Cứ mỗi lần nhắm mắt lại, nghĩ về tôi của hiện tại, về cuộc sống tôi đang có, tôi không thể nào quên thầy - người đã dìu dắt tôi suốt năm học cuối của THCS. Và chính thầy là ký ức đau thương nhất trong quá khứ của tôi.
Tôi đã cố hàng trăm lần để gõ tên thầy, nhưng mỗi lần chạm tay xuống bàn phím, nước mắt tôi lại rơi.
Ngày đó, khi tôi học lớp 9, vì gia đình quá nghèo nên tôi phải nghỉ học để ở nhà phụ bố mẹ làm việc đồng áng chăm lo cho 2 đứa em ăn học. Trên tôi là chị cả, khi đó, chị đang làm công nhân may mặc ở TP.HCM.
Thú thật, ngày đó tôi không hề có hứng thú đến trường. Tôi chỉ nghĩ ở nhà làm 1-2 năm gì đó rồi sẽ vào Nam làm công nhân.
Ở làng tôi ngày đó, phong trào “Nam tiến” là rất đông. Ai cũng mong con vào Nam chăm chỉ làm ăn gửi tiền về phụng dưỡng bố mẹ ở quê.
Một buổi chiều, khi tôi đang cùng mẹ cấy lúa thì cậu em trai hớt hơ hớt hải chạy ra: “Mẹ và chị về đi, thầy chủ nhiệm lớp chị đến đó”.
Tôi nghe rồi cười hềnh hệch: “Mày dở à, lớp chị là cô T. chủ nhiệm cơ mà”. Tuy nhiên, em trai tôi vẫn quả quyết là thầy đến...
Trước mặt mẹ con tôi là một thầy giáo trẻ măng, nước da trắng, giọng nói trầm ấm. Thầy nói thầy là chủ nhiệm mới của tôi, cô T. hiện đã chuyển công tác được 2 ngày.
Bỗng dưng nghe cô T. chuyển công tác tôi có chút ngạc nhiên. Tôi ngước mắt nhìn lên, thầy vẫn đứng đó nhìn tôi. Rồi thầy nở nụ cười thật tươi: “Em tiếp tục đến trường nhé. Em còn quá nhỏ để nghĩ chuyện tương lai”.
Thầy cũng thuyết phục mẹ tôi khi nói rằng thầy đã xem kết quả học tập của tôi, cũng nghe các bạn nói về tôi... nên mong mẹ tôi hãy khuyên nhủ để tôi tiếp tục theo đuổi giấc mơ.
Tuy nhiên, đáp lại mong muốn của thầy, tôi vẫn kiên quyết nghỉ học. Dù thế, những hôm sau đó, chiều nào thầy cũng ghé qua nhà tôi chơi.
Thầy hứa sẽ không trách phạt tôi cũng như hứa hỗ trợ sách vở bút mực cho tôi cả năm. Cuối cùng thầy đã thuyết phục được tôi quay lại trường.
Có lẽ, tôi có nằm mơ cũng không tưởng tượng được một giáo viên người thành phố như thầy lại say mê, nhiệt huyết với nghề như thế.
Trong lớp, tôi vốn là một học sinh cá biệt, thường xuyên nghỉ học và có thành tích môn Toán kém cỏi nhất lớp. Dù thế, thầy vẫn kiên trì kèm cặp, động viên tôi.
Thầy nói: “Thế mạnh của em là các môn xã hội, dù thế, em vẫn phải cân bằng các môn tự nhiên, như thế tới kỳ thi tốt nghiệp sẽ không phải lo trượt”.
Ngày đó, mỗi tuần trường chúng tôi đều tổ chức một buổi lao động. Có khi là nhổ cỏ, khi là đào đất, quét sân trường... những ngày đó, thầy đều tham gia cùng chúng tôi.
Mỗi lần nhìn thầy mồ hôi lấm tấm, chúng tôi đều khuyên thầy đi nghỉ, khi đó, thầy cười và nói vì thầy muốn gần gũi và hiểu học sinh mình hơn.
Cũng nhờ có thầy dìu dắt, tôi từ một học sinh khá, trở thành học sinh giỏi toàn diện năm lớp 9, còn môn Toán tôi vươn lên xếp thứ 2 sau lớp trưởng.
Sau khi thi tốt nghiệp cấp 2, dù tôi đỗ vào lớp chuyên Văn của trường cấp 3 nhưng tôi vẫn giữ ý định nghỉ học để vào Nam làm công nhân. Thầy hay tin, nên chiều nào cũng đến nhà tôi để khuyên nhủ tôi tiếp tục đến trường.
Tôi biết, thầy động viên tôi bởi tuổi thơ của những học sinh thành phố nơi thầy sống đâu có lam lũ vất vả như quê tôi.
Hôm đó, thầy nói, thầy có việc về quê nên khuyên tôi hãy trả lời thầy ngay khi thầy quay lại (1 tuần sau đó). Tôi cũng hứa sẽ chờ thầy quay trở lại và có câu trả lời nghiêm túc nhất.
Rồi từng ngày trôi qua, tôi vẫn luôn mường tượng ra những điều thầy nói. Những mơ ước của thầy là tôi được lớn lên, trưởng thành bằng con đường học hành. Khi đó, tôi đã định sẽ gọi điện cho thầy, nhưng nghĩ để thầy bất ngờ vẫn sẽ vui hơn.
Tôi thấp thỏm đợi và chờ.
Nhưng rồi... tôi chờ mãi không thấy bóng dáng thầy đâu. Tôi chợt nghĩ hay thầy sẽ quay lại khi hết kỳ nghỉ hè. Có khi nào thầy đã quên tôi?
Rồi tôi nhận được tin nhắn thầy tôi qua đời vì bị tai biến mạch máu não.Tôi đã khóc, nước mắt cứ thế chảy ra, tôi vừa chạy vừa gọi tên thầy.
Tôi chạy một mạch qua con đê để đến khu tập thể dành cho giáo viên, nơi thầy tôi đã nằm xuống.
Khi tôi đến, mọi người đang đưa thầy lên xe tiễn thầy về TP. Vinh.
Tiếng trống trường năm học mới vang lên, tôi bước vào cấp 3 với bao niềm hy vọng mới.
Tôi mang theo ước mơ của tôi có hình bóng của thầy và tự nhủ sẽ cố gắng học hành nên người...
Giờ đây, khi đã đạt được giấc mơ của mình, mỗi lần nhớ về trường xưa, những kỷ niệm ngày đến trường tôi không khỏi bật khóc.
Tôi biết, sinh lão bệnh tử vốn là quy luật... nhưng tôi không thể chấp nhận được thực tế thầy đã rời xa tôi.
Hình ảnh của thầy năm đó, nụ cười hiền hậu của thầy đã đi vào trái tim tôi, nhắc nhở tôi phải luôn cố gắng.
Nếu như thầy không xuất hiện, thầy không đến bên tôi năm đó, có lẽ không có tôi của ngày hôm nay.
Tự sâu thẳm con tim tôi ngàn lời muốn gọi: “Thầy ơi! Em rất nhớ thầy”.
Khải Nguyên