Từ chơi tem theo phong trào… đến đưa tem vào dạy ở trường
Thầy Ngụy Như Ánh (sinh năm 1956, trú Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (nay là Trường Đại học Khánh Hòa), thành viên Hội Tem Khánh Hòa cho biết, từ năm 1969 khi đang học lớp 7 thầy đã bắt đầu chơi tem và theo đuổi đam mê ấy đến tận bây giờ. “Hồi đó phong trào chơi tem rất mạnh, hầu như lớp nào cũng có khoảng 50% học sinh trong lớp tham gia. Thấy bạn bè chơi, tôi cũng thích và bắt đầu tập tành sưu tập tem. Ngày ấy, không có tiền mua tem, nhà tôi ở gần bưu điện nên thường đi xin tem, sau đó trao đổi với bạn bè. Thấy tôi yêu thích tem, một người bạn cho quyển sổ tem rồi cứ như vậy mà chơi đến giờ”, thầy Ánh cho biết.
Theo thầy Ánh, thế giới tem có kiến thức rộng lớn từ chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, tự nhiên, con người, sự phát triển của một đất nước… được thể hiện rất rõ qua tem. Ngày nay, tem ngày càng hiện đại còn được in bằng chất liệu vàng, bạc, vải, cát, da và công nghệ in 3D… Vì vậy, tem càng ngày càng kích thích người chơi. Nếu thật sự đam mê thì tem là nơi để chúng ta tìm hiểu kiến thức rất tốt. Càng chơi, càng đi sâu vào thế giới tem càng thấy thiếu nên cứ tiếp tục tìm hiểu.
Bên cạnh đó, thầy cũng là một trong những người tiên phong dùng tem để làm đồ dụng dạy học cho học sinh. “Khi dạy về cuộc đời Bác Hồ, tôi sẽ sắp xếp, trình bày các trang tem trên bàn cho học sinh tham quan. Các giai đoạn của cuộc đời Bác từ lúc sinh ra, cảnh đẹp quê hương đến quá trình đi tìm đường cứu nước, đọc tuyên ngôn độc lập… đều được tem thể hiện rất đầy đủ. Hay như bên Hội Đồng đội cần dạy kiến thức về quyền trẻ em, tôi cũng thực hiện một bộ tem gồm 80 trang, trong đó thể hiện những quyền cơ bản của trẻ em. Sau đó, tôi đặt câu hỏi cho học sinh trả lời. Bằng cách này, học sinh dễ nhớ bài học và thích thú hơn với giờ học trực quan”, thầy Ánh kể.
Yêu thích Lịch sử nhưng vì nhiều lý do thầy phải bỏ giữa chừng khi đang theo học chuyên ngành này. Sau đó, cơ duyên đưa thầy đến với chuyên ngành Văn – Thể dục, sau này là công tác đội. Tuy nhiên, dù trải qua thời gian dạy ở cấp học, môn học nào thì thầy cũng chưa bao giờ từ bỏ niềm yêu thích với lịch sử. Cũng chính điều đó đã thôi thúc thầy đưa tem vào trường để dạy cho học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về truyền thống giữ nước của cha ông. Từ năm 1987, khi bén duyên với công tác đội, thầy đưa tem vào trường làm đồ dùng giảng dạy để giờ học được sinh động hơn. Qua đó, giúp cho sinh viên tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Sưu tầm tem cũng lắm công phu
Là nhà sưu tập tem có tiếng với loạt chủ đề về 19/8, Quốc khánh 2/9, Bác Hồ… nhưng để sưu tầm được những con tem ấy, thầy đã tốn rất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc. “Từ ngày bắt đầu chơi tem, tôi đã sưu tầm tem về Bác. Để đủ bộ sưu tập tem về Bác Hồ, tôi đã đặt mua và trao đổi với bạn bè chơi tem trong cả nước. Những ngày đầu chưa ai biết đến mình, tôi kết nối với Hội tem các tỉnh bạn để nhờ giúp đỡ. Sau này, chỉ cần có tem là mọi người sẽ gọi điện cho tôi để mua. Bộ sưu tập tem Biên niên Hồ Chí Minh của tôi đạt giải bạc quốc gia năm 2010”, thầy Ánh cho biết.
Quá trình sưu tầm tem về Bác Hồ, thầy Ánh gặp khó nhất là những con tem trong quá trình Bác đi tìm đường cứu nước. Những con tem về Bác đúng thời gian đó rất hiếm và khó tìm, thậm chí có những con tem đến tận bây giờ vẫn chưa tìm được. Thầy Ánh chia sẻ: “Tìm tem đã khó mà tìm được bì thư thực gửi những năm đó càng khó hơn. Trong những năm tháng ấy, khi binh biến loạn lạc, người dân thường lấy ruột thư còn bì thư bị bỏ lại nên rất khó tìm và hiện nay có giá rất cao. Tôi được giải Mạ Vàng của Triển lãm tem bưu chính quốc gia - Vietstampex 2020 với bộ trưng bày “Thầy giáo kể chuyện truyền thống giữ nước” cũng chính nhờ những bì thư thực gửi ấy. Bộ tem này tôi phải tích lũy trong 10 năm mới có được”.
Ví như năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng nước ta chưa in tem kịp, phải sử dụng một số tem của Đông Dương để in đè dùng tạm trong một năm. Những bì thư thực gửi trong thời kỳ này được thầy kỳ công sưu tầm, mất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc.
Đặc biệt, bộ tem về Bác Hồ đầu tiên được Bưu điện Việt Nam phát hành ngày 2/9/1946 nhân kỷ niệm 1 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945) và ngày Quốc khánh (2/9/1945) trên bì thư thực gửi từ năm 1946 là “tài sản” quý giá nhất mà thầy trân quý trong quá trình sưu tập tem. Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế, có cùng mẫu vẽ, in thành 5 tem, màu sắc và giá tiền khác nhau. Trong đó, có 2 tem phụ thu cứu quốc. Việc phát hành bộ tem có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển độc lập của tem Bưu chính Việt Nam. Theo thầy Ánh, ở Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 15 người có được những bì thư thực gửi có dán tem trong bộ tem này.
Ngoài ra, trong bộ sưu tập tem của thầy còn có cả những bản phác thảo (trước khi in thành tem) của các họa sĩ. Trong đó có nhiều mẫu phác thảo của họa sĩ Nguyễn Hiệp về Bác Hồ, Nguyễn Du, Kim Đồng, quốc ca… “Quá trình sưu tầm tem, tôi may mắn được sự giúp đỡ, hỗ trợ của một số người bạn cùng chơi tem trên khắp cả nước. Chính những tình cảm trân quý ấy đã giúp tôi tiếp tục theo đuổi đam mê cho đến tận hôm nay”, thầy Ánh chia sẻ.
Trong bộ trưng bày “Thầy giáo kể chuyện truyền thống giữ nước” của thầy Ngụy Như Ánh thể hiện đầy đủ các giai đoạn phát triển của đất nước. Thông qua các bộ tem, bì thư, bưu ảnh và các vật phẩm bưu điện… bộ sưu tập tái hiện lại thời kỳ dựng nước, các trận đánh, các chiến thắng lịch sử trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta cho đến nay. Qua đó, góp phần nâng cao lòng tự hào của thế hệ trẻ về một dân tộc Việt Nam anh hùng.
Thuở đầu chơi tem, thầy sưu tập nhiều chủ đề khác nhau như thắng cảnh, 54 dân tộc anh em, trái cây, tự nhiên… Đến khi số lượng nhiều lên, thầy mới sưu tập theo chủ đề chuyên sâu. Nhưng trên hết, thầy vẫn thích những con tem về lịch sử và tìm kiếm nhiều hơn. Như bộ sưu tập tem về Bác Hồ thầy tìm ở mua khắp cả nước từ Hà Nội, Tp.HCM, Bình Định, Cần Thơ, Gia Lai…
Đam mê không ngại tuổi tác
Dù ở tuổi 67 nhưng hàng ngày, thầy Ngụy Như Ánh vẫn miệt mài sưu tầm tem rồi ép bọc từng con tem để bảo quản được lâu hơn. Mỗi bộ sưu tập, với thầy Ánh còn là cơ hội để tìm hiểu kiến thức về lịch sử cũng như thế giới xung quanh. Trong những giờ sinh hoạt ngoại khóa, thầy đã dùng các bộ sưu tập tem của mình để dạy các em học sinh những bài học về lịch sử, văn hóa... Đồng thời, thắp lên ngọn lửa đam mê chơi tem trong lòng các em. Chính những bài học từ tem của thầy đã vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Châu Tường