Sáng 14/7, Infonet đưa tin, trên mạng xã hội, một thầy giáo tên Đ.Đ.H. bày tỏ băn khoăn: “Sau khi kì thi tốt nghiệp THPT đợt 1 kết thúc, bản thân tôi nhận được thông tin từ nhiều thầy, cô đến từ nhiều địa phương trong cả nước về 1 buổi học khá kì lạ của một lớp học “online” nơi có tới hơn 4000 thí sinh theo học, trong đó giáo viên ôn tập đã cô đọng lại các nội dung kiến thức và các câu hỏi có độ tương đồng đến khoảng 80% so với đề thi chính thức thi sau đó 1 ngày.
Là một giáo viên dạy Sinh, tôi cũng quan tâm đến vấn đề này và được học sinh trong “Lớp VIP” đó gửi đề và video clip buổi ôn tập đó. Tôi đã tiến hành so sánh, đối chiếu giữa đề ôn tập và đề thi chính thức về nội dung, câu từ, hình vẽ và nhận thấy sự tương đồng ở mức độ cao đến 80% thì đúng là rất lạ”.
Thầy Đ.Đ.H. cho biết, nếu là sự tương đồng ngẫu nhiên thì chứng tỏ khả năng khái quát, tổng hợp và dự đoán đề của giáo viên đó thật tuyệt vời. Nhưng, nếu đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà vì một lý do nào khác thì sẽ là mất công bằng rất lớn cho hàng trăm nghìn thí sinh khác trong cả nước so với hơn 4000 thí sinh được học “lớp VIP” đó, vì đề thi năm nay được đánh giá có sự phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp đồng thời có sự phân hóa rất tốt ở mức 8-10 điểm phục vụ mục tiêu xét tuyển vào các trường đại học.
Hiện tại, bài viết chia sẻ trên trang cá nhân của thầy Đ.Đ.H. vẫn đang khiến nhiều người tranh cãi, đa số đều tỏ ra nghi ngờ, hoang mang về điều lạ liên quan tới đề ôn tập và đề thi thực tế trên.
Được biết, người "bị tố” có nội dung ôn tập đúng đến 80% đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh chính thức là thầy giáo Phan Khắc Nghệ - Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
Trước những lùm xùm trên, theo Zing, thầy Phan Khắc Nghệ cho biết thầy đã có kinh nghiệm đứng lớp 22 năm và bắt đầu ôn thi online vào năm 2018. Kỳ thi năm nay, thầy cũng phải đi làm nhiệm vụ, phục vụ kỳ thi đến 16h30 ngày 8/7. Sau đó, thầy mới xin được 24 đề thi môn Sinh học tương đương 24 mã đề từ học trò để xem và giải đề.
"Khi xem và giải đề, tôi thấy vui mừng vì nội dung các câu hỏi dễ. Phần cơ bản học trò đã được ôn kỹ, làm đi làm lại khá nhiều lần. Những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao (câu khó), có một số câu trong đề chính thức trùng dạng với nội dung tôi đã ôn, một số câu không trùng, học sinh có thể vận dụng để làm. Nói chung, tôi thấy đề thi chính thức không lạ lẫm so với những đề mà mình đã ôn luyện cho học sinh", thầy Nghệ nói.
Thầy Phan Khắc Nghệ thừa nhận một số câu mình ôn tập giống y nguyên với đề thi chính thức nhưng đây là những câu được ghi rõ trong sách giáo khoa, ở mức nhận biết kiến thức đơn giản. Một số câu khác trong nội dung thầy ôn tập có nội hàm tương tự với các câu hỏi trong đề thi chính thức. Một số câu thì khi giảng bài, nội dung thầy mở rộng bao phủ, gần giống với phần kiến thức mà các câu trong đề thi chính thức đề cập.
"Không có chuyện đề tôi ôn giống đề thi chính thức đến 80%. Đề thi cũng phát triển từ nội dung sách giáo khoa. Tôi giảng bài cũng phát triển kiến thức sách giáo khoa, hai nội dung ấy tất nhiên phải giống nhau", thầy Nghệ khẳng định.
Về việc có những hình vẽ trong đề thi chính thức giống với đề ôn luyện của mình, thầy Nghệ cho biết đây đều là những hình vẽ xuất phát và phát triển thêm từ sách giáo khoa, tham khảo từ đề thi thử của tỉnh Nghệ An.
"Toàn bộ nội dung mà thầy Đ.Đ.H. băn khoăn đều là nội dung kiến thức ở mức cơ bản, có các câu hình vẽ là ở mức vận dụng thấp nhưng nguồn tham khảo rất rõ ràng. Cần nói rõ thêm rằng, nội dung trong 2 buổi cô đọng kiến thức mà thầy Đ.Đ.H. băn khoăn đều cô đọng từ những đề ôn luyện mà tôi đã đăng công khai cho học sinh trên fanpage và kênh YouTube của mình", thầy Nghệ đưa ra quan điểm.
Lý giải việc ôn tập "trúng" khá nhiều câu trong đề thi chính thức, thầy giáo trường chuyên Hà Tĩnh cho rằng bí kíp nằm ở việc liên tục nghiên cứu sâu hướng dẫn giảng dạy, đề tham khảo của Bộ GD&ĐT và cô đọng, loại trừ những kiến thức đã thi trong 2 năm trước đó. Hơn nữa, thầy Nghệ cũng đánh giá mình có trình độ chuyên môn tốt, kinh nghiệm luyện thi nhiều năm.
Quốc Tiệp (t/h)