Không khó để tôi tìm đến được lớp học đặc biệt của thầy giáo Nguyễn Trà vì ngôi nhà nằm ở số 78, tổ 23B phường Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội) của ông đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều em nhỏ mồ côi, lang thang không nơi nương tựa trên địa bàn. Năm nay đã tròn tuổi 80 nhưng ông vẫn rất hăng hái và nhiệt tình trong việc giảng dạy ở lớp học Hướng thiện do mình mở ra đã được hơn 20 năm. Có lẽ nhiều người biết tiếng và cảm phục ông cũng bởi cái tâm và cái tài đáng quý của người thầy giáo có tấm lòng nhân hậu ấy.
Lớp học tình thương được ông Trà mở ra từ năm 1992, khi ông vừa nghỉ công tác ở trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội. 21 năm đã trôi qua, lớp học Hướng thiện trong đình làng Trung Tự của ông đã giúp cho hàng trăm em có hoàn cảnh éo le có thêm tri thức để theo đuổi con đường thực hiện ước mơ của mình. Nhớ lại khoảng thời gian những ngày đầu mở lớp, ông chia sẻ: "Khi nhìn thấy những em nhỏ lang thang ngoài bãi rác, đi bán báo dạo, làm những công việc nặng nhọc của người lớn để kiếm sống tôi muốn giúp các em một điều gì đó để cho cuộc sống tương lai sau này của các em đỡ vất vả hơn. Cái tôi có là kiến thức, vốn sống và tôi muốn chia sẻ với các em những điều đó. Tuổi thơ của các em đã có quá nhiều những điều không may mắn nhưng nếu được học hành các em sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều". Với những suy nghĩ đó, ông đã tập hợp được nhiều em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, tàn tật đến tham gia vào lớp học tình thương do mình tổ chức.
Lớp học Hướng thiện mang đến cho các em cả kiến thức và niềm tin vào cuộc sống
Nói đến chuyện ông mở lớp mới thấy lắm nỗi gian nan. Để đưa các em đến với lớp học, hàng ngày ông phải đến những nơi các em nhỏ lang thang hay tập trung như bãi rác, công viên, các chợ lao động để tìm kiếm. Nhiều khi bất chợt đang đi trên đường bắt gặp những mảnh đời bất hạnh là ông lại nhắn nhủ để các em biết mà tìm đến lớp học. Mới đầu lớp học của ông chỉ có vài học sinh, về sau số lượng ngày càng đông hơn trước. Những khi ít thì lớp cũng có khoảng chục em, khi đông thì con số đó tăng lên đến 20, 30 em. Khi thấy phần lớn các em trong lớp học gia cảnh khó khăn, không có tiền mua sách học, ông lại trích một phần số tiền lương hưu ra để mua sách vở, quần áo và đồ dùng phục vụ học tập cho các em.
Thành phần lớp học cũng ngày càng đa dạng hơn, ngoài các em có hoàn cảnh éo le còn có cả sinh viên và những người có nhu cầu đi nước ngoài đến học tiếng Anh, Pháp, Đức. Vì lứa tuổi và trình độ của người học khác nhau nên ông cũng phân chia ra làm nhiều lớp: Các cháu nhỏ bậc tiểu học được thầy dạy Toán, tiếng Việt, rèn luyện chữ viết. Những học sinh cấp hai được dạy Toán, Lí, Hóa. Còn các cháu cấp ba được ôn tập, bồi dưỡng kiến thức để thi đại học. Thế nên nhiều lúc cũng có cảnh một phòng học nhưng lại có mấy lớp ở trình độ khác nhau mà khi đó, thầy giáo vẫn hăng say giảng bài hết quay bên này lại quay bên kia. Có lẽ ngoài việc là lớp học hoàn toàn miễn phí, nguyên nhân chính thu hút các em đến với lớp học Hướng thiện là sự khao khát kiến thức và nhận ở người thầy tuổi 80 một sự đồng cảm, sẻ chia.
Nhiều người sớm biết tiếng nhà giáo Nguyễn Trà bởi ngay từ khi theo học tại trường Chu Văn An, ông đã nổi tiếng là một học trò thông minh, nhanh nhẹn. Là học sinh giỏi toàn diện, ông từng được vinh danh là cậu bé Vàng của Hà Nội thời đó và được vua Bảo Đại tặng giải thưởng vì đã đạt thành tích xuất sắc trong môn học tiếng Pháp. Khi trưởng thành, ông theo học trường đại học Sư phạm Hà Nội khoá đầu tiên năm 1954 và gắn bó với nghề gõ đầu trẻ từ đó cho đến nay. Kể cả cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 59, ông vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy ở lớp học hướng thiện bằng sự yêu thương và tấm lòng đồng cảm sâu sắc với các em nhỏ không may mắn. Có thể thấy, ngoài truyền thống gia đình và lòng yêu nghề thì trên tất cả, chính trái tim nhân hậu và một tấm lòng sẻ chia đã giúp ông có đủ động lực và sức mạnh để duy trì lớp học tình thương đến ngày hôm nay.
Nơi sẻ chianhững ước mơ Lớp học tình thương chính thức mang tên Hướng thiện vào năm 2002, khi ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Khuyến học. Nói đến phương pháp giảng dạy của ông mới thấy sự đặc biệt, không theo bất cứ một trường lớp hay giáo án nào. Ông chủ yếu dùng phương pháp vấn đáp, khi thấy các em thiếu kiến thức ở mảng nào thì ông dạy bổ sung ở mảng đó đến khi nắm chắc kiến thức mới chuyển sang phần khác. Nhiệm vụ mà thầy nhắc nhở luôn được các em ghi nhớ: Thứ nhất là học, thứ hai là học và thứ ba cũng là học. Đào tạo một thời gian, ông lại xin cho các em đến trường để hoà nhập cùng bạn bè, thầy cô. |
Thanh Loan