Cực chẳng đã, anh giáo phải làm đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn, cưới xong thì “chạy làng” không thực hiện nghĩa vụ làm chồng, làm cha nên mới bị cô gái kiện ra tòa án…
Chuốc rượu say để cho “ngã vào giường”
Anh Bùi Văn K. (SN 1988, ở xóm Cút, xã ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) là giáo viên tại một trường trung học cơ sở. Hiền lành, đẹp trai, lại năng nổ với hoạt động phong trào nên K được nhiều cô gái thôn quê ngưỡng mộ, khát khao, trong số đó, có Nguyễn Thị T, một nữ cán bộ đoàn trẻ, tháo vát. K và T quen nhau qua một đám cưới của người bạn.
Ảnh minh họa
Sau lần gặp gỡ đó, hai người trao đổi số điện thoại và cũng đôi lần trò chuyện và nhắn tin qua lại với nhau nhưng cũng chưa vượt qua giới hạn bè bạn. Tuy vậy, một ngày đẹp trời, T đã chủ động mời K lên nhà chơi, ăn cơm uống rượu.
Tất nhiên là anh chàng K cũng chẳng tội gì mà không nhận lời mời, người ta là gái còn không ngại thì mình có gì phải sợ!. Nhưng sau bữa rượu say túy lúy, sáng hôm sau, “thầy giáo” K thấy mình nằm cùng giường với thiếu nữ T trong trạng thái... Adam.
Đúng một tuần sau, T lên tận trường học nơi K làm việc để tìm và báo cho K biết là mình đã có thai và khẳng định chắc như đinh đóng cột đó là kết quả của đêm “động phòng hoa chúc” hôm K say rượu; đồng thời T yêu cầu anh thầy giáo phải chuẩn bị để cưới ngay.
Chàng trai ngớ người và không đồng ý với lý do: “Tôi với cô chưa hề yêu nhau ngày nào, chỉ là quan hệ bạn bè, cưới nhau sao được?”. Thế nhưng T đâu dễ buông tha, cứ ba ngày một lần, cô gái lại đến nơi chàng trai công tác để gây sự, chửi mắng bắt ép chàng trai phải cưới cô.
Cuối buổi cô còn đe dọa: Sẽ kiện làm cho K mất việc, vì cô có bác làm Chủ tịch huyện.
Hết thách đố cô gái lại quay ra van xin chàng trai hãy đứng ra làm đám cưới hợp lệ để có chú rể, khỏi ảnh hưởng đến công tác của T và cô đang là cán bộ xã và là một đảng viên.
Nhắm mắt đưa chân cộng với thật thà cả tin, K đồng ý đứng ra giả làm chú rể, đám cưới diễn ra như thật nhưng không có thủ tục đăng ký kết hôn. Chàng trai ngây ngô tưởng rằng như thế là thoát nạn, ai ngờ...
Sau khi cưới xong, T bắt K phải đi đăng ký kết hôn, phải lên ở rể nhà T và phải có trách nhiệm với hai mẹ con T. K không đồng ý, cứ ngủ lại ở cơ quan. Khi cả mẹ T và T cứ một tuần lại đến cơ quan làm om sòm thì K vẫn nhất quyết không đồng ý theo yêu cầu đó với lý do “Tôi với cô chưa bao giờ yêu nhau”.
Ai bị “úp sọt”, ai là nạn nhân?
Sáu tháng sau kể từ “bữa rượu nhớ đời” hôm đó, T đã sinh một bé trai bụ bẫm, đáng yêu. Chàng trai vẫn thờ ơ, không có trách nhiệm gì, vẫn sống trong yên lặng. Hết đến trường thuyết phục, dọa nạt, bắt ép, T lại làm đơn ra TAND huyện Tân Lạc bắt ép K phải có trách nhiệm nuôi con.
Tòa nhận định: Do hai người chỉ làm đám cưới mà không đăng ký kết hôn nên cuộc hôn nhân đó không hợp pháp, quan hệ hai người không phải là vợ chồng, vì vậy không ai được xâm phạm đến đời tư của ai, bên nam có quyền lấy vợ, bên nữ có quyền lấy chồng. Về việc cấp dưỡng nuôi con, K tự nguyện mỗi tháng cấp dưỡng nuôi đứa trẻ cho T sinh ra với số tiền 400 ngàn đồng để yên tâm công tác và xuất phát từ lòng từ thiện, theo anh K trình bày.
Một thời gian sau, cô T lại kiện yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con. Tức nước vỡ bờ, anh K không chấp nhận thêm một yêu cầu nào nữa và có đơn yêu cầu xử phúc thẩm xem xét và hủy bỏ trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con. Đồng thời, anh K gửi nhiều bản tự khai, đơn từ “tố khổ” rằng đã bị T “úp sọt”, rằng bản thân anh cũng không biết chính xác cháu bé có phải là con mình hay không...?.
Trong vụ án đáng tiếc này ai là người có lỗi vẫn là câu hỏi nhức nhối đặt ra cho những bạn trẻ.