Trong những tháng qua, giao tranh ở Ukraine đã thu hẹp xuống một số điểm chính, chủ yếu ở các vùng phía Đông. Cuộc xung đột không trở nên bớt căng thẳng hơn mà đã trở thành một thế bế tắc đẫm máu. Một trong những trận chiến chính hiện đang diễn ra xung quanh thành phố Bakhmut ở miền Đông.
Quân đội Nga và “các lực lượng hỗ trợ”, bao gồm Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, đã đạt được một số tiến bộ trong việc bao vây Bakhmut. Sau khi giành được thị trấn nhỏ lân cận Soledar, quân đội của Moscow tiếp tục tiến lên trong nỗ lực bao vây thành phố, tấn công từ phía Bắc, Đông và Nam, đặc biệt tập trung vào các tuyến tiếp tế chính của thành phố.
Nhưng thế bế tắc này sẽ không kéo dài. Cả 2 bên đang chuẩn bị cho một loạt các cuộc tấn công và phản công mùa xuân vốn đã được thông báo rộng rãi.
Ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập Tập đoàn Wagner, hôm 12/2 tuyên bố rằng lực lượng của ông đã giành được ngôi làng Krasna Hora ở rìa phía Bắc của thành phố Bakhmut.
Vị doanh nhân Nga cũng công bố một đoạn video ngắn, dường như cho thấy các chiến binh Wagner ở biển báo lối vào làng Krasna Hora, nơi có dân số trước giao tranh là 600 người.
Nga đẩy lùi chiến tuyến về phía Tây
Quân đội Nga đã tiến được 2 km (1,24 dặm) về phía Tây trong 4 ngày, dọc theo tiền tuyến ở Ukraine, hãng thông tấn Interfax đưa tin hôm 13/2, trích dẫn một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.
“Các quân nhân Nga đã phá vỡ sự kháng cự của kẻ địch và tiến sâu hơn vài km vào tuyến phòng thủ của đối phương”, tuyên bố cho biết. “Trong 4 ngày, chiến tuyến đã di chuyển 2 km về phía Tây”.
Không có thông tin chi tiết về phần nào của chiến tuyến rộng lớn, bao gồm một số khu vực của Ukraine ở phía nam và phía đông của đất nước, đã di chuyển. Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường.
Một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong những tháng gần đây đã diễn ra ở khu vực Donetsk, nơi quân Nga đang tìm cách giành quyền kiểm soát hoàn toàn từ tay quân Ukraine.
Tướng Valeriy Zaluzhnyi, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết hôm 11/2 rằng quân đội Ukraine đã tổ chức phòng thủ dọc theo tiền tuyến ở Donetsk, và ở một số khu vực đã giành lại được các vị trí đã mất trước đó.
Ukraine tích cực ổn định tiền tuyến ở Donetsk
Trong một bài đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm 11/2, ông Zaluzhnyi cho biết, các lực lượng Ukraine đang trấn giữ dọc tiền tuyến ở Donetsk – bao gồm cả thị trấn Bakhmut – đang bị bao vây, trong khi các trận chiến diễn ra khốc liệt ở các thành phố Vuhledar và Maryinka lân cận.
Nga thực hiện gần 50 cuộc tấn công mỗi ngày ở khu vực Đông Nam Donetsk, trong khi các lực lượng Ukraine tiếp tục giữ Bakhmut và đang cố gắng “ổn định” chiến tuyến xung quanh thị trấn, theo ông Zaluzhnyi.
“Chúng tôi tổ chức phòng thủ vững chắc. Ở một số khu vực của mặt trận, chúng tôi đã giành lại được các vị trí đã mất trước đó”, vị chỉ huy quân sự hàng đầu của Kiev nói nhưng không cung cấp chi tiết về các địa điểm.
Thương vong trong quân đội Nga ở Ukraine
Trong một báo cáo gây chấn động hôm 12/2, tình báo Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga đã trải qua số thương vong cao nhất trong 2 tuần qua so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi cuộc xung đột toàn diện với Ukraine nổ ra gần một năm trước.
Hầu hết các cuộc giao tranh ác liệt trong những tuần gần đây diễn ra xung quanh thành phố Bakhmut, vùng Donetsk – một trong hai khu vực hợp thành Donbass.
Trong khi Điện Kremlin không cung cấp chính xác dữ liệu về thương vong trong quân đội Nga ở Ukraine, tình báo phương Tây hiện tuyên bố rằng Nga đang có gần 200.000 thương vong, cao gấp 8 lần so với tất cả thương vong của Mỹ ở Afghanistan trong 2 thập kỷ.
Thiếu quân nhân được đào tạo và thiết bị lỗi là 2 trong số các lý do khiến Nga hứng chịu tổn thất về binh sĩ ngày càng tăng.
Ba Lan nói về chuyển giao tiêm kích
Trong khi Kiev đang kêu gọi phương Tây nhanh chóng gửi máy bay chiến đấu để chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Nga, mà họ nói sẽ bắt đầu rất sớm, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda báo hiệu rằng nước ông có thể sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu phương Tây cho Ukraine.
“Quyết định về việc chuyển giao bất kỳ loại máy bay phản lực nào, bất kỳ chiếc F-16 nào, ra bên ngoài Ba Lan là một quyết định rất nghiêm túc, và đó không phải là điều dễ dàng đối với chúng tôi”, ông Duda nói với Đài BBC Trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/2.
Ba Lan là một trong những đồng minh thân cận nhất của Ukraine và nước này nhận thức sâu sắc về kho vũ khí của chính mình. Lưu ý rằng Ba Lan hiện có ít hơn 50 máy bay phản lực, ông Duda cho biết “điều này đặt ra vấn đề nghiêm trọng nếu chúng tôi chuyển giao dù chỉ một phần nhỏ trong số đó, bởi vì tôi không ngần ngại nói rằng số máy bay phản lực chúng tôi có còn chưa đủ dùng”.
Ngoài ra, trong mọi trường hợp, ông Duda cho biết rằng bất kỳ quyết định nào về gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine “dù sao cũng cần có quyết định của Đồng minh (NATO), điều đó có nghĩa là chúng tôi phải đưa ra quyết định chung”.
Anh cho phép sản xuất vũ khí ở Ukraine?
Vũ khí và phương tiện quân sự của Anh có thể được cấp phép sản xuất tại Ukraine, giúp giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào nguồn cung vũ khí từ các đồng minh phương Tây, tờ Telegraph (Anh) đưa tin hôm 12/2.
Tờ Telegraph cho biết, các giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp quốc phòng của Anh đã tới Kiev để thảo luận về kế hoạch thành lập các liên doanh sản xuất vũ khí và phương tiện tại địa phương.
Các nhà sản xuất từ các quốc gia châu Âu khác cũng đang thảo luận với Ukraine, tờ báo Anh cho biết, trích dẫn một giám đốc điều hành nói rằng có một cuộc chạy đua để đưa Anh “lên đầu hàng”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới London và Paris hôm 8/2 để kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí để giúp nước ông đẩy lùi quân đội Nga, bao gồm máy bay chiến đấu hiện đại và vũ khí tầm xa hạng nặng.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói với ông Zelensky rằng “không có gì loại trừ” khi nói đến việc cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine để chiến đấu với Nga, sau khi ông công bố kế hoạch bắt đầu đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu tiêu chuẩn NATO.
Tuy nhiên, các nước phương Tây cho đến nay vẫn từ chối cung cấp máy bay phản lực hoặc vũ khí có thể tấn công sâu vào bên trong nước Nga.
Đáp lại, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời Đại sứ quán Nga tại Anh cảnh báo rằng bất kỳ động thái chuyển giao máy bay chiến đấu nào của Anh cho Ukraine sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị.
Tờ Telegraph cho biết, bất kỳ liên doanh nào giữa một nhà sản xuất quốc phòng và Ukraine đều có thể cần sự chấp thuận của chính phủ Anh, và một động thái như vậy sẽ càng khiến Moscow phản đối.
Văn phòng báo chí của ông Sunak tại Số 10 Phố Downing từ chối bình luận về bài viết của Telegraph. Bộ Quốc phòng Anh cũng từ chối bình luận.
Áo sẽ không từ chối khí đốt Nga giá rẻ?
Chính phủ Áo được cho là đang do dự trong việc ngăn sự trở lại của khí đốt giá rẻ từ Nga sang quốc gia Trung Âu này.
Áo nằm trong số ít quốc gia phụ thuộc nặng nề vào khí đốt Nga. Thời điểm Điện Kremlin phat động chiến dịch quân sự ở Ukraine gần 1 năm trước, 80% lượng khí đốt chảy vào thị trường khí đốt của Áo được cung cấp bởi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom, do Áo có lịch sử lâu đời về các thỏa thuận khí đốt với Nga.
Có thời điểm, Gazprom cung cấp chưa đến 30% khối lượng mà công ty năng lượng lớn OMV của Áo đã ký hợp đồng. Khi việc dòng chảy khí đốt này được khôi phục hoàn toàn trở lại ở mức 100%, đã xuất hiện những lời kêu gọi chính phủ Áo can thiệp để hạn chế Nga tài trợ cho chiến dịch ở Ukraine thông qua việc bán khí đốt.
“OMV có hợp đồng lâu dài với Liên bang Nga”, Thủ tướng Áo Karl Nehammer nói với Đài ZIB 2 hôm 10/2.
“Nếu người Nga tiếp tục giao hàng, thì tôi không thể cấm OMV thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng”, Thủ tướng Áo cho biết, đề cập đến luật sung công.
Không giống như Đức, quốc gia từng là khách hàng lớn nhất của khí đốt Nga và là đồng minh của Áo trong việc chống lại lệnh cấm vận khí đốt trên toàn EU, Áo đang quay trở lại phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Hồi tháng 12/2022, khoảng 70% khí đốt ở Áo đến từ Nga, theo dữ liệu từ cơ quan quản lý E-Control. Áo đã chi 7 tỷ Euro để mua khí đốt Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, theo đảng tự do NEOS.
Ông Nehammer nói rằng việc hạn chế lượng khí đốt của Nga chảy vào Áo có nghĩa là “OMV sẽ vi phạm hợp đồng”. Ông nói thêm rằng chính phủ Áo sở hữu 31,5% cổ phần của công ty, do đó, làm như vậy sẽ dẫn đến thiệt hại cho chính phủ.
“Đó là vấn đề đảm bảo tài sản của nhà nước và duy trì các hợp đồng hiện có càng lâu càng tốt”, ông cho biết.
Minh Đức (Theo Reuters, DW, Politico.eu, Euractiv)