Liên quan tới việc cấp đổi thẻ BHYT năm 2018 cho học sinh, người lao động trên địa bàn TP.Hà Nội, nhiều người thông tin rằng, thẻ của họ bị in sai, nhầm thời gian tham gia BHYT liên tục 5 năm. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đây là trục trặc kỹ thuật trong quá trình đồng bộ dữ liệu. BHXH Hà Nội đã phát hiện ra sai sót và đang nỗ lực sửa trong thời gian sớm nhất, theo phương châm ưu tiên quyền lợi của người bệnh và người mua thẻ BHYT.
Hiện tại, các cơ quan chuyên môn vẫn đang tập hợp số liệu thẻ in nhầm đó nhưng chưa có con số cụ thể.
Cũng theo ông Sơn, mặc dù thẻ in sai, in nhầm nhưng với người tham gia BHYT đã đủ 5 năm liên tục, vẫn được đảm bảo quyền lợi. Khi đi khám chữa bệnh, họ có nhiều cách để chứng minh thời hạn tham gia bảo hiểm của mình.
“Trong trường hợp chủ động, người tham gia bảo hiểm còn giữ thẻ cũ, có thể đưa ra. Hoặc cũng có thể yêu cầu cơ quan BHXH ở tuyến quận, huyện hay tuyến tỉnh, TP tra giúp”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, ông Sơn khẳng định, dù được báo cáo ban đầu số lượng in sai không nhiều nhưng vẫn yêu cầu phải thống kê, có văn bản gửi BHXH các tỉnh, thành, hỗ trợ bệnh viện, người bệnh, tra cứu cho họ thời gian tham gia BHYT liên tục 5 năm nhằm đảm bảo quyền lợi.
Theo đó, việc đổi thẻ, người tham gia BHYT có thể thực hiện ở bất cứ chỗ nào, có thể tới BHXH của quận, huyện và yêu cầu đổi thẻ. Nhưng thực tế, điều ấy cũng không cần thiết vì phía BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH Hà Nội phải rà soát lại và in, cấp thẻ mới, gửi qua đường bưu điện tới tận tay người tham gia.
“Phía bảo hiểm sẽ phải tự làm điều đó. Khi BHXH Hà Nội có thông báo, ai có nhu cầu đổi thẻ thì tới BHXH quận, huyện đề nghị đổi, tôi đã phê bình. Bởi lẽ, mình sai, dù sai vì bất cứ lý do gì, có thể do dữ liệu chưa đồng bộ, do phần mềm, do chủ quan… nhưng trước khi in ra, người làm công tác bảo hiểm phải có kiến thức để thấy sự vô lý và phải xem lại”, ông Sơn nói.
Về phía BHXH Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc BHXH Hà Nội cũng cho biết, việc sai như trên, nguyên nhân là do dữ liệu chưa đồng bộ.
Sau thông tin phản ánh có sai sót khi in thẻ BHYT cho người lao động, học sinh tại một số trường học trên địa bàn, BHXH TP đã có công văn gửi các quận, huyện về việc rà soát trước khi cấp thẻ BHYT. Sau khi rà soát, nếu phát hiện cấp thẻ BHYT chưa đúng, thực hiện cấp lại thẻ BHYT ngay, in rồi thông qua bưu điện chuyển tới doanh nghiệp, nhà trường, không yêu cầu người tham gia đến trụ sở BHXH các quận, huyện để đổi lại.
“Tuy nhiên, nếu cá nhân nào lên BHXH để đổi thì các bộ phận chức năng sẽ tiếp nhận và xử lý, cấp thẻ mới. Hiện nay, BHXH Hà Nội đang tập trung khắc phục tối đa lỗi in sai này”, ông Hòa nói.
Trường hợp học sinh, người lao động phải nhập viện đúng thời điểm rà soát lại thẻ BHYT, BHXH TP.Hà Nội đã chỉ đạo các giám định viên tại bệnh viện đăng ký khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn, phối hợp với người nhà bệnh nhân để giải quyết, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
“Trách nhiệm cơ quan BHXH sẽ xử lý để không còn bất cứ trường hợp nào đã tham gia đủ 5 năm liên tục mà không được hưởng quyền lợi theo luật”, ông Hòa trao đổi.
Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết thêm, mỗi cá nhân đều có thể tra cứu được thông tin về ngành nghề làm việc, mức hưởng BHYT, nơi sinh sống và bệnh viện đăng ký điều trị... trên hệ thống thông tin giám định BHYT.
Kết quả sau khi nhập thông tin về cá nhân sẽ cho thông số về thời hạn sử dụng thẻ, thời gian cấp thẻ và các quyền lợi chủ thẻ BHYT được hưởng khi khám chữa bệnh.
Nguyễn Huệ