Vụ việc em Cao Kiên C. (SN 2003, học sinh lớp 9B, trường THCS Xuân Sơn, trú tại khu Xuân Viên 2, phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều) bị thầy giáo Nguyễn Văn Chức (giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn bộ môn Thể dục) đánh đến tụ máu não, nhập viện khiến dư luận phẫn nộ.
Theo đó, vào ngày 9/1/2018, tại trường THCS Xuân Sơn, tiết 3 - Thể dục của lớp 9B do thời tiết trời mưa lạnh nên giáo viên Nguyễn Văn Chức cho học sinh học trong lớp. Lúc này, học sinh Cao Kiên C. đã phạm lỗi tự ý chuyển đổi chỗ ngồi, gây mất trật tự trong lớp. Sau khi nhắc nhở, thầy Nguyễn Văn Chức đã tát vào má học sinh 2 cái mà không biết trước đó em C. đang bị tổn thương ở đầu.
Tối ngày 9/1, em C. bị đau đầu nặng, gia đình cho đi khám tại trung tâm y tế Đông Triều. Qua khám, thực hiện các xét nghiệm, trung tâm y tế Đông Triều kết luận em C. bị tổn thương ở vùng đầu, gây tụ máu não. Đến chiều 14/1, gia đình chuyển viện đưa em C. lên bệnh viện Việt Đức, Hà Nội để phẫu thuật hút dịch. Đến nay, em C. đã xuất viện về nhà, tình hình sức khỏe tiến triển tốt.
UBND thị xã Đông Triều đã tạm thời đình chỉ công tác 15 ngày đối với thầy Nguyễn Văn Chức, giao Công an thị xã tiếp tục xác minh, làm rõ; phối hợp với phòng GD&ĐT, phòng Nội vụ, để làm rõ vụ việc báo cáo UBND thị xã để chỉ đạo xử lý theo đúng quy định và kịp thời thông tin tới dư luận.
Nhận định những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc, Thạc sĩ, luật sư Vũ Quang Bá - công ty luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Với tư cách là nhà giáo, ông Chức lẽ ra phải là người gương mẫu trong việc chấp hành các quy định pháp luật mà còn có trách nhiệm giữ gìn phẩm chất, uy tín của nhà giáo, đồng thời phải là người có trách nhiệm trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người học. Tuy nhiên, ông Chức lại có hành vi xâm phạm thân thể người học. Đây không chỉ là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định luật Giáo dục mà còn là hành vi vi phạm pháp luật khi xâm phạm đến quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe của công dân.
Với hành vi đánh nhiều lần vào đầu học sinh mặc dù ông Chức hoàn toàn nhận thức rõ hành vi của mình có thể dẫn đến thương tích cho nạn nhân, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Hành vi của ông Chức đã dẫn đến hậu quả khiến nạn nhân sau đó bị chấn thương sọ não.
Do đó, ông Chức phải chịu trách nhiệm về hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra. Đối với hành vi của ông Chức, có thể thấy đã có dấu hiệu pháp lý của tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)".
Luật sư Vũ Quang Bá phân tích, theo quy định BLHS đối với tội Cố ý gây thương tích cần đảm bảo tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên mới đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, trong trường hợp này do người bị hại dưới 16 tuổi, nên mặc dù tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại được xác định dưới 11% thì vẫn đủ căn cứ khởi tố ông Chức về tội Cố ý gây thương tích theo quy định. Mức hình phạt trong trường hợp này là cải tạo không giam giữ đến 3 hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại càng cao thì mức hình phạt được áp dụng với người phạm tội sẽ càng cao. Trong trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể người bị hại từ 61% trở lên thì mức hình phạt có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 14 năm.
Việt Hương