Cuộc sống gia đình đang êm ấm, hạnh phúc, bỗng dưng ngôi nhà cũng là lớp học của thầy giáo Hồ Văn Búp (ở ấp 6, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) bị cháy. Vài tháng sau, cô con gái 5 tuổi đang đi học mẫu giáo bị bắt cóc.
Vì gia đình thầy giáo Búp liên tiếp gặp những điều không may nên người dân ác ý đã đồn thổi thầy Búp bị con "ma rừng" trách phạt vì tội dạy chữ cho người đồng bào (tức là xui đồng bào chống lại con "ma rừng"- PV). Vì lẽ đó, trong nhiều năm liền, thầy Búp và chính quyền địa phương nỗ lực vận động, tuyên truyền nhưng học sinh vẫn bỏ học giữa chừng...
Dạy chữ là mang tội với "ma rừng"?!
Xã Thanh Sơn nằm tách biệt với các xã khác bởi con sông Đồng Nai hiền hòa thơ mộng. Băng qua phà và con đường nhựa trải dài, chúng tôi đến được nhà của thầy giáo Hồ Văn Búp, người đã gắn bó với vùng đất được mệnh danh là "rừng thiêng nước độc" của tỉnh Đồng Nai. Gần 20 năm làm công tác giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, những kỷ niệm, câu chuyện đã ăn hằn trong tâm trí thầy mà không thể diễn tả hết bằng lời.
Thầy Hồ Văn Búp tâm sự: "Nhà tôi ở huyện Tân Phú (Đồng Nai), tốt nghiệp cấp 3 xong, gia đình không có điều kiện cho đi học tiếp nên tôi đành gác lại việc học đến tận cùng xã Thanh Sơn lập nghiệp, nơi có 3 dân tộc anh em Tày, Dao, Châu Ro đang sinh sống. Tại đây, tôi được tận mắt chứng kiến những hủ tục lạc hậu, nạn mù chữ trong cộng đồng dân tộc đã làm kinh tế của đồng bào cứ nghèo mãi. Nghĩ là làm, tôi đã dùng nhà của mình để làm lớp học. Ban ngày tôi dạy lớp 1 và lớp 2. Ban đêm dưới ánh đèn dầu leo lắt tôi mở lớp xóa mù cho những người dân tuổi thanh niên và cả trung niên".
Để mở được lớp dạy học cho đồng bào dân tộc vào đầu những năm 90, là một thách thức lớn đối với một thanh niên chưa qua nghiệp vụ sư phạm như thầy Búp. Nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân và nghĩ đến quyền lợi của các em nhỏ, thầy Búp vận động thêm một số bà con cho mượn đất làm lớp học.
Để gieo được con chữ cho đồng bào, thầy Búp dùng bìa cát tông làm ghế ngồi, đá sít làm phấn, lấy gỗ kết từng tấm làm bảng... Tuy nhiên, lớp học đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì bị tắt ngấm bởi sự ảnh hưởng của một số hủ tục, và những bận rộn trong cuộc sống mưu sinh của đồng bào.
Ban ngày tất cả già trẻ trai gái đều phải vào rừng kiếm sống. Đêm về người đã mệt lử nên chẳng có tâm trí nào cắp sách đến lớp. Chỉ sau vài tháng đi rừng, bị muỗi, vắt cắn, bị ngấm những cơn mưa rừng người dân bỗng dưng nóng lạnh, rồi sốt liên miên nên sức khỏe sa sút nghiêm trọng. Còn người già, trẻ con không thể chịu nổi những cơn sốt rét rừng đã "lấy mạng" hàng vài chục người.
Chính vì vậy, đồng bào dân tộc thiểu số ngụ tại xã Thanh Sơn và các vùng lân cận truyền miệng nhau rằng ma rừng ở đây rất thiêng. Trước khi vào rừng phải cúng thần linh, xong mùa màng lại phải cúng thần đất, nhà có người bệnh phải cúng ma xó, ma lai bằng heo bò, trâu.
Những tâm huyết và việc làm đầy ý nghĩa của thầy Búp không được người dân đáp lại bằng ơn nghĩa. Thay vào đó thầy bị đồng bào phán là có tội với... "ma rừng" vì dạy chữ cho đồng bào. Năm 1998, bỗng dưng nhà thầy Búp bị cháy, con gái bị bắt cóc. Vì gia đình liên tục gặp chuyện không may nên đồng bào càng có cớ để nói rằng thầy Búp bị "ma rừng" trách phạt.
Thầy giáo Hồ Văn Búp và các học sinh của mình tại trường tiểu học Hoàng Hoa Thám ở xã Thanh Sơn.
Ông Đặng Quốc Bảo (bí thư Chi bộ ấp 6, xã Thanh Sơn) chia sẻ: "Người đồng bào không chịu bỏ hủ tục. Như bất di bất dịch họ tin rằng con "ma rừng" lúc nào cũng ẩn nấp mọi lúc mọi nơi. Con "ma rừng" không thích đồng bào học nhiều, chỉ thích đồng bào cúng bái thôi. Nên người đồng bào đến trường sẽ bị "ma rừng" ghét. Còn người thầy có chủ trương mở mang kiến thức sẽ bị quy là làm trái với điều luật do “ma rừng” đưa ra sẽ bị quy vào tội làm phản sẽ bị quả báo".
Trong suốt một thời gian dài tin có "ma rừng", nên đồng bào dân tộc ở xã Thanh Sơn mỗi khi bị bệnh, họ thường tìm đến các thầy mo, thầy lang trong làng để cúng lễ, chữa bệnh bằng cây rừng. Cả làng không lấy một người tìm đến trạm xá, bệnh viện để điều trị. Phụ nữ đến ngày sinh thì huy động lực lượng đỡ đẻ tự phát tại nhà, cắt rốn bằng thân cây lồ ô và vẫn giữ những tập tục lạc hậu trong sinh hoạt. Cán bộ y tế có đến nhà vận động, tuyên truyền để người dân được tiếp cận với y tế.
Đồng bào dân tộc ở đây vẫn giữ thói quen cúng lễ, chữa bệnh bằng cây rừng. Nhiều trường hợp gia đình bị bệnh nặng, gia đình đã cúng tế hết gà, heo, trâu, bò trong nhà. Vậy mà, họ vẫn không chịu nghe lời cán bộ y tế, địa phương đem bệnh nhân đến bệnh viện chữa trị.
Người đánh bại niềm tin "ma rừng" của đồng bào
Ngày trước, người đồng bào tin vào những điều không có thực, họ tin có "ma rừng" sẽ giám sát được mọi hành động của mình, kể cả việc cắp sách đến trường. Học sinh cứ đến lớp được vài bữa, thấy chán tự động bỏ học ở nhà chơi hoặc theo cha mẹ lên rừng. Một số người sống dựa vào hủ tục đã cho rằng đi học là làm trái quy định của "ma rừng", nếu không ở nhà sẽ bị bệnh tật, đau ốm liên miên.
Trước thực trạng này, thầy Búp và chính quyền địa phương ra sức động viên nhưng kết quả thu được gần như là con số không. Có em bị vận động nhiều lần cứ thấy thầy giáo là bỏ chạy hoặc là tìm chỗ nào kín đáo để ẩn nấp.
Ban đầu, thầy Búp và chính quyền địa phương nghĩ do không có trường lớp nên các em học sinh ngại không đến lớp thường xuyên. Nghĩ vậy, thầy Búp đã làm văn bản gửi lên UBND xã Thanh Sơn và huyện Định Quán kiến nghị xin kinh phí xây lớp học.
Năm 1996 xã Thanh Sơn có lớp học cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những tưởng có lớp học mới, khang trang học sinh sẽ hồ hởi tìm đến con chữ, thầy Búp hào hứng một mình đến từng hộ dân vận động con em ra lớp. Nhưng "ngọn lửa" của thầy không đủ truyền nhiệt huyết cho các em. Học sinh đi học được vài bữa lại bỏ học giữa chừng.
Một số giáo viên mới ra trường được phân vào xã Thanh Sơn dạy học thấy đường xá lầy lội, xa xôi, học sinh không mặn mà với đèn sách cũng chán nản mà bỏ lớp không hẹn ngày quay trở lại. Suốt khoảng thời gian dài thầy Búp vẫn chưa thể hiểu được lí do nên quyết định đi tìm hiểu thực tế và biết được nguyên nhân người đồng bào sợ đi học sẽ bị con "ma rừng" trách tội và tìm cách hãm hại. Nếu ai cố tình đi học sẽ bị bệnh đến chết, nên con em các dân tộc không ai dám cắp sách đến trường.
Không để tình trạng này kéo dài, thầy Búp phối hợp với lực lượng công an, cán bộ xã đến từng nhà giải thích cho dân hiểu. Hàng tháng mời bà con đi họp, ứng cử một số anh em người Dao, Châu Ro, Tày... biết chữ làm trưởng ấp, già làng, cán bộ phụ nữ để tuyên truyền pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Cuối cùng biện pháp "mưa dầm thấm lâu" đã đạt được hiệu quả. Con em các dân tộc thiểu số dù đã quá độ tuổi đi học vẫn đến lớp thường xuyên, hạn chế được tình trạng còn bỏ học giữa chừng. Người dân biết quý trọng và tin yêu thầy cô hơn.
Người đồng bào tin con "ma rừng" biết hãm hại người, song từ trước đến nay người dân ở xã Thanh Sơn chưa biết mặt mũi con "ma rừng" như thế nào. Dẫu vậy, năm nào người dân cũng ra sức cúng bái bằng rất nhiều hiện vật. Trong đám tang, cưới hỏi lúc nào người dân nơi đây đều phải nhờ đến thầy cúng, thầy mo làm lễ cúng con "ma rừng".
Nói về những hủ tục của dân tộc mình, ông Đặng Quốc Tuấn, dân tộc Dao, là công an xã Thanh Sơn bày tỏ: "Trong một năm không thể đếm xuể có bao nhiêu gia đình người Dao, người Châu Ro làm lễ cúng "ma rừng". Một số kẻ xấu nắm được kẽ hở của đồng bào đã lợi dụng nó để chuộc lợi cho mình. Ai cũng bảo mình biết làm phép, biết xem ngày giờ, biết giả vận mệnh nên thầy cúng mọc lên khá nhiều. Sau này, công an, lực lượng chức năng vào cuộc thầy cúng được dẹp bỏ, con "ma rừng" cũng không còn tồn tại nữa".
Giờ đây nói đến con "ma rừng" là người Dao, người Châu Ro hay người Tày không còn sợ như trong truyền thuyết nữa. Kể từ khi đồng bào sống định canh định cư, bệnh tật thì đến trạm xá chữa trị, đăng ký xây dựng làng văn hóa... nên con "ma rừng", "ma rú" không được ai cho ăn, đói chết từ lâu. Thầy cúng, thầy mo thì bỏ nghề vì bị cán bộ cấm và cây thuốc quý để trị bệnh cũng hết do rừng già bị tàn phá.
"Đồng bào giờ chỉ tin vào thuốc tây, cán bộ y tế, không còn nhớ và chữa bệnh bằng các bài thuốc gia truyền, cậy nhờ thầy mo cúng lễ tạ lỗi với ma rừng nữa", thầy Hồ Văn Búp vui vẻ cho biết.
Kẻ xấu trả lại con gái sau 3 năm bắt cóc Năm 1998, con gái thứ của thầy Hồ Văn Búp đang đi học mẫu giáo ở gần nhà thì bị người phụ nữ tên Nguyễn Thị Thanh Vân (quê Cai Lậy, Tiền Giang) bắt cóc. Thương con gái, thầy Búp đi khắp nơi để truy tìm tung tích của con nhưng vẫn "bặt vô âm tín". Có nhiều lời đồn đoán con thầy Búp bị bán sang Trung Quốc, sang Campuchia... Nghĩ đến cô con gái bé bỏng nhiều lần thầy định từ bỏ nghề giáo để đi tìm con. Thấy vậy, các giáo viên cũng như người dân động viên thầy Búp lấy lại tinh thần và tiếp tục sự nghiệp trồng người. Nhưng cứ đêm đến, trong giấc mơ anh lại nghe tiếng con gái gọi ba, mẹ… lòng đau đến tâm can. Trời xanh như thấu được lòng người cha, sau 3 năm, cô con gái bị lưu lạc nơi xứ người của thầy Búp đã được kẻ xấu trả lại về với gia đình trong niềm vui khôn tả. |
Quyên Triệu