Một phiên bản mới toanh của hệ thống tên lửa và pháo phòng không Pantsir, có tên gọi là Pantsir-SMD-E, của hãng thiết kế Tula KBP thuộc Tập đoàn Rostec, đã "tỏa sáng" tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế Army-2024, được tổ chức từ ngày 12-14/8 tại Moscow.
Điều làm Pantsir-SMD-E khác biệt với các "đàn anh" trong gia đình Pantsir là phiên bản này không có pháo tự động 30 mm.
Thay vào đó, Pantsir-SMD-E mang theo 48 tên lửa phòng không tầm ngắn hoặc 12 tên lửa phòng không tiêu chuẩn nhằm mục đích "trị" những bầy đàn máy bay không người lái (UAV/drone) phiền nhiễu, và thậm chí có thể giải quyết cả các mối đe dọa lớn hơn.
Theo ông Vladimir Artyakov, Phó giám đốc Rostec, Pantsir-SMD-E có thiết kế module, cho phép triển khai trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả các nền tảng cố định. Lựa chọn thiết kế này nhằm mục đích làm cho hệ thống có thể thích ứng với các môi trường hoạt động khác nhau.
"Việc loại bỏ pháo tự động 2A38(M) 30 mm để chuyển sang sử dụng tên lửa được thực hiện nhờ những kinh nghiệm rút ra từ cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, nơi những hạn chế của pháo tự động trở nên rõ ràng", ông Artyakov giải thích.
Khả năng radar của hệ thống đã được cải thiện với việc bổ sung radar phát hiện băng tần J hoặc Ka sử dụng công nghệ Radar mảng pha chủ động (AFAR). Radar này có thể phát hiện các drone cỡ nhỏ có Đường truyền quang học hiệu dụng (EOP) cực thấp ở phạm vi 5-7 km và các mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn như tên lửa 122 mm, trong phạm vi lên đến 10 km. Ngoài ra, hệ thống radar có khả năng phát hiện mục tiêu có tiết diện radar (RCS) là 1,0 m2 ở phạm vi tối đa 45 km.
Để theo dõi và thu nhận mục tiêu, Pantsir-SMD-E được trang bị hệ thống quang điện tử đa phổ 10ES1 để quản lý kênh mục tiêu thứ 4, tăng cường khả năng phát hiện và đánh chặn các mối đe dọa trên không. Hệ thống vẫn sử dụng radar 1RS-2 Helmet 3 kênh để thu nhận và theo dõi mục tiêu.
Tuy nhiên, nhà sản xuất có kế hoạch thay thế nó bằng radar 1RS-3, dựa trên công nghệ mảng pha phản xạ. Do đó, Pantsir-SMD-E có thể theo dõi và tấn công đồng thời tới 40 mục tiêu, cung cấp khả năng phòng thủ mạnh mẽ chống lại nhiều mối đe dọa đang lao tới.
Cấu hình vũ khí tiêu chuẩn của Pantsir-SMD-E bao gồm 5 tên lửa đất đối không (SAM) 57E6 và 20 tên lửa 19Ya6 nhỏ hơn, với tùy chọn mang theo tới 12 thùng vận chuyển và khai hỏa. Một bước phát triển đáng kể trong phiên bản này là việc đưa vào tên lửa mini đánh chặn tầm ngắn TKB-10-55, được chứa trong 5 thùng chứa 4 nòng TKB-1056 mới.
Những tên lửa mini này được thiết kế riêng để nhắm vào các drone cỡ nhỏ và có thể tấn công mục tiêu ở phạm vi từ 500-7.000 m, và ở độ cao từ 15-5.000 m. Hệ thống có thể mang theo tới 48 tên lửa TKB-10-55, cung cấp hỏa lực quan trọng để xử lý bầy UAV.
Một máy phát điện diesel được lắp trên khung phía sau bệ phóng, cung cấp cho hệ thống khả năng hoạt động độc lập.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã mở rộng cơ sở hạ tầng phòng không của mình, bao gồm xây dựng các bờ kè và tháp kiên cố, và tái triển khai nhiều hệ thống Pantsir khác nhau để tăng cường phòng thủ ở khu vực Moscow.
Tính nhỏ gọn của Pantsir-SMD-E cho phép hệ thống được lắp đặt trên mái các tòa nhà nhà nước, chẳng hạn như trụ sở Bộ Quốc phòng ở Moscow, và thay thế các hệ thống Pantsir hiện có đang được triển khai trên các tháp Pantsir.
"Dòng hệ thống Pantsir liên tục được cải tiến và mở rộng. Pantsir-SMD-E mới được thiết kế để bảo vệ các vật thể cố định khỏi vũ khí tấn công từ trên không, bao gồm cả các cuộc tấn công bằng UAV cỡ lớn", ông Bekkhan Ozdoyev, thành viên của Cục Kỹ sư cơ khí Nga và giám đốc công nghiệp của cụm vũ khí thuộc Tập đoàn Rostec, cho biết.
"Để chống lại các mục tiêu này, hệ thống có thể mang theo 48 tên lửa tầm ngắn. Đây là loại đạn dược hiệu quả và không tốn kém, có khả năng bảo vệ đáng tin cậy chống lại UAV cỡ nhỏ", ông Ozdoyev nói, đồng thời kết luận rằng, nói theo nghĩa bóng, Pantsir-SMD-E giúp tránh tình huống "giết gà bằng dao mổ trâu".
Minh Đức (Theo Army Recognition, Interesting Engineering)