 của Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR), động thái rút vốn hoặc thu hẹp hoạt động tại Việt Nam của các ngân hàng ngoại cho thấy tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong nước đang suy giảm, có thể do những rủi ro tiềm tàng từ nợ xấu và quản trị doanh nghiệp còn hạn chế…
Bản chất vấn đề là…
Trái ngược với báo cáo của VEPR, nhận định về hiện tượng này chuyên gia tài chính – TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc ngân hàng ngoại bắt đầu thoái vốn, rút vốn không đáng quan ngại, vì hệ thống ngân hàng, tài chính, chứng khoán hiện nay của Việt Nam có sức hấp dẫn tương đối lớn, đặc biệt thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Thực tế, có tới 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động chính thức tại Việt Nam gồm ANZ Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, Woori Bank (Hàn Quốc), CIMB Bank Berhad và Public Bank Berhad (Malaysia).
Mới đây nhất, ngày 23/3 vừa qua, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố việc chấp thuận cho United Overseas Bank (UOB) của Singapore được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Theo TS. Cấn Văn Lực, các đối tác nước ngoài nhìn thấy rất rõ những cơ hội trên thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam và động thái rút vốn, thu hẹp hoạt động của ngân hàng ngoại về bản chất chỉ là thay đổi chiến lược kinh doanh để tránh chuyện trùng lặp. Những ngân hàng ngoại đã là cổ đông chiến lược của một nhà băng nội rồi thì không tội gì họ phải có một chi nhánh khác tại Việt Nam cả, bởi vì nó sẽ chồng chéo, mâu thuẫn lợi ích và không hiệu quả. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi các ngân hàng nước ngoài cũng cần phải tái cơ cấu.
“Động thái rút vốn, thu hẹp hoạt động của các ngân hàng ngoại chỉ là một trong những chiến lược kinh doanh của họ chứ không phải do biên độ thị trường kinh doanh, môi trường kinh doanh của chúng ta đang xấu đi” – TS. Lực đánh giá.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính) cũng cho rằng, vấn đề ngân hàng ngoại rút vốn là hết sức bình thường. Thậm chí, xét trên một góc độ nào đó thì điều này còn là hợp lý.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh giải thích, lĩnh vực kinh doanh ngân hàng là một trong những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện ở Việt Nam với những yêu cầu khắt khe và riêng biệt mà thậm chí nhiều điều không đúng với công nghệ hiện tại của các ngân hàng trên thế giới. Nói đến ở đây là việc các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu được 1 lượng cổ phần nhất định tại ngân hàng nội địa Việt Nam do đó họ không thể có quyền quyết định các hoạt động của ngân hàng này.
“Trước đây, ngân hàng ngoại ồ ạt đầu tư vào Việt Nam do nhận thấy nhiều cơ hội ở thị trường này nhưng bây giờ họ nhận ra những mong muốn của mình không được đáp ứng . Đơn cử như việc các ngân hàng ở Việt Nam tất cả đều đang thực hiện chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá do Chính phủ đề ra do đó ko thể hoạt động một cách hoàn toàn thị trường như nguyện vọng của các nhà đầu tư nước ngoài thì rút vốn là chuyện bình thường” – TS. Thịnh nhận định.
Trao đổi thêm về vấn đề sở hữu của khối ngoại tại các ngân hàng Việt Nam TS. Thịnh cho biết, mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế từng có ý kiến về việc mở rộng room cho các nhà đầu tư ngoại tham gia vào hệ thống tài chính ngân hàng bằng cách cho mua khối lượng cổ phần lớn hơn, tham gia điều hành nhiều hơn nhưng việc mở cửa toàn diện hệ thống tài chính ngân hàng đó là theo hướng lý thuyết. Còn thực tế nước ta vẫn đang đi theo con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì bắt buộc Nhà nước phải nắm được hệ thống ngân hàng tài chính này.
Quan trọng hơn là hệ thống ngân hàng không chỉ có nhiệm vụ kinh doanh mà còn có cả nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xã hội.
Thứ nhất, vấn đề ngân hàng mang tính chất nhạy cảm đối với nền kinh tế, việc mở rộng dần dần hoạt động của các ngân hàng quốc tế tại Việt Nam cũng như sự tham gia của ngân hàng ngoại là cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải quản lý “huyết mạch” của nền kinh tế, việc bơm vốn và rút vốn phụ thuộc rất lớn vào quyết định của Chính phủ, cơ quan Nhà nước. Mặc dù mở cửa hệ thống ngân hàng, nhưng chúng ta vẫn phải nắm cơ sở để điều chỉnh nền kinh tế nước nhà.
Thứ hai, lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng liên quan rất lớn đến đời sống của người dân cả nước, một quyết định nào đó về tỷ giá,tín dụng, lãi suất đều có thể lập tức ảnh hưởng đến hàng loạt chính sách kinh tế xã hội cũng như tâm tư người dân. Việc mở cửa từ từ trong một phạm vi phù hợp kinh tế, trình độ phát triển của công nghệ ngân hàng, nhận thức và hiểu biết người dân đối với hoạt động tài chính ngân hàng là một trong những điều đáng được đặt lên hàng đầu để cân nhắc.
Mặc dù, sự tham gia của các ngân hàng ngoại rất quan trọng, mang đến công nghệ quản lý mới, các dịch vụ hàng hóa mới cho hoạt động ngân hàng, phong cách giao tiếp mới, sự tiếp cận nhanh chóng với công nghệ ngân hàng song chúng ta vẫn phải giữ gìn an ninh kinh tế, xã hội mà lĩnh vực tài chính, ngân hàng đem lại.
Hiện tượng ngân hàng ngoại rút vốn, thu hẹp hoạt động tại Việt Nam chắc chắn sẽ gây xáo trộn tới hoạt động của ngân hàng trong nước nhưng đây không phải vấn đề quá lớn. Bản chất vấn đề như đã nói ở trên là ở số lượng cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tại ngân hàng Việt không mang tính chất quyết định.
Diệu Ly –Thiên Di