Trung Quốc đang thực hiện một số sai lầm chiến lược nghiêm trọng trong quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đó là hy sinh lợi ích lâu dài của mình để chạy theo các mục tiêu ngắn hạn gây tổn hại đến quan hệ trong khu vực.
Nếu Trung Quốc muốn xây dựng bản thân trở thành một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm thì có lẽ quốc gia này đang đi sai hướng. Học giả Kishore Mahbubani từ trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng trong thời gian qua Bắc Kinh đang phá hoại một chất xúc tác quan trọng trong quá trình phát triển của chính quốc gia này - ASEAN.
Cần phải nói rằng sự trỗi dậy về kinh tế và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vươn lên tốp đầu trên thế giới trong vài năm qua được coi là một điều kỳ trong nền chính trị hiện đại.
Năm 1980 thị phần GDP toàn cầu của Trung Quốc chỉ chiếm 2%, trong khi Mỹ là 22%. Đến năm 2014, cường quốc châu Á đã vượt mặt cường quốc số một thế giới. Thông thường một sự chuyển tiếp như vậy thường đi kèm với sự cạnh tranh và xung đột. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn ý thức về sự trỗi dậy của mình đi theo hướng hòa bình, bên cạnh việc không giấu diếm ý định trở thành một quốc gia dẫn dắt kinh tế toàn cầu cũng như gìn giữ an ninh hòa bình.
Một phần trong sự thành công của Trung Quốc không thể nhắc đến tư tưởng của nhà cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình với nguyên tắc ngoại giao "giấu mình chờ thời" trong một thời gian dài.
Ông Đặng Tiểu Bình đã đưa ra phương châm “bĩnh tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời”, trong đó chỉ rõ tư tưởng cốt lõi: không thách thức bá quyền Mỹ và không thách thức hệ thống quốc tế. Trung Quốc sẽ giữ vị thế thấp của mình trước những vòng xoay trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên không từ bỏ lợi ích quốc gia.
Trong một khoảng thời gian dài tập trung nguồn lực cho tương lai, giờ đây giới quan sát nhận thấy Trung Quốc đã không còn sự kiên nhẫn của mình khi có những hành động ngang ngược trước các quốc gia Đông Nam Á cũng như Nhật bản trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trung Quốc tin rằng bản thân mình sẽ có sức ép và tầm ảnh hưởng lớn đến các quốc gia ASEAN bằng cách cố tình chia rẽ nội bộ tổ chức này nhằm bác bỏ thông cáo chung của ASEAN về Biển Đông trong năm 2012 và 2016.
Tuy nhiên nỗ lực của Bắc Kinh đã không thành công khi tuyên bố chung năm nay mặc dù không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA, nhưng lại chỉ rõ "yêu sách chủ quyền phi lý, các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc đã gây leo thang căng thẳng, làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Trung Quốc là một trong những trung tâm địa chính trị nổi bật trong thời đại ngày nay. Nhưng không giống như Mỹ và Nga, hành động của Trung Quốc thường không bắt nguồn từ sự bộc phát cảm xúc. Mà ngược lại yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" ở Biển Đông là một mục tiêu cố hữu, có chiến lược rõ ràng của quốc gia này, bất chấp việc nó đi ngược lại lợi ích toàn cầu.
Trung Quốc hiện đang kiểm soát phần lớn lưu lượng thương mại thế giới kể từ năm 2014. Với việc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, hàng hóa của Trung Quốc từ chiếc bàn chải đánh răng đến chất tẩy rửa đều có mặt ở những nơi xa xôi như châu Phi hay Mỹ Latin trong kỷ nguyên tự do hàng hải.
Đứng trên góc độ của Trung Quốc, việc Mỹ tôn trọng các tuyến đường biển quốc tế đã vô tình mang đến cho nền kinh tế nước này một ân huệ to lớn.
Các tuyến hàng hải đã tạo điều kiện nâng giá trị thương mại toàn cầu của Trung Quốc tăng lên gấp 4 lần từ 600 tỷ USD trong năm 2004 lên 2,2 nghìn tỷ trong năm 2015.
Tuy nhiên, trong thập kỷ này, khi sự phụ thuộc vào tự do hàng hải trên các đại dương gia tăng, Trung Quốc đã ưu tiên lợi ích khu vực trước lợi ích toàn cầu bằng việc chiếm đoạt và kiểm soát đại dương thành của riêng mình.
Yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" ở Biển Đông đã không được nhắc đến trong nhiều thập kỷ, bất ngờ nổi lên trong ý thức công chúng Trung Quốc vài năm trở lại đây và các phương tiện truyền thông nước này bắt đầu bảo vệ nó một cách mù quáng.
Để bảo vệ cái gọi là lợi ích quốc gia, Trung Quốc biến tuyến đường thủy quốc tế trở thành "ao làng" với những luật lệ của riêng mình.
Học giả Wei Zongyou từ Đại học Fudan, Trung Quốc từng đưa ra lời kêu gọi khôn ngoan rằng: để tránh cái bẫy hàng hải gây hại cho lợi ích thực sự của Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia khác, Trung Quốc nên có những bước đi lâu dài và thực hiện các bước để giảm leo thang căng thẳng".
Chính phủ Trung Quốc đã không quyết định rời bỏ ASEAN mà ngược lại còn muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN. Tuy nhiên, hành động mà Bắc Kinh lựa chọn lại đang làm suy yếu đi mối quan hệ đang ngày một lung lay với tổ chức này.
Trong quá khứ, đã không ít lần Trung Quốc bị cô lập trước các cường quốc trên thế giới, ASEAN vẫn dang đôi tay kề vai sát cánh. Những năm 2000, ASEAN đáp ứng một cách nhiệt tình trước các sáng kiến hợp tác kinh tế nâng cao của Bắc Kinh, cũng như ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO.
Trung Quốc cũng từng đặc biệt coi trọng ASEAN khi khiến cả thế giới choáng váng với việc trở thành cường quốc kinh tế lớn đầu tiên đề xuất một thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN, tiền đề cho các nước lớn khác đi theo.
Trung Quốc thể hiện sự hào phóng trong các chương trình viện trợ cũng như cam kết tăng cường cơ sở hạ tầng cho ASEAN. Kết quả là, cả hai từng có mối thịnh tình đáng nhớ với nhau trong suốt nhiều năm.
ASEAN đã phản ứng tích cực với sự hào phóng của Trung Quốc khi trở thành chất xúc tác cho sự vươn mình của Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực nổi bật.
Có thể nói, nếu không có một phần ảnh hưởng từ ASEAN, sự lớn mạnh của Trung Quốc sẽ không thể có được như ngày hôm nay.
Trung Quốc phải cảm thấy mừng khi Đông Nam Á luôn là một khu vực yên bình, không có những mâu thuẫn quá lớn giống như một số điểm nóng khác trên thế giới.
Bắc Kinh có thể nhìn bài học từ nước Nga xa xôi khi quốc gia này bị cuốn vào những những thách thức ở Ukraine và Syria. Nếu Đông Nam Á cũng rối ren như Trung Đông, Trung Quốc sẽ không tránh khỏi việc bị tổn hại cũng như khó có thể phát triển được như ngày nay.
Thay vào đó, ASEAN đã tạo ra một "ốc đảo địa chính trị" giúp duy trì hòa bình ở Đông và Nam Á. Các cuộc họp ASEAN hàng năm cung cấp nền tảng địa chính trị an toàn, ổn định và đầy cởi mở cho các cường quốc khu vực có thể thảo luận thường xuyên.
Bất cứ khi nào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản gặp trở ngại, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đều có những cuộc họp chính thức như một phần nỗ lực giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước.
Do đó ASEAN là một chất xúc tác quan trọng cho những thập kỷ hòa bình mà chúng ta đang được tận hưởng trong khu vực. Đã đến lúc Trung Quốc cần tính toán lại lợi ích của mình trong mối tương quan với ASEAN. Hoặc bảo vệ yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn "mà Trung Quốc gọi là 'lợi ích cốt lõi" của mình. Hoặc tiếp tục hòa chung với sự thành công của ASEAN như một tổ chức khu vực thúc đẩy nền hòa bình và thịnh vượng.
Câu trả lời gần như đã rõ ràng. Những gì mà Trung Quốc hành động với ASEAN gần đây thực sự là điều khó hiểu. Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho chính lợi ích riêng của nước này bằng việc phá hoại sự đoàn kết của ASEAN.
Điều này đối lập với việc các nhà lãnh đạo của Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh rằng đất nước họ vẫn chưa tiệm cận đến mức độ phát triển hiện đại. Mức thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ bằng 25% so với Mỹ. Và thực sự Trung Quốc vẫn cần một vài thập kỷ hòa bình hơn để hoàn thành được kế hoạch và mục tiêu của mình.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đúng khi ông kêu gọi người dân Trung Quốc phải kiên nhẫn. Ông đã đúng khi nói rằng các vấn đề tranh chấp lãnh thổ nên được để lại cho thế hệ tương lai, cũng như các vấn đề về Biển Đông cần gác lại bên lề. Lợi ích lớn hơn của Trung Quốc chỉ thu được khi có sự đồng nhất với khu vực trong việc thúc đẩy sự phát triển hòa bình và hướng tới cùng nhau phát triển.
Quốc Vinh