Bệnh ung thư được dự đoán sẽ là “đại dịch” ở Việt Nam trong 5 năm tới. Nhiều người vẫn lầm tưởng ung thư không thể điều trị được. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nếu phát hiện sớm, điều trị đúng, bệnh nhân ung thư vẫn có thể sống khỏe.
Trong quá trình tác nghiệp ở các bệnh viện chuyên khoa, chúng tôi được các bác sĩ chia sẻ nhiều trường hợp minh chứng cho một điều “ung thư không phải là chấm hết”. Theo đó, PV báo Người Đưa Tin đã tìm gặp, lắng nghe câu chuyện và nỗ lực riêng của từng hoàn cảnh chiến đấu với căn bệnh “đại dịch” này.
Rời giường bệnh, đi thẳng đến hội đồng bảo vệ luận án
Tôi không nhớ mình đã gặp biết bao bệnh nhân ung thư trong quá trình đi tác nghiệp ở các bệnh viện. Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, một số phận khác nhau. Đó có thể là những bệnh nhi chỉ mới 2 tuổi đã bị ung thư võng mạc hay những bạn trẻ ở độ tuổi đôi mươi nhưng mắc phải căn bệnh ung thư não. Lứa tuổi, căn bệnh của họ có thể khác nhau nhưng điểm chung của không ít người là sự tuyệt vọng.
Chính vì thế, câu chuyện về thầy Vũ Dương Dũng, Phó Hiệu trưởng trường cao đẳng Múa Việt Nam, một bệnh nhân đang điều trị ung thư bạch huyết tại viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, khiến tôi thực sự cảm động. Ông nhận tin "sét đánh" bị ung thư khi sắp bảo vệ luận án tiến sĩ. Ông Dũng cũng là bệnh nhân vô cùng đặc biệt của viện khi vừa rời giường bệnh, ông bước thẳng đến hội đồng bảo vệ luận án với tư cách là người bảo vệ đề tài.
Cách nói chuyện hài hước, dí dỏm của thầy Dũng khiến cho cuộc nói chuyện về căn bệnh nan y không nặng nề như tôi từng trải qua nhiều lần trước đó.
Thầy nhớ lại: “Tháng 9/2016, tôi bắt đầu phát hiện bệnh. Trước đó, tôi xuất hiện những cơn đau bụng kéo dài. Tôi đi bệnh viện kiểm tra nhưng không phát hiện ra bệnh. Nằm viện theo dõi, lúc đó tôi có kể với bác sĩ, tôi có một cái hạch ở cổ. Họ chọc dịch từ hạch để kiểm tra, làm sinh tiết và kết luận tôi bị ung thư bạch huyết. Thời điểm đó, tôi chỉ biết được một phần bệnh tật của mình.
Tôi còn nhớ, ngay thời điểm biết mình mắc bệnh, một bác sĩ ở bệnh viện E nói rất to với tôi: “Ồ, bệnh đấy chữa được. Chú cứ yên tâm”. Nghe vậy tôi chỉ biết mình bị bệnh nan y nhưng lại có hy vọng là chữa được. Đến tận mãi sau này, qua lời kể của vợ cùng với các thông tin mỗi lần kiểm tra, tôi mới biết tình trạng của mình rất nặng, có thể chỉ kéo dài cùng lắm được 2 tháng”.
Kể về thời điểm vừa bắt đầu truyền hóa chất điều trị ung thư, vừa hoàn thành luận án tiến sĩ, thầy Dũng tâm sự: "Lúc đó sức khỏe tôi yếu lắm, cả tuần tôi sốt trên 38,5oC không hạ được, nhiễm khuẩn huyết cộng với đủ loại biến chứng do tác dụng của hóa chất. Tiểu cầu giảm, các chỉ số của máu đều trở về cận 0.
Lúc đó, ai cũng khuyên tôi không bảo vệ luận án nữa, nhưng trong tâm trí, tôi vẫn quyết định mình sẽ theo đến cùng. Một phần vì tôi muốn làm gương cho sinh viên của mình. Một phần tôi cũng muốn để lại cái gì đó cho đời, cho trường nơi mình công tác. Các bác sĩ phải truyền 10 đơn vị máu cùng với các thuốc trợ sức khác giúp tôi vượt qua. Những tháng ngày điều trị hóa chất của đợt này cũng qua nhanh, tôi được ra viện và tiếp tục làm nốt phần cuối của luận án tiến sĩ”.
Kế hoạch bảo vệ luận án đã được lên lịch là 22/12/2016, cũng là ngày thầy Dũng phải vào bệnh viện tiếp tục truyền hóa chất đợt 3. Để thuận lợi cho việc điều trị, không ảnh hưởng tới kế hoạch bảo vệ luận án, thầy Dũng xin vào viện điều trị sớm và sau đó từ bệnh viện tới thẳng địa điểm bảo vệ luận án tiến sĩ. Buổi bảo vệ thành công, mọi người đều vỡ òa cảm xúc. Ngay cả thầy hướng dẫn, có lúc đã khuyên học viên đang mang trong mình bệnh ung thư nên hủy bảo vệ luận án, cũng mừng rỡ với thành quả của học trò.
“Nếu tôi gục ngã, tử thần sẽ chiến thắng”
Trải qua khoảng 6 tháng điều trị với 5 đợt điều trị hóa chất, thầy Dũng chiêm nghiệm ra nhiều điều. Ông rút ra chân lý: “Nếu tôi gục ngã, tử thần sẽ chiến thắng”. Những kinh nghiệm “bỏ túi”, những giây phút luôn có người vợ sát cánh cùng vượt qua sự sợ hãi, những lúc cố giấu nước mắt trong lòng để mỉm cười động viên người thân đều là động lực giúp ông vượt lên bệnh tật. Kể về bí quyết chiến đấu với ung thư, thầy Dũng “nằm lòng” phương châm: Tinh thần lạc quan, tuân thủ pháp đồ điều trị, ăn ngủ khoa học và đừng chưa chiến đấu đã giơ tay hàng.
Thầy rút ra được kinh nghiêm trên cũng bởi ung thư không phải là kẻ thù xa lạ gì, người anh trai của thầy cũng đã ra đi chỉ sau đợt thứ 2 truyền hóa chất. Những khuôn mặt sầu thảm, rầu rĩ… tất cả dội vào suy nghĩ của ông. Những câu hỏi luôn quanh quẩn trong tâm trí ngày đầu ông biết mình bị bệnh. Ông không biết bản thân có nên đi chữa trị hay ở nhà đợi "tử thần" đến.
“Nhưng sự tác động của cô bác sĩ ở viện E, lời khuyên của người chị là bác sĩ gần nhà đã khiến tôi quyết định đến điều trị ở viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Đặc biệt khi đến đây, tôi nhận được sự chia sẻ, tận tình chăm sóc của bác sĩ, nhân viên, của chính những người đồng cảnh như mình. Họ vẫn vô tư, không ai có tâm lý buông xuôi cả. Các bác sĩ cũng nói muốn vượt lên được bệnh tật, tinh thần phải thoải mái. Tinh thần chiếm 50% tỉ lệ thành công. Không có lí nào, tôi lại bỏ đi "nguồn thuốc” mình tự có. Tôi càng thấy mình phải ham sống, phải điều trị đến cùng”, thầy Dũng tâm sự.
Dù tự động viên bản thân là vậy nhưng đến thời điểm này, ông chia sẻ thực lòng là khi bắt đầu điều trị, bản thân không biết bệnh của mình nặng đến vậy. “Bạn không biết đâu, lúc có thông tin mình bị mắc bệnh ung thư, bạn bè cơ quan, họ hàng, người thân đến thăm nhiều. Khuôn mặt ai cũng rầu rĩ, đau khổ. Thậm chí, có người vào viện thăm còn ôm mình thật chặt, còn họ quay mặt đi để khóc. Lúc đó, chính mình lại là người động viên ngược mọi người. Chỉ ngần ấy cảnh tượng, mình phần nào hiểu được mức độ nguy hiểm của căn bệnh. Mãi sau này, vợ tôi mới kể lại lúc đó các bác sĩ tiên lượng tôi khéo chỉ sống được 2 tháng”, thầy Dũng kể lại.
Thầy Dũng tâm sự có những lúc một mình dù không muốn nhưng trí óc ông không thể không nghĩ đến bệnh tật. Vì thế, thầy sợ một mình. “Nói thật, bản thân dù có nghị lực, dù muốn động viên người thân nên ít ai thấy tôi khóc vì bệnh tật. Nhưng không phải vì thế mà nước mắt mình không rơi”, thầy Dũng thành thật chia sẻ.
Tâm sự với PV Người Đưa Tin, thầy Dũng hài hước kể có nhiều người mách đi bốc thuốc chỗ người này, người kia nhưng ông một mực bảo: “Bao giờ bác sĩ ở viện bảo “thôi, hết cách, trả ông Dũng về nhà”. Lúc đó, tôi sẽ tìm đến họ. Tôi luôn lạc quan tự nhủ, dù là bệnh nan y nhưng mình cố gắng biết đâu may mắn sẽ đến với mình. Chỉ cần, mình đừng buông xuôi, đừng ngừng chiến đấu”.
(Còn nữa)
Đ.Thơm – H.Lan