Bầu cử Pháp: Đường đua dành cho hai ‘thái cực’ Le Pen – Macron
Đầu tuần này, hai ứng viên đối lập Emmanuel Macron và Marine Le Pen đã lọt vào vòng bầu cử cuối cùng với tỷ lệ vượt trội. Cụ thể, ông Emmanuel Macron - cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp và là người theo đường lối trung dung, đã giành được 23,9% số phiếu ủng hộ. Còn nữ ứng viên cực hữu Marine Le Pen giành được 21,4% số phiếu.
Cũng theo kết quả này, cựu Thủ tướng Francois Fillon giành được 19,96% phiếu bầu, còn nhà lãnh đạo phong trào cực tả Jean-Luc Melenchon được 19,49% số phiếu.
Theo Reuters, kết quả vòng bỏ phiếu ngày Chủ nhật là một thất bại lớn đối với hai nhóm trung tả và trung hữu đã thống trị chính trường Pháp trong 60 năm qua, đồng thời làm giảm đi triển vọng ngăn cản một cuộc bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) giống như Brexit của nước Anh.
Xem thêm: Bầu cử Pháp: So sánh hai 'thái cực' Le Pen - Macron
Triều Tiên gọi tàu sân bay Mỹ là 'động vật to béo', dọa đánh chìm bằng một cuộc tấn công
Khi Mỹ tuyên bố tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ được đưa tới bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng lên tiếng cảnh báo sẵn sàng đánh đắm tàu của Mỹ, trong bối cảnh các chiến hạm của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản tham gia tập trận quân sự cùng Mỹ ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương.
Rodong Sinmun, tờ báo của Đảng Lao động Triều Tiên, đã đưa ra cảnh báo với Mỹ và các đồng minh trong một bài bình luận: “Lực lượng cách mạng của chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu để đánh đắm con tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ chỉ trong một đợt tấn công duy nhất”.
Xem thêm: TT Trump phản ứng gì khi Triều Tiên dọa đánh chìm tàu sân bay?
Nga chi 700 triệu USD để nâng cấp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov
Nga vừa đồng ý chi 40 tỷ rúp, tương đương với khoảng 700 triệu USD, để nâng cấp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov với những tính năng được cải thiện. Công việc này sẽ bắt đầu vào tháng 9 năm nay, một nguồn tin quân sự nói với hãng thông tấn TASS của Nga.
Trong đợt sửa chữa này, Đô đốc Kuznetsov sẽ được sửa chữa 8 lò hơi nước và thay mới 4 lò khác. Đồng thời, tàu cũng được trang bị những hệ thống thông tin liên lạc, do thám, kiểm soát và tác chiến điện tử hiện đại.
Một điểm đáng chú ý trong đợt nâng cấp này là tàu Đô đốc Kuznetsov sẽ được trang bị hệ thống tên lửa phức hợp Kalibr thay thế cho tên lửa Granit cũ.
Xem thêm tại đây.
TT Trump nói gì với ông Tập trong điện đàm về Triều Tiên?
Ngày 24/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các bên kiềm chế vấn đề Triều Tiên trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi Nhật Bản đang tiến hành tập trận với nhóm tàu sân bay Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng, Trung Quốc phản đối mọi hành động đi ngược với Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Cùng với đó, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên nên tránh các hành động làm trầm trọng thêm tình hình đang căng thẳng hiện nay.
Vấn đề hạt nhân chỉ có thể được giải quyết nhanh chóng khi các bên liên quan cùng thống nhất mục tiêu và Trung Quốc sẵn sàng làm việc với tất cả các bên, kể cả Mỹ để mang lại hòa bình, ông Tập Cận Bình cho hay.
Triều Tiên sẽ điêu đứng nếu Trung Quốc cắt dầu trong 12 tuần?
Theo AP, kể từ 21/4, người sử dụng ô tô ở Thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên đang đổ xô đi đổ xăng do các trạm xăng bắt đầu giới hạn dịch vụ, thậm chí đóng cửa trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt xăng trầm trọng tại nước này.
Có thông tin cho rằng, các cây xăng khác thậm chí còn đóng cửa hoặc không bán cho người dân địa phương. Số lượng xe chờ đổ xăng xếp hàng dài hơn bình thường và giá xăng đã tăng lên 83% chỉ trong vòng 3 ngày.
Từ trước tới nay, Triều Tiên chủ yếu dựa vào nguồn cung nhiên liệu từ Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, có những thông tin nói rằng Bắc Kinh đang bắt đầu thắt chặt các lệnh trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng, buộc nước này từ bỏ việc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa.
Theo một số nguồn tin ngoại giao, hiện chưa rõ Trung Quốc đã cắt giảm nguồn cung hay chỉ mới đe dọa Bình Nhưỡng như vậy, nhưng giới phân tích cho rằng, nếu Triều Tiên không còn nhận được số lượng nguyên vẹn như trước từ Trung Quốc, thì những ảnh hưởng tiêu cực sẽ vô cùng lớn.
Xem thêm tại đây.
Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay tự đóng, gửi thông điệp đến Mỹ
Sáng ngày 26/4, Trung Quốc đã cho hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên tại nhà máy đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh. Đây là chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, tạm thời được đặt tên là Type 001A.
Tàu dài 315m, rộng 75m và có tốc độ 31 hải lý/giờ, độ giãn nước 70.000 tấn. Như vậy, tàu sân bay thứ hai lớn hơn một chút so với tàu Liêu Ninh. Trung Quốc bắt đầu phát triển Type 001A từ tháng 11 năm 2013 và đưa vào bến vào tháng 3 năm 2015.
Bắc Kinh chỉ mất 5 năm để sản xuất con tàu sân bay mới này. Dù cấu trúc khá giống tàu Liêu Ninh, nhưng Type 001A được trang bị những trang thiết bị vận hành hiện đại và những tính năng hoạt động tiên tiến hơn.
Xem thêm: [Infographic] So sánh tàu sân bay Trung Quốc với siêu tàu sân bay Mỹ
Âm mưu lật đổ 'siêu Tổng thống'tại Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu dẫn lời Bộ trưởng bộ Nội vụ Suleyman Soylu cho hay, ngày 26/4, nước này đã bắt giữ 1.009 người trong một chiến dịch truy quét lớn trên 81 tỉnh của đất nước.
Động thái trên được mô tả là một “bước đi quan trọng” của Chính phủ nhằm “hạ gục” phong trào của Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ.
Những người bị bắt giữ được cho là những “gián điệp” của ông Gulen và đã chỉ đạo những người thuộc lực lượng cảnh sát tiến hành âm mưu đảo chính vào hồi tháng Bảy năm ngoái.
Xem thêm tại đây.
Hàn Quốc mua thêm 2 hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo
Theo hãng thông tấn Yonhap ngày 26/4, kế hoạch mua 2 hệ thống radar cảnh báo tên lửa đạn đạo đã được thông qua tại cuộc họp thường niên về dự án mua sắm vũ khí, với sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo.
Hiện nay, quân đội Hàn Quốc đang sở hữu 2 hệ thống radar trên mặt đất Green Pine do Israel chế tạo. Tuy nhiên, Seoul muốn có thêm các hệ thống radar mới với phạm vi hoạt động tối đa lên tới hơn 800km để có thể phát hiện tốt hơn các tên lửa đạn đạo phóng từ Triều Tiên.
Xem thêm tại đây.
Lý do bà Merkel tới thăm ông Putin vào tháng 5
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi (Nga) vào ngày 2/5 tới để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh giữa các nền kinh tế lớn G20 sẽ diễn ra vào tháng 7/2017.
Phát ngôn viên Steffen Seibert của Thủ tướng Đức cho biết, chuyến thăm tới Nga của bà Merkel “ngoài bàn về những vấn đề xung quanh G20, còn thảo luận về những thách thức chính sách đối ngoại hiện nay, điển hình là những mối xung đột địa chính trị tại Syria và Ukraine”.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại nhận định, chuyến thăm lần này mang ý nghĩa có lợi riêng đối với Thủ tướng Đức.
Xem thêm tại đây.
Tổng thống Donald Trump tiếc nuối cuộc sống trước lúc vào Nhà Trắng
Trong buổi trả lời phỏng vấn với Reuters về 100 ngày sau lễ nhậm chức của mình, Tổng thống Donald Trump tỏ vẻ tiếc nuối khi nhắc đến cuộc sống trước lúc vào Nhà Trắng.
“Tôi yêu cuộc sống trước đây của mình. Tôi từng nghĩ rằng nó (việc trở thành một Tổng thống) sẽ dễ dàng hơn”, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ về 100 ngày nhậm chức của mình.
Xem thêm tại đây.
Bầu cử TT Hàn Quốc: Ông Moon Jae-in sẽ 'thân' Triều Tiên?
Theo Yonhap (Hàn Quốc), kết quả thăm dò dư luận cử tri do hãng Realmeter công bố ngày 27/4 cho thấy, ứng cử viên đảng Thống nhất Dân chủ Hàn Quốc Moon Jae-in đã giành được sự ủng hộ của 44,4% tổng số người được hỏi ý kiến, trong khi đối thủ trực tiếp của ông là ông Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân theo đường lối trung tả chỉ giành được 22,8%.
Như vậy, con đường trở thành ông chủ Nhà Xanh của ông Moon ngày một tới gần, khi ông liên tiếp dẫn đầu cuộc chạy đua Tổng thống và đây là tuần thứ 17 liên tiếp ông duy trì được vị thế này.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, ông Moon là một nhân vật có khả năng sẽ 'thân' Triều Tiên và gây nhiều thách thức cho Mỹ.
Xem thêm tại đây.
Ông Trump đòi Hàn Quốc 1 tỷ USD vì THAAD
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay: “Tôi đã thông báo phía Hàn Quốc rằng họ cần chi trả hợp lý hơn khi Mỹ triển khai hệ thống THAAD. Đó là hệ thống trị giá 1 tỉ USD”.
Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng, THAAD được triển khai tới Hàn Quốc để đối phó những mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên nên sẽ bất hợp lý nếu Washington phải thay Hàn Quốc chi trả số tiền này.
Xem thêm: Vì sao TT Trump đòi Hàn Quốc trả 1 tỉ USD khi triển khai tên lửa?
Sau khi phóng Tomahawk, ông Trump lại sắp động thủ ở miền Nam Syria?
Lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu ngày càng tiến gần hơn đến thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Raqqa, cùng với đó là việc Mỹ tích cực hoạt động quân sự gần biên giới phía bắc của Jordan cho thấy cuộc chiến chống IS sẽ sớm lan sang phía Nam Syria.
Ba ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh phóng 60 quả tên lửa Tomahawk từ chiến hạm nhằm vào một căn cứ không quân của Syria, tờ báo địa phương Al-Hayat khẳng định, liên quân Mỹ-Anh-Jordan đã được triển khai ở phía bắc Jordan, chỉ chờ được “bật đèn xanh” để tiến vào miền nam Syria. Mục tiêu của đợt tấn công lần này là đội quân Khalid Ibn al-Walid, một nhánh của IS đang hoạt động tại Cao nguyên Golan (nằm giữa Syria, Israel, Liban và Jordan).
Xem thêm: Mục tiêu của ông Trump khi sắp 'sờ gáy' miền nam Syria
D.T (Tổng hợp)