Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Theo Vietnam+, đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bệnh được “cha đẻ của nền y học” Hippocrates mô tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ V trước Công Nguyên.
Một số tài liệu y học cũng đã ghi nhận sự hoành hành của bệnh ở Syria và Ai Cập cổ đại. Năm 1883- 1884, các nhà khoa học đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh. Cuối thế kỷ 19, kháng độc tố được phát minh.
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae là nguyên nhân gây bệnh bạch hầu.
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae có 3 tuýp là Gravis, Mitis và Intermedius.
Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh cơ thể, vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày, thậm chí là vài tuần. Một đặc điểm khác của vi khuẩn bạch hầu là sự nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ, ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.
"Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu tồn tại ở cả người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Khi một người bị nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu có thể dẫn đến tử vong rất nhanh trong khoảng 7 ngày nếu không phát hiện và điều trị", Bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Tp.HCM) chia sẻ trên báo Thanh Niên.
Thời gian ủ bệnh và phương thức lây truyền
Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Thời kỳ lây truyền bệnh thường không cố định, có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người bệnh đã có thể đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, hoặc cũng có thể từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần; hiếm có trường hợp mang vi khuẩn mạn tính kéo dài trên 6 tháng.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây bằng việc tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết từ người bệnh.
Triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu
Tùy vào vị trí vi khuẩn gây bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2, 3 ngày xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.
Bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Ngoài những vị trí kể trên, vi khuẩn còn có thể gây bệnh ở một số vị trí khác nhưng những trường hợp này rất hiếm và có tiến triển bệnh nhẹ.
"Các triệu chứng của bạch hầu dễ nhầm lẫn với cảm cúm. Tuy nhiên ở người mắc bệnh cảm cúm sau hạ sốt có thể mặt mũi tươi tỉnh, còn người bệnh bạch hầu vừa nhiễm trùng, nhiễm độc nên mặt rất đừ. Do đó khi thấy đau viêm họng nhiều, đừ người, có giả mạc trắng nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám", bác sĩ Tiến lưu ý thêm.
Biến chứng của bệnh bạch hầu
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc bệnh bạch hầu có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và tử vong.
Tắc nghẽn đường hô hấp. Theo bác sĩ Tiến, vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng bám vào trong vòm họng, các lớp màng này lan ra nhân lên có thể gây lấp đường hô hấp, ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh.
Viêm cơ tim. Độc tố bạch hầu có thể ảnh hưởng đến tim, gây rối loạn nhịp tim, suy tim và có thể tử vong.
Tổn thương thần kinh dẫn đến tê liệt. Độc tố bạch hầu cũng có thể gây ra các biến chứng tê liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi.
Rối loạn chức năng bàng quang: Một biến chứng khác có thể xảy ra với bệnh nhân bạch hầu là các vấn đề về dây thần kinh kiểm soát bàng quang, khiến bệnh nhân gặp các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt, mất kiểm soát bàng quang…
Tê liệt cơ hoành. Với người bệnh bạch hầu, cơ hoành có thể bị tê liệt rất đột ngột, kéo dài hơn nửa giờ hoặc lâu hơn. Nếu cơ hoành tê liệt, ngừng hoạt động, người bệnh có nguy cơ tử vong.
Suy hô hấp, viêm phổi. Cơ hoành có vai trò quan trọng đối với hệ hô hấp, do đó nếu cơ hoành bị liệt hoàn toàn, triệu chứng khó thở sẽ biểu hiện thường xuyên hơn, thậm chí dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp.
Cách phòng bệnh bạch hầu
"Hiện nay biện pháp hiệu quả để phòng bệnh bạch hầu là tiêm ngừa vắc xin. Do đó, trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe thường kỳ cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu để người dân chủ động tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo công tác vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Tổ chức tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, báo Thanh Niên)