Ngày 29/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.
Theo đó, từ 0h ngày 30/7/2021, trên phạm vi cả nước, các chốt kiểm soát dịch không kiểm tra xe có giấy nhận diện QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp để chở hàng phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh).
Trường hợp xe không có giấy nhận diện QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ kiểm tra việc khai báo y tế, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 đối với người trên xe.
Việc kiểm tra với xe chở hàng khi ra, vào địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất…) phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông…
Thông tin trên đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định thống nhất như vậy đã “gỡ vướng lưu thông hàng hóa” trong điều kiện dịch bệnh.
Nhìn nhận xunh quanh vấn đề này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Bùi Văn Xuyền (Đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho rằng: “Hiện nay, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, quy định về trường hợp được mở cửa bán hàng; trường hợp được lưu thông hàng hóa; người dân được mua bán hàng thiết yếu… nhưng khái niệm hàng hóa thiết yếu là những hàng hóa gì thì thời gian qua đã gây ra nhiều vấn đề vướng mắc, khi cơ quan chức năng xử lý nhưng bị phản ứng, nhận thức về hàng thiết yếu ở các địa phương khác nhau.
Chính sự “khập khiễng”, không thống nhất về khái niệm “hàng thiết yếu” khiến doanh nghiệp sản xuất và việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh vừa qua. Do đó, ngày 27/7, bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc, đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông trong tình hình dịch Covid-19. Và ngày 29/7, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc kịp thời ban hành một danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” để thống nhất thực hiện là rất tốt. Cần tuyên truyền cho người dân thực hiện đúng, tránh tình trạng khi xử lý có những tình huống dở khóc, dở cười”.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Xuyền cũng lưu ý thêm: “Hiện nay, cuộc sống của người dân rất phong phú, đa dạng. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên có một phần “quy định mở” để giao cho các địa phương.
Cụ thể, ngoài danh mục chung, hàng hóa thiết yếu chung để phổ biến trên toàn quốc thì từng địa phương, vùng miền mà người dân có nhu cầu nhưng đó không phải là phổ biến thì có thể được phép quy định thêm; như vậy vừa đảm bảo nhu cầu của người dân, vừa đảm bảo phòng chống dịch”.
“Mức độ mở rộng phạm vi hàng hóa ở địa phương phù hợp với địa phương, nhu cầu của người dân thì ủy quyền cho địa phương làm, tránh việc không phù hợp với từng vùng miền địa phương”, ông Xuyền nêu quan điểm.
Cũng trao đổi về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đặt câu hỏi, vậy thế nào là hàng hóa thiết yếu? Theo luật sư, có hai thứ thiết yếu, thứ nhất là thiết yếu cho nhân dân (người dân ra ngoài mua lương thực, thực phẩm); thứ hai, liên quan đến các cơ quan, tổ chức. Theo luật sư, càng quy định nhiều bao nhiêu thì sẽ càng thiếu bấy nhiêu, do vậy, chỉ nên xác định về mặt nguyên tắc… Các danh mục luẩn quẩn dẫn tới việc mỗi địa phương quy định những thứ thiết yếu khác nhau, sử dụng các biện pháp riêng của mình, dẫn tới bất ổn thị trường”.
Vị luật sư phân tích: “Trước đó, mặc dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, nhiều địa phương rất lúng túng, mỗi nơi có cách hiểu và áp dụng khác nhau, đã có nhiều phiền toái cho các doanh nghiệp, việc lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ như cầu thiết yếu… bị ách tắc.
Như vậy, khi ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thì các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa này, còn các hàng hóa, dịch vụ khác không nằm trong danh mục sẽ được cấp “thẻ xanh” để lưu thông trên địa bàn, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác. Đây được co như một giải pháp hợp lý, “gỡ vướng lưu thông hàng hóa” trong điều kiện dịch bệnh, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép”.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).
Hường - Thúy