Sáng 26/5, cây phượng cổ thụ tại khuôn viên trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP.HCM) bật gốc đè trúng 18 học sinh, 1 học sinh không may thiệt mạng. Nạn nhân tử vong là học sinh N.T.K., được chẩn đoán ngưng tim, ngưng thở trước khi nhập viện.
Thật khó diễn tả nỗi đau xót của nhiều người khi biết chuyện, nhất là ba mẹ, người thân của em học sinh đã tử vong. Cú sốc này quá lớn, họ không dễ gì vượt qua.
Chia sẻ với báo chí về những sự việc xảy ra, thầy Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng THCS Bạch Đằng cho hay, mọi thứ diễn ra quá nhanh, thầy chẳng kịp nghĩ gì, chỉ lo giải quyết từng vấn đề đổ ập đến: Cấp cứu cho học sinh, lo đám tang cho bé K., giải thích với phụ huynh, giải trình, họp báo, đốn cây, trấn an học sinh và giáo viên...
Với thầy Phúc, cây đổ là chuyện "không trong tầm tay mình nữa". Nhưng những sự việc sau khi cây đổ, việc nào trong tầm tay thì phải làm bởi đó là trách nhiệm!
Trong buổi họp báo cung cấp thông tin về vụ tai nạn tại trường THCS Bạch Đằng chiều 26/5, thầy Phúc nghẹn ngào nói: “Tôi là người chịu trách nhiệm chính”. Thầy đã thẳng thắn nhận trách nhiệm. Sự tự trọng, thái độ trách nhiệm của người thầy đã nhận được sự đồng cảm của dư luận.
Có một câu phân trần của thầy Hiệu trưởng khiến nhiều người phải suy ngẫm: Quản lý cây xanh trong trường là trách nhiệm của Hiệu trưởng, còn muốn đốn cây thì phải xin phép cơ quan chức năng. Vì thế, trong sân trường THCS Bạch Đằng còn 1 cây phượng vĩ nữa, cũng bằng tuổi, sau sự cố ngày 26/5, nhà trường đề nghị đơn vị chuyên trách về cây xanh cho đốn luôn! Có lẽ, sau sự cố đau lòng trên, thầy cũng không muốn có thêm những "nỗi buồn hoa phượng"....
Bước chân vào ngành giáo dục từ năm 1983 đến nay, giữ chức Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng từ năm 2016, thầy Phúc chưa từng gặp biến cố nào lớn như vậy. Thầy kể sau vụ tai nạn hôm qua, phụ huynh học sinh không những không quở trách mà nhiều người còn nhắn tin chia sẻ, động viên thầy giữ sức khỏe nhưng trong lòng thầy đau lắm, người học trò nhỏ của thầy mãi mãi tuổi 12!
Thầy Phúc còn bộc bạch: "Mình nghĩ đơn giản, mình quản lý cái gì mà trong đó có hoạt động bị trục trặc, dù là khách quan hay chủ quan thì mình phải có trách nhiệm. Mình phải làm gương cho nhân viên mình, học sinh mình". Thầy cũng cho biết sẽ tự cắt thi đua năm nay vì "có lỗi thì phải đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ".
Hình ảnh của thầy Phúc khiến người viết nhớ đến phiên tòa gian lận thi cử ở Hòa Bình mới đây. Một bị cáo trong vụ mua bán điểm thi bao biện cho cái sai của mình rằng: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Chẳng ai dám nghĩ, 1 người từng nhà giáo, 1 quan chức quản lý giáo dục lại có thể thốt ra những lời trơ trẽn như vậy. Nếu “ai cũng gù”, cũng đổ lỗi thì ngành giáo dục sẽ đi về đâu?
Xin được cảm ơn thầy Hiệu trưởng đã không "gù lưng"! Nhận trách nhiệm- Một bài học liêm sỉ về sự tự trọng mà thầy đã dạy cho các học trò của mình.