Những vụ tố cáo lừa đảo vô tiền khoáng hậu
Mọi lùm xùm bắt đầu khi chị Nguyễn Thị Hà (trú tại số 11/40/72 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) làm đơn tố cáo một nữ cán bộ công an vay nợ của mình gần 2 tỷ đồng rồi bỗng nhiên biến mất. Được biết, trước đó, chị Hà có quen biết với bà Nguyễn Thị Thanh H. (nguyên là sỹ quan công an TP. Hải Phòng, SN 1957).
Sau thời gian quen biết, bà H. có đặt vấn đề vay tiền chị Hà nói là để thực hiện dự án tại xã Bắc Sơn (quận Kiến An) và tại huyện An Dương cho ngành công an. Để vay được tiền, bà H. đã đưa thẻ ngành công an cho chị Hà giữ. Theo chị Hà, từ đầu tháng 1/2011 đến tháng 8/2011, bà H. đã đến vay tổng cộng số tiền là 1.617.000.000 đồng.
Lấy tấm thẻ để tạo dựng lòng tin, các đối tượng đã vay hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Đến thời hạn trả tiền, khi chị Hà gọi điện yêu cầu nữ sỹ quan công an trả tiền thì điện thoại đã không còn liên lạc được. Lặn lội đến tận nhà đòi nợ, chị Hà ngã ngửa khi người dân kháo nhau rằng, căn hộ của bà H. đã bị các chủ nợ khác siết. Thì ra, ngoài chị Hà, nữ sỹ quan công an còn vay tiền của rất nhiều người khác. Cho rằng mình bị lừa, chị Hà làm đơn tố cáo lên công an TP.Hải Phòng.
Ngày 26/8/2013, Thanh tra bộ Công an đã kiểm tra xác minh và có văn bản chỉ đạo, giao cho Giám đốc CATP. Hải Phòng thực hiện kiểm tra thu hồi giấy chứng nhận CSND, ANND và các phương tiện công tác, chiến đấu của số cán bộ của CATP Hải Phòng đã nghỉ hưu, nhưng chưa nộp lại theo quy định của Bộ (trong đó có trường hợp của đ/c Nguyễn Thị Thanh H.). Tuy nhiên, đến nay, vụ việc vẫn chưa có kết quả.
Khi vụ việc trên còn đang khiến người dân cảm thấy bất ngờ thì một vị cán bộ tỉnh bị người dân "tố", "cắm" thẻ Đảng để lừa đảo gần chục tỷ đồng. Người vướng vào lùm xùm này là bà Nguyễn Thị Bích Anh, chuyên viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình. Trao đổi với PV, vợ chồng ông bà Đỗ Bằng Việt, Phạm Thị Tâm (phường Phương Lâm, TP.Hòa Bình) than thở: "Cô ta "cắm" cả thẻ Đảng viên lại làm tin thì còn gì phải nghi ngờ. Không ngờ cô ta lại là người như thế".
Theo lời kể của bà Tâm, vào đầu năm 2008, ở Hòa Bình rộ lên phong trào thu gom sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) "chạy" lập dự án trồng rừng. Một hôm, Bích Anh đến nhà ông bà đặt vấn đề vay tiền để "chạy" dự án trồng rừng với những lời như "rót mật vào tai".
Bích Anh thủ thỉ rằng, đang triển khai dự án trên địa bàn toàn tỉnh, có nguồn vốn vay từ nước ngoài nên cần một khoản tiền để làm thủ tục xin vay. Do bà Bích Anh là cán bộ Nhà nước, đang công tác nên việc đi vay tiền không tiện. Chính vì thế nhờ bà Tâm vay giúp, lãi suất 2%/tháng. Vị chuyên viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy hứa rằng chỉ sau 1 - 2 tháng, khi có tiền dự án sẽ thanh toán đầy đủ. Sau đó, bà Bích Anh lôi ra hai chiếc thẻ Đảng viên đặt lên bàn để bà Tâm giữ làm tin.
Giữ hai chiếc thẻ Đảng viên làm tin, hai vợ chồng bà Tâm huy động tất cả số tiền tích cóp, tiết kiệm dành dụm được của gia đình rồi "cắm" sổ đỏ và ngôi nhà này để vay tiền ngân hàng. Ngoài ra, còn vay thêm của anh em họ mạc, bạn bè, tất cả được 6.413.000.000 đồng rồi không ngần ngại đưa cho bà Bích Anh.
Đến hạn, vợ chồng bà Tâm dài cổ ngóng nhưng không thấy Bích Anh trả tiền, vợ chồng ông, bà Việt - Tâm tìm gặp Bích Anh thì đều được hứa rất "ngọt ngào" và viết giấy khất nợ, giấy cam kết trả nợ. Sau này, do không trả được lãi ngân hàng, vợ chồng bà Tâm phải làm đơn tố cáo vị chuyên viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gửi cơ quan cảnh sát Điều tra (bộ Công an). Được biết đến nay, khi hai "nạn nhân" của vụ dùng thẻ Đảng viên cắm vay nợ này đang đối diện với cảnh bị ngân hàng siết nhà thì bà Bích Anh đã rời khỏi địa phương.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Người dân còn biết tin ai?
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng tỏ ra vô cùng lo lắng. Trung tướng chia sẻ: "Bất kỳ một cán bộ công chức Nhà nước nào cũng phải gương mẫu, tích cực thực hiện theo Nghị quyết TW4, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc làm của hai cá nhân trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành công an và Đảng viên. Bất kỳ một cán bộ của Nhà nước, dù ở cấp bậc nào cũng không được vi phạm vào những vấn đề đó.
Ông Thước cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý của các cán bộ đó cũng cần phải có sự quản lý chặt chẽ, đừng để cho nhân viên lợi dụng chức vụ mà vi phạm, làm mất thanh danh của Đảng và Nhà nước, mất niềm tin của nhân dân. Đó là những con sâu làm rầu nồi canh. Những cá nhân xấu làm ảnh hưởng đến hình ảnh của tập thể cần phải bị xử lý nghiêm khắc. Cho nên, các tổ chức cần phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ và giáo dục cán bộ công chức của mình. Cán bộ công chức là phải phục vụ nhân dân chứ không phải lợi dụng vị trí của mình mà thực hiện các mục đích quyền lợi cá nhân bất chính.
Lo ngại khi thấy ngày càng có nhiều công chức lợi dụng vị trí của mình để mưu lợi cá nhân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đặt câu hỏi: Nếu cứ để tiếp tục xảy ra những vụ việc như trên thì người dân còn biết tin ai? Người dân cũng vì lòng tin đối với những người cán bộ mà đem tiền ra cho vay. Nhưng cán bộ vay được tiền rồi lại bỏ trốn.
Vốn dĩ, cán bộ công chức xuất hiện ở đâu thì người dân thấy đó là điểm sáng, là một nơi để họ nương tựa, để phát huy những điều tốt, chống lại những điều xấu. Những cán bộ sai trái như trên không đủ tư cách để làm một công dân chứ chưa nói gì đến làm công chức Nhà nước. Người công dân làm như thế đã sai rồi mà công chức, nhân danh người của Nhà nước mà đi lừa đảo lấy hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn như thế thì không thể chấp nhận được. Cần phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ những hành vi sai trái ấy.
Hoàn toàn có thể khởi tố nếu đủ chứng cứ Trao đổi với PV về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Túy (đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định: Theo quan điểm của tôi, đối với những người đang đương chức, việc dùng thẻ ngành đi cắm, vay nợ rồi bỏ trốn sẽ bị khép vào tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Khung phạt cao nhất của tội này là chung thân nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này. Còn đối với những người đã ra khỏi ngành, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét khởi tố đối tượng về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. |
Chương - Hạnh