Thầy giáo xứ Nghệ gây "sốt" khi tái hiện thời khắc xe tăng húc đổ Dinh Độc Lập

Thứ 5, 17/04/2025 16:45

Chỉ với phấn màu và bảng xanh, thầy giáo đã thể hiện thành công bức tranh “Khí thế hào hùng 30/4". Tác phẩm tái hiện thời khắc xe tăng húc đổ Dinh Độc lập một cách sống động và nhận được "cơn mưa" lời khen từ cộng đồng mạng.

Người thầy mà chúng tôi muốn nhắc đến là thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh, giáo viên Mỹ thuật Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh, ở Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An. Vốn là sinh viên ngành Hội họa của Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An nên niềm đam mê của thầy là vẽ. Tuy nhiên, niềm đam mê vẽ bảng của thầy mới có cách đây ít năm, xuất phát từ những cuộc họp mặt và hội lớp tham dự. Bảng và phấn màu là những thứ quen thuộc với người giáo viên. Thầy tự mày mò, nghiên cứu để sáng tạo ra những nét vẽ sống động trên bảng.

Thầy giáo xứ Nghệ gây "sốt" khi tái hiện thời khắc xe tăng húc đổ Dinh Độc Lập- Ảnh 1.

Bức tranh “Khí thế hào hùng 30/4” của thầy Hạnh nhận được cơn mưa lời khen. Ảnh NVCC.

Theo thầy Hạnh, cá nhân thầy đã từng vẽ sơn dầu, vẽ màu nước, vẽ màu bột nhưng khi vẽ bằng phấn trên tấm bảng xanh thực sự không dễ dàng. "Cái khó của vẽ bảng phấn là nguyên liệu này không có sự lan màu. Từ cách cầm phấn, sử dụng nét vẽ, hoà màu đều có kỹ thuật riêng, đòi hỏi phải có sáng tạo. Tôi tự mày mò, nghiên cứu để sáng tạo ra những nét vẽ sống động trên bảng. Theo đó, thời gian vẽ mỗi tác phẩm khác nhau, lúc nhanh chỉ 1 giờ và cũng có những tác phẩm phải đến 2 – 3 ngày mới hoàn thành", thầy Hạnh chia sẻ.

Thầy giáo xứ Nghệ gây "sốt" khi tái hiện thời khắc xe tăng húc đổ Dinh Độc Lập- Ảnh 2.

Bức tranh được vẽ bằng phấn màu, như một lời tri ân thành kính gửi tới các chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước. Ảnh NVCC.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh đã thực hiện một tác phẩm đặc biệt "Khí thế hào hùng 30/4" ngay trên bảng xanh lớp học.

Tác phẩm tạo được nhiều hứng thú cho các em học sinh trong và ngoài giờ học. Đặc biệt, sau khi được đăng lên mạng xã hội Facebook, bức tranh đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của cộng đồng mạng. Thầy nhận được "cơn mưa" lời khen bởi sự sinh động, tỉ mẫn mang ý nghĩa đặc biệt trong bức tranh của mình. 

Theo đó, bức tranh được vẽ bằng phấn màu, như một lời tri ân thành kính gửi tới các chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước. Đó là hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập được thể hiện đầy khí thế. Phía sau là đoàn quân giải phóng tiến vào với tinh thần quyết thắng, gương mặt thể hiện sự kiên cường và niềm tin tất thắng. Trên nóc Dinh Độc Lập, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay kiêu hãnh trong gió, tượng trưng cho khát vọng hòa bình và độc lập. Hình ảnh chú chim bồ câu xanh là biểu tượng cho sự hoà bình sau khi thống nhất đất nước. Góc trái bức tranh là dòng: "Bắc - Nam một nhà, 30/4/1975-30/4/2025".

Thầy giáo xứ Nghệ gây "sốt" khi tái hiện thời khắc xe tăng húc đổ Dinh Độc Lập- Ảnh 3.

Thầy giáo xứ Nghệ gây "sốt" khi tái hiện thời khắc xe tăng húc đổ Dinh Độc Lập- Ảnh 4.

Đến nay thầy Nguyễn Trí Hạnh đã thực hiện hơn 500 tác phẩm nghệ thuật bằng phấn trên bảng. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Hạnh, bức tranh không chỉ là thông điệp nhắc nhở về một cột mốc vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mà còn là lời khẳng định thiêng liêng về sự toàn vẹn lãnh thổ, niềm tự hào dân tộc trường tồn cùng năm tháng. 

"Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, tôi muốn hoà chung vào không khí này theo các riêng của mình. Để lên ý tưởng tôi đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu, sách báo, tham vấn cả giáo viên dạy Lịch sử để hiểu hơn và xây dựng bối cảnh cho tác phẩm. Tôi bắt đầu vẽ từ ngày 10/4 ở phòng chức năng của trường ngoài giờ lên lớp. Đến ngày 11/4, tôi hoàn thành tác phẩm. Phần khó của bức tranh là ở chiếc xe tăng vì nó có nhiều chi tiết nhỏ. Do hạn chế về màu sắc nên điều khó nhất khi hoà sắc để tạo nên màu sinh động", thầy Hạnh chia sẻ.

Với thầy Hạnh, vẽ tranh bảng không chỉ là niềm vui tinh thần mà còn là cách để truyền tải những thông điệp nhân văn, sâu sắc, trước hết tới những học trò. Đến nay thầy Nguyễn Trí Hạnh đã thực hiện hơn 500 tác phẩm nghệ thuật bằng phấn trên bảng. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một lát cắt lịch sử hoặc một thông điệp về lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Những tác phẩm ấy không chỉ thể hiện tài năng, mà còn là kết tinh của tình yêu nghề, tình yêu đất nước và sự tri ân với các thế hệ đi trước.

Hà Hằng - Minh Duy

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.