Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) vừa công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016, với nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.
Lãi sau thuế của Nam Á Bank trong năm 2016 ở mức 33 tỷ đồng, bằng 1/6 so với năm 2015 (194 tỷ đồng), lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) qua đó giảm từ 598 đồng còn 109 đồng.
Kết quả kinh doanh của Nam Á Bank suy giảm phần lớn xuất phát từ gánh nặng nợ xấu, khi mà số dư chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp đôi lên 482 tỷ đồng, bào mòn đáng kể lợi nhuận của Ngân hàng.
Nam Á Bank tiếp tục ưu tiên cho vay kinh doanh bất động sản, với số dư tín dụng dành cho mảng này tăng từ 5.828 tỷ đồng lên 7.017 tỷ đồng trong năm vừa qua. Tỷ lệ tương đối theo đó tăng từ 27,93% lên 29,19% dư nợ cho vay khách hàng.
Bất động sản cũng là loại hình tài sản thế chấp có giá trị lớn nhất tại Nam Á Bank, với số dư tới cuối kỳ 2016 là 31.089 tỷ đồng, chiếm ¾ tổng giá trị tài sản thế chấp cho các khoản vay, còn lại là giấy tờ có giá (8.300 tỷ đồng) và động sản (2.424 tỷ đồng).
Tổng tài sản tại ngày 31/12/2016 của Nam Á Bank ở mức 42.852 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm, chiếm phần lớn mức tăng trên là các khoản mục cho vay khách hàng, chứng khoán đầu tư, tài sản có khác.
Bên kia bảng cân đối kế toán, huy động tiền gửi tăng từ 24.368 tỷ đồng lên 34.080 tỷ đồng. Vốn điều lệ ổn định ở mức 3.021 tỷ đồng.
Điểm sáng hiếm hoi của Nam Á Bank tổng quỹ lương thưởng cho nhân viên được tăng mạnh lên 299 tỷ đồng trong năm vừa qua. Bình quân mỗi nhân viên Ngân hàng có thu nhập 17 triệu đồng/ tháng, so với con số 14 triệu đồng trong năm 2015.
Một điểm cần lưu ý nữa trong BCTC của Nam Á Bank là các bên liên quan của nhà băng này có những giao dịch rất lớn với Nam Á Bank. Trong năm 2016, các bên liên quan với thành viên HĐQT và Ban điều hành của Nam Á Bank đã gửi vào đây 12.818 tỷ đồng, đồng thời nhận tiền gửi 12.782 tỷ đồng. Nam Á Bank đã cho các bên liên quan vay tổng cộng 1.615 tỷ đồng, thu về 1.329 tỷ đồng. Số dư vay nợ với các bên liên quan tính tới cuối năm 2016 là 1.388 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 1.550 tỷ đồng thời điểm đầu năm.
Nghi Điền