Cay đắng và tủi hổ
Dù chỉ một lần về thăm đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý, ai nấy đều ấn tượng trước một hướng dẫn viên du lịch già, tên Nguyễn Đức Thìn. Cách giới thiệu chuyên nghiệp, cười tươi, giọng nói rất có duyên và cuốn hút người nghe là những lời nhận xét mà nhiều người dành cho Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động (NGND, AHLĐ) Nguyễn Đức Thìn.
Ít ai biết rằng, người hướng dẫn viên du lịch dáng người nhỏ thó, gầy gò, đôi bàn tay tê cứng do di chứng của bệnh phong để lại đã trải qua biết bao sóng gió, có những lúc tưởng chừng không thể bước tiếp. Nhưng bằng bản lĩnh và ý chí "thép" của mình, thầy đã chiến thắng bệnh tật trở về quê hương tiếp tục góp ích cho đời.
Đang ở độ tuổi chín muồi của sự nghiệp, mới ngoài 30, thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Thìn dạy học tại trường cấp II Liên Sơn nay gọi là trường Tam sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) bị mắc bệnh phong. Hồi ấy căn bệnh nguy hiểm này còn được gọi là bệnh hủi, bệnh cùi, loại bệnh mà nhiều người chỉ cần nghe thấy đã hoảng sợ và tránh xa. Cay đắng và xót xa cho số phận mình, thầy gạt nước mắt và tủi nhục, để lại vợ dại con thơ nơi quê nhà, công việc còn dang dở và các em học sinh yêu quí đi chữa trị.
Chuyến xe chở thầy đến viện phong tại xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào một ngày đông giá rét. Hành trang mang theo bên thầy Thìn không thể thiếu những cuốn sách, tập vở, bút viết, chiếc máy ảnh và mấy bộ quần áo. Thầy cũng như bao người mang trong mình căn bệnh quái ác cùng về đây với tâm trạng nặng trĩu buồn đau, bởi không biết còn cơ hội trở về quê nhà nữa không? Bởi nhiều bệnh nhân không chịu được đau đớn mà chết, có người khỏi bệnh cũng không dám về quê vì sợ dân làng xa lánh và kì thị.
NGND, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu lịch sử đền Đô
Vốn là nhà giáo dạy văn - sử, đến trại phong, thầy Thìn mới thấm thía hết nơi này đau thương và bất hạnh thế nào. Nhìn các cháu nhỏ không được học hành, phải theo bố mẹ sống trong trại phong, thầy không kìm được lòng mình. Nhìn những người già cô đơn, cụt chân cụt tay, dù bệnh tật đã đỡ nhưng cũng không dám về quê mà ở lại cho đến chết, thầy tự nhủ mình phải sống, sống để còn giúp đỡ các em được học hành và làm những việc có ý nghĩa. Nói là làm, thầy đến gặp giám đốc viện đề nghị xin thành lập trường dạy chữ cho con em bệnh nhân phong. Trước đề án thuyết phục và tấm lòng của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Ban giám đốc bệnh viện đồng ý cho mở trường học Lê Văn Tám. Trường được thành lập trong niềm vui sướng, hân hoan của biết bao người, đặc biệt là những đứa trẻ đáng thương và của thầy giáo, bệnh nhân Nguyễn Đức Thìn. Tập hợp tất cả những người từng làm giáo viên, tri thức cho đến bộ đội, họa sĩ đang điều trị tại đây, ai có thể dạy được điều gì hữu ích cho các em, ông đều mời tham gia. Thầy Nguyễn Đức Thìn vừa phải điều trị bệnh vừa phải trực tiếp đứng lớp giảng dạy, tổ chức, lên kế hoạch giảng dạy.
Vượt lên bệnh tật
Những lúc bị bệnh tật hành hạ đau đớn, nhưng thầy vẫn hát, hát cho niềm tin, hát cho vơi đi nỗi đau để sống. "Bệnh phong kéo theo đau thần kinh trụ, đau như khoan vào xương. Để vơi đi nỗi đau, những lúc ấy tôi phải hát lên để quên đau. Lúc đau đớn mà nằm một chỗ sẽ gục ngay. Khi đã đi được rồi thì nhảy xuống biển tập bơi. Rồi phải chữa trị bằng phương pháp vật lý trị liệu như tắm sáp nóng chảy 42 độ C, ở nhiệt độ này không bỏng, nhưng đủ nóng da thịt để tay chân không mất cảm giác, hạn chế việc tàn phế, phục hồi tế bào. Không có cách nào khác để khỏi bệnh và trở về quê cần phải tập luyện và tập luyện. Bên cạnh đó, tinh thần và tâm lý điều trị rất quan trọng, bởi vậy, tôi thường làm thơ, hát, viết nhật ký và chụp ảnh", NGND, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn kể.
Trong thời gian điều trị, không ngày nào thầy không viết nhật ký và chụp những bức ảnh ghi lại cuộc sống của các bệnh nhân phong phải chịu những cơn đau thấu xương hàng ngày. Xúc động nhất vẫn là những câu chuyện của các em nhỏ con của bệnh nhân phong ở đây. Mỗi câu chuyện, tấm hình ông đều gửi về quê nhà. Tin thầy Thìn vẫn còn khỏe mạnh khiến gia đình và thầy, trò trường cũ xúc động, cảm phục ý chí vượt qua bệnh tật của thầy vô cùng.
Sau 4 năm vất vả điều trị, sức khỏe của thầy đã đủ điều kiện để trở về quê nhà sinh hoạt và làm việc bình thường. Gắn bó với lớp, với trường tại bệnh viện phong, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, thầy đành phải gạt nước mắt trở về trường cũ, mang theo đôi bàn tay tật nguyền, tê cứng không cảm giác.
Thầy ngước đôi mắt buồn, đăm chiêu nhớ về ngày tháng mọi người nhìn mình bằng ánh mắt kì thị, giờ nghĩ lại, thầy không khỏi chạnh lòng. "Mọi người hồi ấy chưa hiểu bệnh phong thế nào, có lây hay không? Nhưng những người bị bệnh như tôi hồi ấy bị kì thị và tủi thân lắm. Thật ra, tác nhân của bệnh phong là vi khuẩn hansen, vi khuẩn này làm liệt dây thần kinh ngoại biên, dẫn đến mất cảm giác trên đôi bàn tay, bàn chân, nóng lạnh không biết, bị thương không thấy đau. Nếu người bệnh không giữ gìn cẩn thận sẽ bị tạp trùng xâm nhập gây ra co rút, cụt rụt. Nhiều người không hiểu bệnh Phong nên xa lánh, hắt hủi", thầy Thìn chia sẻ.
Trở về trường, thầy lại tiếp tục đứng lớp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người và phong trào "Nghìn việc tốt" do thầy khởi xướng trước khi bị bệnh. Đến năm 1991, thầy có quyết định nghỉ hưu, trở về công tác tại đền Đô với vai trò là một hướng dẫn viên du lịch, thành viên Ban quản lý di tích: "Trước khi nghỉ hưu, tôi cũng là một trong những người viết đơn xin xây dựng lại đền Đô. Ngày đó tôi không đánh máy được vì đôi bàn tay bị mất cảm giác và tê cứng, tôi phải cầm bút bi để gõ từng chữ trên bàn phím. Khi đền hoàn thành, tôi kiêm thêm nhiệm vụ bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch".
Nay tuổi đã cao, nhớ về những ngày còn là tổng phụ trách đội kiêm bí thư đoàn trường Tam Sơn, ánh mắt thầy ánh lên niềm tự hào kể về phong trào "Nghìn việc tốt" do mình khởi sướng và phát động từ năm 1963. Phong trào này sau đó đã lan tỏa khắp miền Bắc, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các em học sinh và thậm chí cả người lớn: "Ngày 24/3/1963, sau buổi sinh hoạt với nội dung "Làm nghìn việc tốt để thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, thầy và trò trường tôi cùng nhau đi trồng cây hai bên đường lối vào nhà lưu niệm Ngô Gia Tự. Những năm sau đó, ngày 24/3 trở thành "Ngày hội nghìn việc tốt" của trường Tam Sơn. Bác Hồ biết chuyện, đã rất hoan nghênh và Người đã nêu ra khẩu hiệu: "Làm nghìn việc tốt- chống Mỹ cứu nước". Thật vinh dự cho thầy, trò trường Tam Sơn, đúng ngày mùng một Tết năm 1967, Bác Hồ đã về thăm trường, Bác căn dặn: "Các cháu hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa, để xứng đáng là cháu ngoan của Bác".
Trải qua biết bao thăng trầm biến cố cuộc đời, dù đôi tay vĩnh viễn không còn cảm giác và cứng tê, nhưng thầy giáo anh hùng Nguyễn Đức Thìn vẫn chưa ngơi nghỉ. Dùng cây bút bi để gõ bàn phím, ông viết tiếp những trang sử về đền Đô, về quê hương nhà Lý và tiếp tục sáng tạo, cổ vũ phát động phong trào "Nghìn việc tốt" để thế hệ sau luôn tự hào về truyền thống dân tộc. Với Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn, sống là không ngừng "chiến đấu và chia niềm thông cảm bởi: "Con người như giọt nước/ Trong mênh mông biển đời/ Khổ đau và hạnh phúc/ Xin đừng khinh bỏ nhau/ Hãy thắp lửa nhân ái/ Cho cuộc đời bớt đau".
Với những cống hiến lớn lao đối với sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn (SN 1940) đã được Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng và danh hiệu cao quý nhất: Anh hùng Lao động năm 1985, Nhà giáo Nhân dân năm 1988 cùng những phần thưởng cao quí khác. Giờ đây, sắp sang tuổi 74, thầy vẫn làm rất nhiều công việc đóng góp cho quê hương và công tác xã hội. Chiếc xe đạp cà tàng thầy được tặng khi nhận danh hiệu Anh hùng Lao động đã theo thầy rong ruổi khắp nơi. Thầy vừa là thành viên ban quản lý di tích đền Đô, vừa là hướng dẫn viên, vừa nghiên cứu lịch sử triều Lý. Hàng nghìn bài thơ, bài báo và những câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống của thầy được in thành sách, tiêu biểu là cuốn tự truyện "Chuyện cuộc đời" và tập thơ "Bình minh đến sớm". Nhân kỉ niệm 50 năm phong trào “Nghìn việc tốt” vào 24/03/2013, NGND, AHLĐ Nguyễn Đức Thìn cho in tuyển tập "Nghìn việc tốt - chuyện kể ở Tam Sơn". |
Thiên Vũ