Chữa bệnh không cần khám
Theo lời đồn thổi, chúng tôi tìm về nhà người mà mọi người vẫn gọi là “thầy lang Thủy” trú tại Xóm Mịn, Xã Mỹ Thuận, Huyện Tân Sơn, Tỉnh Phú Thọ để được mục sở thị phương pháp chữa bệnh của “thầy”. Tìm được nơi cư trú của “thầy lang Thủy” không quá khó.
Từ xa đã dễ dàng nhận thấy tấm biển quảng cáo khá lớn đặt ngay bên mép đường quốc lộ, trước cổng một ngôi nhà khang trang ba tầng mà vợ chồng bà Thủy mới xây xong. Tấm biển đề “Thuốc Nam gia truyền chữa các loại bệnh vô sinh, hiếm muộn, đại tràng, dạ dày, yếu tinh trùng, các loại bệnh ung thư…”.
Sau một vài tiếng gọi cửa, phóng viên chúng tôi được một người phụ nữ lớn tuổi, có nước da ngăm đen tiếp đón. Vừa gặp chúng tôi, bà đã nhanh nhảu hỏi chúng tôi đến chữa bệnh hay là mua thuốc cho người thân. Qua vài phút chào hỏi, chúng tôi được bà Thủy đưa vào một ngôi nhà gỗ nhỏ nằm sát bên ngôi nhà ba tầng mới xây xong.
Vừa mới ngồi xuống, bà Thủy đã khoe về tài chữa bệnh của mình, bà nói: “Tôi có thể chữa được tất cả các bệnh, ngay cả bệnh viện bó tay thì về đây, tôi cũng có thể chữa khỏi được”. Nói đoạn, bà Thủy lấy cho chúng tôi xem một cuốn sổ mà theo bà, đây là danh sách những người mắc bệnh vô sinh, những bệnh nan y, có cả những bệnh nhân ung thư đã được bà chữa khỏi.
Thuốc để mặc như những đống củi khô mốc
Tôi tỏ ra ngạc nhiên về khả năng chữa bệnh của “thầy” Thuỷ nên thắc mắc hỏi “Thầy chữa được nhiều bệnh thế này cơ ạ?” thì bà Thuỷ đáp: “Bệnh gì tôi chẳng chữa được, mấy loại bệnh viết trên biển chỉ là những bệnh thông thường thôi”.
Như thường lệ, khi có người đến chữa bệnh, bà Thủy đều hỏi về bệnh tình của bệnh nhân. Sau khi nghe tôi chia sẻ về sự việc: “Chị cháu lấy chồng đã được 10 năm nhưng hiện giờ vẫn chưa có con, mặc dù cũng đã chạy chữa, tìm mọi phương thuốc, nhờ vả các bác sĩ giỏi nhưng vẫn chưa có kết quả”, bà Thuỷ chau mày lại, trả lời dứt khoát: “Chữa được”. Bà Thủy còn cho biết thêm không cần phải đến tận nơi, chỉ cần nói qua bệnh tình là có thể bốc thuốc.
Hỏi về kinh nghiệm chữa bệnh, bà Thủy bộc bạch: “Đây là bài thuốc gia truyền nhà tôi truyền mấy đời rồi. Tôi không học y hay học bắt mạch gì cả, chỉ cần miêu tả bệnh là bốc thuốc, đảm bảo sẽ khỏi. Thuốc lấy cho nhiều người rồi nên yên tâm”. Cách thức chữa cũng rất đơn giản, bà Thủy hướng dẫn “lấy 3 thang thuốc, giá 3 thang thuốc là 900 nghìn đồng, cứ đun nước lên uống, ngày nào cũng phải uống, khi nào khỏi thì thôi”.
Có mặt cùng chúng tôi, anh Tuấn từ Hà Nội cũng lặn lội đến xin vị “thần y” chữa bệnh với triệu chứng mẩn ngứa, dị ứng, cũng uống thuốc nhiều, chạy chữa mà vẫn chưa khỏi. Qua vài câu hỏi sơ sơ về triệu chứng bệnh của anh Tuấn, bà Thủy khẳng định “chỉ cần uống thuốc tôi bốc là sẽ khỏi, sẽ khỏi”.
Rồi bà chỉ tay lên bình nước có màu đỏ để trên bàn, nói với Tuấn: “Cậu chỉ cần uống nước này cũng có thể khỏi được”, bà Thủy còn phân tích thêm rằng nước này bà nấu từ rễ cây, là một vị thuốc có thể chữa được rất nhiều bệnh như gan, thận kể cả bệnh dị ứng của Tuấn, chỉ cần uống một vài ngày là khỏi. Nói xong, bà Thủy bốc 2 thang thuốc cho Tuấn mang về uống với giá 100 nghìn đồng.
“Thuốc tiên” không cần bảo quản
Trong Đông y, thuốc Nam gồm nhiều các loại dược thảo có nguồn gốc từ cây cỏ với nhiều loại khác nhau như đỗ trọng, cam thảo, lạc tiên, mộc qua, câu kỷ, tang ký sanh… Trong đó, có nhiều vị thuốc nếu sử dụng không đúng cách có thể phản tác dụng, gây hại đến sức khỏe.
Hầu hết các loại thuốc nói trên khi được sản xuất, thuốc được chuyển đến tay người bệnh bảo quản đúng quy trình theo quy định, tuy nhiên khi được hỏi về vấn đề này, bà Thủy chỉ nói là thuốc gia truyền, truyền từ đời này qua đời khác, còn thuốc để mặc như những đống củi khô mốc.
Không những thế, yếu tố tâm linh cũng được bà Thủy mang vào trong cách chữa bệnh của mình: “Nhờ phúc tổ tiên mới có thể hiệu nghiệm như vậy, chứ không thì làm sao được như thế”. Nói đoạn, bà đứng dậy đi bốc thuốc cho bệnh nhân, vị trí cất giữ thuốc của bà Thủy là khu vực trước lán nhà, mặc dù mưa to nhưng cũng không có mái che, tất cả đều để một nơi, sát nhau, thuốc được chứa trong các túi lớn không khâu kín mà luôn để mở nên phủ đầy bụi bặm, kể cả rác cũng thấy đầy trên mỗi túi thuốc.
Trời mưa, bà dùng những tấm bạt màu xanh để che cho khỏi ướt thuốc. Lật tấm bạt lên, tôi phát hiện nhiều bao chứa thuốc bị nước mưa dính vào ẩm ướt, lại thêm có vài con gà con đang trú mưa ở dưới. Không chỉ để thuốc ở ngoài trời mưa mất vệ sinh như vậy mà cách bốc thuốc của bà Thủy cũng khiến phóng viên chúng tôi không khỏi hoang mang. Bà Thủy dùng tay bốc từng nắm, không cân đo đong đếm, cứ thế cho vào túi, mỗi cái một ít rồi gói lại. Khi được hỏi thì bà trả lời hồn nhiên rằng: “Ôi giời, không sao cả. Bốc bao lâu rồi, chả có vấn đề gì cả”.
Người nhà “thần y” chết vì ung thư phổi
Trò chuyện riêng với Tuấn, khi được chúng tôi hỏi về việc cậu đã từng chữa thuốc ở nhà bà Thủy như thế nào, Tuấn chia sẻ: “Trước đây mình cũng đã từng gửi người quen ở khu vực này mua thuốc để chữa bệnh vôi hóa cột sống nhưng không khỏi, mình cũng nghĩ có thể bệnh đó thuốc Nam không chữa khỏi được, còn bệnh dị ứng thì chắc là có thể.
Thoạt đầu mình nhờ người quen trên này mua thuốc rồi gửi xuống Hà Nội nhưng sau một thời gian uống không thấy đỡ, thậm chí bệnh còn nặng hơn. Nhưng giờ trót theo rồi thì cố theo nên lần này mới lên mua thuốc tiếp, nếu vẫn không khỏi thì thôi”.
Còn theo chị Lương, quê ở Thanh Sơn – Phú Thọ chia sẻ: “Vợ chồng tôi cưới nhau được hơn chục năm nay nhưng vẫn chưa có con, đi khám ở rất nhiều bệnh viện nhưng họ đều lắc đầu, nghe tin trên này có bà chữa bệnh vô sinh giỏi nên vợ chồng tôi đến nhờ bà “cứu” giúp, vậy mà đến cuối cùng thì cũng chẳng thể có nổi một mụn con”.
Câu chuyện chữa bách bệnh của bà Thủy càng khó hiểu hơn khi người anh trai của bà bị bệnh ung thư phổi mà theo bà là bệnh nhân đã lấy thuốc uống, tuy nhiên qua tìm hiểu thì ông này đã mất vào đợt Tết vừa rồi. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi tìm gặp một số hộ gia đình sống xung quanh khu vực nhà bà Thủy.
Nằm cách nhà bà mấy trăm mét, chúng tôi gặp anh Minh - một người dân sống lâu năm tại xóm. Khi được hỏi, anh Minh cho biết: “Tôi cũng nghe nhiều người nói về bà Thủy này chữa được nhiều bệnh, rất nhiều người đã đến nhờ bà ấy, tuy nhiên gia đình tôi không tin lắm nên chẳng bao giờ đến chữa.
Có lần con trai anh ốm cũng nhờ bà Thủy bốc thuốc nhưng cháu vẫn không đỡ, phải nhờ đến thuốc Tây mới khỏi”. Dò hỏi về những bệnh nhân được bà Thủy chữa thì anh Minh không hề hay biết: “Tôi chỉ nghe người ta nói vậy thôi, chứ cũng không biết họ ở đâu”.
Để xác thực thêm thông tin, đi cách nhà anh Minh không xa, chúng tôi gặp được chị Thu - sống gần nhà bà Thủy. Qua trao đổi, chị Thu khẳng định: “Chuyện bà Thủy chữa được bệnh là có thật, tuy nhiên chỉ là mấy bệnh đơn giản thôi, còn chữa được bệnh ung thư chỉ là lời nói suông. Nói chẳng đâu xa, mới đây thôi, người nhà bà Thủy cũng vừa chết vì bệnh ung thư phổi. Nếu giỏi như vậy thì tại sao không cứu sống được?”.
Theo nhiều cán bộ y tế xã, bài thuốc của bà Thủy không có tác dụng gì, bà chỉ chữa bệnh tự xưng. Bà con làng xóm và ngay cả họ hàng nhà bà Thủy thường xuyên lên trạm xá khám chữa bệnh. Thậm chí, theo trạm trưởng y tế xã, người nhà bà Thủy từng nhiều lần tới khám tại đây.
Ngọc Sơn – Duy Lượng