Báo Người Đưa Tin đã đăng tải về Hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ phát tích tại thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng của con người và Hội Khảo cổ học VN tổ chức nói rằng tìm thấy mộ cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sau 429 năm.
Danh nhân văn hóa, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một hiền tài lỗi lạc, được hậu thế tôn vinh là cây đại thụ che rợp thế kỷ thứ 16. Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm mất cách đây 432 năm, phần mộ của Cụ đến nay vẫn là một ẩn số. Vì vậy, sau khi kết quả nghiên cứu ban đầu được công bố, dư luận cả nước, nhất là người dân huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng xôn xao, bán tín, bán nghi.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Kim Pha- Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng cho biết, thành phố có nhận được thông tin từ Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người sẽ tổ chức hội thảo về ngôi mộ cổ phát tích tại huyện Vĩnh Bảo. Thành phố giao Sở VHTTDL đi dự cuộc hội thảo này. Sau khi hội thảo kết thúc, nhiều giáo sư, tiến sĩ, các nhà sử học, hán học…cho rằng ngôi mộ phát tích tại làng Hạ Đồng có khả năng là mộ của cụ Trạng. Tuy nhiên, vì nhiều luồng thông tin khác nhau, nên kết quả phải chờ cơ quan thẩm quyền.
Tại quê nhà của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm- huyện Vĩnh Bảo, người dân và lãnh đạo địa phương cũng chỉ nắm được thông tin qua các cơ quan báo chí. Ngôi mộ và tấm quách hay các chi tiết liên quan đến ngôi mộ thì lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo và nhân dân đều không được biết, chỉ nghe đồn từ người này sang người khác.
Để làm rõ vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyn -Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng:
Thông tin từ cuộc hội thảo được các nhà khoa học bàn luận, không ít người cho rằng đã tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi chỉ nghe báo chí thông tin từ cuộc hội thảo chứ không tin có việc như vậy. Việc nghiên cứu, hội thảo này là do Trung tâm Tiềm năng con người nghiên cứu, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng không đồng ý với những kết luận được đưa ra.
Việc nhiều người dân, các nhà nghiên cứu mang tấm quách đi nghiên cứu chúng tôi không hề biết, huyện Vĩnh Bảo cũng không ai biết.
Có cơ sở gì để chứng minh ngôi mộ cổ tìm thấy ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền liên quan đến mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Kiêm, thưa ông?
Ở khu vực đào được ngôi mộ cổ, toàn bộ người dân, lãnh đạo xã Cộng Hiền và người dân thôn Hạ Đồng nói là nghĩa địa ngày xưa cách đây hàng trăm năm. Thời gian lâu lắm rồi thì thiếu gì các ngôi mộ cổ. Còn cái quách được tìm thấy thì các ông (nhà nghiên cứu – PV) đưa đi đâu địa phương không được biết. Lãnh đạo huyện, xã cũng không ai được nhìn thấy.
Khi đã táng mộ người ta phải để các thứ yểm phù trong mộ chứ không ai để ngoài quách. Quách giống chiếc áo khoác để bảo vệ quan tài bên trong.
Về lịch sử, khu vực đào được mộ cổ có liên quan gì đến cụ Trạng Trình không, thưa ông?
Theo tôi biết, không có liên quan gì đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vì khu vực đấy thuộc làng khác, xã khác trong khi quê nhà của cụ Trạng ở thôn Trung Am, xã Lý Học còn làng Hạ Đồng, xã Cộng Hiền là làng công giáo. Nơi đào được mộ thuộc đất vườn của ông Trần Rường, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo.
Ông nghĩ thế nào về việc các nhà nghiên cứu nói tìm được tấm thẻ tre trong chiếc quách có ghi tên húy của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm?
Chuyện này thật vớ vẩn. Tôi không tin vào tấm thẻ tre, vì chiếc quách được đưa đi hàng năm nay rồi, đưa đi đâu chúng tôi không nắm được. Hơn 400 trăm năm sau làm gì có tấm thẻ tre nào giữ được chữ trên đó.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Lã Tiến