Suýt hoại tử xương đùi
Theo hồ sơ bệnh viên cung cấp, ông Đ. đã điều trị bệnh thoái hóa khớp và hoại tử chỏm xương đùi 2 bên được 2 năm.
Chia sẻ về tình trạng của bản thân, ông Đ. cho biết mình bị đau háng 2 bên, sử dụng thuốc vẫn không hết đau, đi lại rất khó khăn, bất tiện.
Bản thân ông Đ. và gia đình đã tìm đến tư vấn nhiều nơi, nhưng đa số đều tư vấn phẫu thuật lần lượt từng chân.
Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, sau khi được ThS.BS. Nguyễn Tấn Lãm, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện tư vấn và phân tích cụ thể về những lợi ích và rủi ro của thay khớp háng cùng lúc, ông Đ. quyết tâm phẫu thuật để chấm dứt tình trạng đau đớn, bất tiện và có thể chủ động trong cuộc sống sinh hoạt như trước đây.
Chia sẻ về ca phẫu thuật, ThS.BS. Nguyễn Tấn Lãm cho biết: “Bệnh nhân D. bị hoại tử cả 2 chỏm xương đùi trái và phải khá nặng. Kết quả chụp X quang cho thấy, bệnh nhân bị hoại tử ở giai đoạn IV -V. Nếu phẫu thuật lần lượt từng chân thì bệnh nhân sẽ phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật lớn. Đó sẽ là một trải nghiệm không hề dễ chịu”.
Sau phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh được tập luyện với kỹ thuật viên vật lý trị liệu để sớm phục hồi chức văng vận động.
Ông Đ. chia sẻ: “Tôi thật sự không nghĩ rằng sau mổ 3 ngày đã có thể đi lại được nhẹ nhàng, không cảm thấy đau như trước đây mình vẫn sợ. Quá trình phục hồi sau mổ hơn cả mong đợi, nên tinh thần rất vui vẻ, phấn khởi”.
Với những tiến triển tốt sau phẫu thuật, ông Đ. xuất viện sau 7 ngày điều trị và tiếp tục quá trình tập vật lý trị liệu tại nhà.
Các bác sĩ cho biết, kỹ thuật thay khớp háng cùng lúc, giúp ông Đ. giải quyết triệt để tình trạng hoại tử chỏm xương đùi với duy nhất một lần phẫu thuật.
Điều này không những giúp tiết kiệm về mặt thời gian, khi người bệnh không phải đối mặt với hai lần phẫu thuật (thông thường lần phẫu thuật thứ hai phải cách lần phẫu thuật đầu tiên ít nhất 1-2 tháng), đồng thời tiết kiệm chi phí điều trị, giúp tâm lí người bệnh ổn định và lạc quan hơn.
Nếu không phẫu thuật có thể tàn phế
Cũng theo bác sĩ Lãm, hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử xương và sụn.
Ban đầu vùng chỏm xương thưa dần, hình thành những nang xương, lâu dần sẽ gây gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp háng.
Người bệnh nếu không có phương pháp điều trị kịp thời, có thể đối mặt với nguy cơ tàn phế rất cao.
Nguyên nhân gây ra bệnh hoại tử chỏm xương đùi rất đa dạng, có thể xuất phát từ các chấn thương như trật khớp, gãy cổ xương đùi, sử dụng thuốc glucocoticoides ,thói quen sử dụng nhiều bia rượu, ảnh hưởng từ các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid; viêm hoặc tổn thương động mạch.
Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới và có xu hướng gia tăng theo tuổi.
Hoại tử chỏm xương đùi là một biến chứng nguy hiểm với những bệnh lý xương đùi do chấn thương và không chấn thương. Việc phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc lẫn vật lý trị liệu có thể không tác động được nhiều do các tế bào xương và sụn đã bị hoại tử hoàn toàn.
Do đó, để phòng ngừa nguy cơ tàn phế, người bệnh cần được can thiệp phẫu thuật thay khớp háng kịp thời.
Đây được xem là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay với những lợi ích thiết thực trên người bệnh như đường mổ nhỏ, thao tác thuận lợi, giảm đau tối ưu mà vẫn đảm bảo các yếu tố về thẩm mỹ.
Phẫu thuật thay khớp háng cùng lúc giúp người bệnh an tâm điều trị, chấm dứt nguy cơ tàn phế và mau chóng trở lại với cuộc sống bình thường.
Dấu hiệu của hoại tử chỏm xương đùi, gồm:
Đau nhức khớp háng: cơn đau xuất hiện ở một hoặc cả hai bên khớp háng, tăng nặng khi người bệnh vận động hoặc đứng lâu.
Hạn chế tầm vận động của khớp háng: Cơn đau gây nên những khó khăn khi người bệnh vận động khớp háng dù chỉ với những động tác đơn giản như dạng hoặc khép. Đặc biệt, người bệnh gần như không thể thực hiện được tư thế ngồi xổm
“Hoại tử chỏm xương đùi là một bệnh lý nguy hiểm, có diễn tiến âm thầm và thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ tàn tật rất cao”, Ths.BS Lãm chia sẻ thêm.
Nguyễn Lành