Trong bộ phim hợp tác Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ mới đây - “The Ottoman Lieutenant” (2017), mô tả lại thời kỳ Thế chiến thứ nhất - một sĩ quan Ottoman đã bí mật xâm nhập vào thành trì bị quân đội Nga chiếm đóng.
Ở đó, nhân vật này nhìn thấy hàng loạt binh lính Nga đang trong tình trạng say xỉn, những người thậm chí không thể đứng thẳng được người vì chếnh choáng.
Ấn tượng như vậy về quân đội Nga là phổ biến trong các bộ phim Hollywood, nhưng lại hoàn toàn khác xa với thực tế và logic đơn giản: Làm thế nào quân đội Nga có thể chiến đấu hiệu quả, chiếm được các thành trì của kẻ thù và giành chiến thắng nếu họ là một nhóm người say rượu vô kỷ luật?
Cần phải thừa nhận rằng, rượu luôn đóng một vai trò quan trọng trong nền hóa Nga và trong quân đội cũng vậy. Nhưng nó không bao giờ (trừ thời đại cách mạng) tác động đến khả năng của quân đội Nga trong việc trở thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả, theo tờ RBTH.
Rượu – phương thuốc thần kỳ?
Rượu không bị cấm trong quân đội Nga vào thế kỷ 18. Ngược lại, hồi đó, đồ uống có cồn được coi là phương tiện hữu hiệu nhất để chống lại bệnh tật và dịch bệnh, cũng như đói và cảm lạnh.
Mỗi người lính hàng ngày có hai chén rượu (có thể là vodka): một vào buổi sáng, một vào buổi tối. Bên cạnh đó, người lính còn có khẩu phần bao gồm ba lít bia. Đối với các đơn vị quan trọng, một người lính có thể có thêm một phần rượu khác.
Tuy nhiên, Hoàng đế Nga không bao giờ cho phép quân đội của mình bị mắc kẹt trong vòng xoáy say rượu. Những người lính say xỉn bị trừng phạt bằng đòn roi và các sĩ quan chìm trong men say có thể bị giảm cấp bậc.
Không chỉ có “gậy” mà còn có cả “cà rốt”. Ngoài kỷ luật nặng, một người lính từ chối phần rượu của mình sẽ được thưởng bằng cách tăng lương.
Vào thế kỷ 19, rượu trong quân đội Nga có mối liên hệ mật thiết với kỵ binh, những người được biết đến với lối sống khoáng đạt, phóng túng. Người ta tin rằng họ thường mở rượu sâm banh bằng cách dùng kiếm cắt cổ chai.
Trong thời bình, kỵ binh uống rượu sâm banh và chuyển sang vodka khi các chiến dịch quân sự bắt đầu. Họ thậm chí còn cho những con ngựa của mình ướt đẫm vodka để làm giảm nỗi sợ hãi cho chúng trước khi tấn công. Tuy nhiên, hình ảnh một kỵ sĩ say rượu lao vào cuộc chiến cũng thường xuyên được nhìn thấy.
Chống nghiện rượu
Vào đầu thế kỷ 20, y học đã phát triển đến một mức độ đáng kể và phản đối việc coi rượu là một phương thuốc. Nhà nước bắt đầu chống lại sự phụ thuộc vào rượu trong quân đội: những người lính chỉ nhận được ba tách rượu mỗi tuần và các nỗ lực đã được thực hiện để thay thế rượu bằng đồ uống truyền thống của Nga như kvass và sbiten.
Trong Thế chiến I, rượu đã bị cấm ở Đế quốc Nga. Hành động này không được những người lính Nga chào đón nồng nhiệt. Họ đã tìm kiếm kho rượu của kẻ thù trong các cuộc tấn công hoặc sử dụng “eau de cologne” để thay thế, dẫn đến nhiễm độc hàng loạt.
Dần dần, chiến dịch chống tác hại của rượu bắt đầu cho kết quả, với mức tiêu thụ rượu bia nói chung giảm ở Nga. Tuy nhiên, cuộc cách mạng năm 1917 đã khiến thành quả sụp đổ. Quân đội khi đó rơi vào tình trạng say xỉn vô tổ chức và hình ảnh người lính Nga say rượu in hằn trong suy nghĩ của nhiều người kể từ đó.
Tình trạng nghiện rượu không được kiểm soát đã biến mất trong giai đoạn Nội chiến Nga. Không có chỗ cho kẻ nghiện rượu trong Hồng quân.
Trong Chiến tranh Mùa đông giữa Liên Xô và Phần Lan, tình hình đã thay đổi. Chính ủy Quốc phòng Nhân dân (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) Kliment Voroshilov đã ra lệnh cung cấp các phần vodka hàng ngày (100 gram) cho những người lính để nâng cao tinh thần chiến đấu của họ.
Truyền thống “100 gram từ Chính ủy Nhân dân” vẫn được tiếp tục trong giai đoạn quan trọng đầu tiên của cuộc chiến chống lại Đức quốc xã.
Tuy nhiên, chính quyền không muốn những người lính Liên Xô nghiện rượu. Năm 1942, việc phân phối vodka cho binh lính thông thường đã ngừng lại. Chỉ có một số binh linh đặc thù bao gồm cả phi công và công nhân hậu phương là được giữ lại phần rượu.
Rượu cũng được trao cho các binh sĩ trước khi tấn công, nhưng những người khác phải chờ đế các ngày lễ lớn để nhận 100 gram.
Bất kỳ ai uống quá nhiều rượu đều có thể phải đối mặt với hình phạt nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, các quân nhân say rượu đã bị tước cấp bậc và được đưa đi cải tạo.