Thế giới 1 Tuần nhìn lại: Những điểm nóng trong bức tranh toàn cảnh

Thế giới 1 Tuần nhìn lại: Những điểm nóng trong bức tranh toàn cảnh

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Chủ nhật, 23/04/2017 12:01

Một tuần khép lại với những biến động trên chính trường thế giới: Triều Tiên thử tên lửa sau lễ duyệt binh khi PTT Mỹ sắp đến Hàn Quốc;Hé lộ hành tung của tàu sân bay Mỹ sau "cú lừa ngoạn mục".


Triều Tiên thử tên lửa sau lễ duyệt binh khi PTT Mỹ sắp đến Hàn Quốc

Hôm 16/4, quân đội Hàn Quốc tuyên bố, Triều Tiên bắn thử một loại tên lửa từ bờ biển phía đông, kết quả vụ thử thất bại. Vụ thử được cho là tiến hành lúc Phó Tổng thống Mỹ đang trên đường đến Hàn Quốc...
Triều Tiên đã phóng tên lửa vào sáng sớm ngày 16/4 gần Sinpo, bờ biển phía đông nước này nhưng kết quả thất bại. Thông tin này được quân đội Hàn Quốc đưa ra.
Vụ phóng tên lửa này được thực hiện một ngày sau khi Bình Nhưỡng tổ chức diễu binh kỷ niệm sinh nhật thứ 105 của nhà sáng lập Triều Tiên. Tại lễ diễu binh, rất nhiều tên lửa đạn đạo mới được trình diễn.

Tiêu điểm - Thế giới 1 Tuần nhìn lại: Những điểm nóng trong bức tranh toàn cảnh

 Triều Tiên đã phóng tên lửa vào sáng sớm ngày 16/4 gần Sinpo, bờ biển phía Đông nước này nhưng kết quả thất bại. (Ảnh minh hoạ)

"Triều Tiên đã cố gắng phóng một loại tên lửa chưa xác định từ khu vực gần Sinpo vào sáng nay nhưng kết quả dường như đã thất bại", văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc tuyên bố.
Hồi đầu tháng, trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Triều Tiên cũng phóng một tên lửa đạn đạo từ khu vực mà nước này vừa thực hiện vụ phóng tên lửa.
Động thái bắn thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra đúng vào ngày Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ đến Hàn Quốc trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới châu Á.
Chuyến thăm lần này của ông Pence được cho là tín hiệu tái khẳng định quyết tâm của liên minh Mỹ-Hàn trong việc ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Xem thêm>> Triều Tiên thử tên lửa sau lễ duyệt binh khi PTT Mỹ sắp đến Hàn Quốc

Hàng nghìn người biểu tình yêu cầu ông Trump công khai hồ sơ thuế

Theo BBC, cuộc biểu tình diễn ra vào ngày cuối tuần 16/4 ở thành phố Berkeley, bang California (Mỹ) đã biến thành bạo lực khi hai phe phản đối và ủng hộ ông Trump ném chai lọ, hơi cay vào nhau dù trước đó cảnh sát đã lập rào chắn để ngăn một cuộc xung đột có thể nổ ra giữa hai phe.
Hình ảnh tràn ngập trên mạng xã hội cho thấy, những người biểu tình bị thương, máu chảy đầy mặt. Vào thời điểm đông nhất, có gần 1.000 người tham gia, cảnh sát đã phải sử dụng súng xịt hơi cay, bom khói để giải tán đám đông, ổn định an ninh.

Tiêu điểm - Thế giới 1 Tuần nhìn lại: Những điểm nóng trong bức tranh toàn cảnh (Hình 2).

Cuộc biểu tình tại thành phố Berkeley đã biến thành bạo lực khi các thành viên giữa hai phe ủng hộ và phản đối Trump ném chai lọ, hơi cay vào nhau (Ảnh: BBC).

Phát ngôn viên sở cảnh sát thành phố Berkeley cho hay, có ít nhất 21 người đã bị bắt giữ trong vụ đụng độ lần này.

Trên khắp nước Mỹ, có tới 150 thành phố tổ chức các cuộc biểu biểu tình yêu cầu ông Trump công khai hồ sơ thuế. Hình ảnh biểu tình ở các thành phố lớn như Washington, Philadelphia, Chicago, Denver, Los Angeles và New York tràn ngập trên mạng xã hội với hashtag #showusyourtaxes (hãy công khai thuế).

Xem thêm>> Hàng nghìn người biểu tình yêu cầu TT Trump công khai hồ sơ thuế

Căng thẳng Triều Tiên: Bình Nhưỡng bị 'bủa vây' bởi các cuộc tập trận

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên càng leo thang khi hàng loạt cuộc tập trận của các nước Mỹ, Hàn, Trung Quốc...diễn ra sát vách. Bình Nhưỡng như bị "bủa vây" bởi "mùi thuốc súng" từ tập trận...

Trung Quốc tập bắn đạn thật

Hải quân Trung Quốc đã thử một số loại vũ khí trên một tàu chiến của nước này trên biển Hoàng Hải, gần biên giới biển phía Tây Triều Tiên.
Loại tàu chiến được sử dụng trong cuộc diễn tập này là tàu Xining, được đưa vào sử dụng vào tháng 1 năm nay. Tàu có thiết kế đặc biệt và có thể đóng vai trò là kỳ hạm của một đội tàu quân sự.
Tàu Xining được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ phòng không cũng như săn tàu ngầm đối phương. Một số nguồn tin không chính thức cho biết trong tương lai tàu sẽ được trang bị súng phóng điện để chống hạm.

Tiêu điểm - Thế giới 1 Tuần nhìn lại: Những điểm nóng trong bức tranh toàn cảnh (Hình 3).

 Máy bay có khả năng phát hiện hạt nhân WC-135 Constant Phoenix của Mỹ. 

Mỹ-Hàn và cuộc tập trận mang tên “Đỉnh Sấm Sét”

Hơn 100 máy bay chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc đã tham gia cuộc tập trận chung thường niên mang tên Max Thunder (Tạm dịch: Đỉnh Sấm Sét) trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc diễn tập mang tên Max Thunder bắt đầu từ ngày 14/4, kéo dài hai tuần với sự tham gia của khoảng 1.200 quân, bao gồm cả lính Mỹ đồn trú tại Nhật.
Hàn Quốc triển khai các chiến đấu cơ F-15K, KF-16, FA-50, F-4E, F-5, cũng như máy bay vận tải C-130 và máy bay cảnh báo sớm E-737. Mỹ triển khai nhiều chiến đấu cơ khủng như F-16, U-2, AV-8B và EA-18G.

Máy bay “đánh hơi hạt nhân” của Mỹ

Ngày 20/4, không quân Mỹ điều một máy bay có khả năng phát hiện hạt nhân tới phía Đông của bán đảo Triều Tiên, giữa lúc Bình Nhưỡng có khả năng sắp tiến hành một vụ thử hạt nhân, nguồn tin từ Chính phủ Triều Tiên cho hay.
“WC-135 Constant Phoenix, một máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt của Mỹ, đã thực hiện chuyến xuất kích khẩn cấp về phía biển Hoa Đông”, nguồn tin giấu tên cho biết.

Chuyến bay hôm nay của WC-135 Constant Phoenix dường như để xác định xem Triều Tiên có kích hoạt bom hạt nhân hay không.

Xem thêm >> Căng thẳng Triều Tiên:Bình Nhưỡng bị 'bủa vây' bởi các cuộc tập trận

Căng thẳng ở Triều Tiên khiến Mỹ bất ngờ ‘xoay trục châu Á’

Không lâu sau khi tuyên bố khai tử chính sách xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm Obama, Chính phủ Mỹ bất ngờ thể hiện kế hoạch tiếp tục theo đuổi xoay trục sang châu Á.

Tiêu điểm - Thế giới 1 Tuần nhìn lại: Những điểm nóng trong bức tranh toàn cảnh (Hình 4).

 Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence trong chuyến thăm châu Á tháng 4/2017.


Hải quân Mỹ đã triển khai quân tới thành phố Darwin, miền Bắc Australia để thể hiện cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chiến lược xoay trục an ninh sang châu Á của chính quyền tiền nhiệm trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Động thái trên của Mỹ được xem là khá bất ngờ, bởi mới hơn một tháng trước, trong cuộc họp báo do quyền trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, bà Susan Thornton chủ trì, chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền cựu Tổng thống Obama được tuyên bố “khai tử”.
Xem thêm >> Căng thẳng ở Triều Tiên khiến Mỹ bất ngờ ‘xoay trục châu Á’

Hé lộ hành tung thật sự của tàu sân bay Mỹ sau 'cú lừa ngoạn mục'

Theo Washington Post, ngày 19/4, Chuẩn đô đốc Jim Kilby, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson xác nhận nhóm tàu này đã tham gia tập trận với Australia và chuẩn bị tiến đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên để thực hiện nhiệm vụ.
Trên trang Facebook của tàu sân bay Carl Vinson, ông Kilby cho hay, việc điều động tàu sân bay tới gần bán đảo Triều Tiên sẽ kéo dài trong 30 ngày để đảm bảo sự hiện diện tại khu vực nói trên.

Tiêu điểm - Thế giới 1 Tuần nhìn lại: Những điểm nóng trong bức tranh toàn cảnh (Hình 5).

 Tàu sân bay USS Carl Vinson (Ảnh: USNI News).


Cũng trong ngày 19/4, trang USNI News dẫn lời ông David Benham, người phát ngôn bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cũng xác nhận nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson đã hoàn tất cuộc diễn tập với Australia ở vùng biển Ấn Độ Dương, hiện đang vào Biển Đông để lên phía bắc. Dự kiến nhóm tàu này sẽ đến gần bán đảo Triều Tiên vào cuối tuần tới.
Vậy chuyện gì đã xảy ra khi 1 tuần trước đó Mỹ đã xác nhận điều một tàu sân bay đến biển Nhật Bản, gần bán đảo Triều Tiên thay vì đến tập trận tại Australia như kế hoạch.

Xem thêm >> Hé lộ hành tung thật sự của tàu sân bay Mỹ sau 'cú lừa ngoạn mục'

Syria mắc 'bẫy' của TT Trump khi dồn máy bay về gần căn cứ Nga?

Các chuyên gia an ninh nhận định, việc Syria dồn chiến đấu cơ về gần căn cứ Nga Khmeimim có thể đã rơi vào đúng "bẫy" của Mỹ...
Ngày 20/4, hãng tin CNN cho hay, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Asasd đã quyết định đưa hầu hết chiến đấu cơ tới căn cứ không quân tại sân bay quốc tế Bassel Al-Assad.

Tiêu điểm - Thế giới 1 Tuần nhìn lại: Những điểm nóng trong bức tranh toàn cảnh (Hình 6).

 Tiêm kích Nga cất cánh từ căn cứ Khmeimim của Nga tại Syria. (Ảnh: RIA Novosti).

Quyết định trên của Syria được đưa ra ít ngày sau khi Lầu Năm Góc cho quân đội phóng hàng chục quả tên lửa Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, khiến khoảng 24 máy bay của Syria bị phá hủy. Hành động này của Chính phủ Mỹ được cho là để phản ứng với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà Washington cáo buộc có liên quan tới quân Syria, dù cả chính quyền Assad và Moscow đều phủ nhận.
Sau khi di chuyển, máy bay của Syria được tập trung ở gần căn cứ không quân Khmeimim của Nga, nơi tập hợp phần lớn không lực của Moscow được điều tới nhằm giúp đỡ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Căn cứ Khmeimim được đặt tại tỉnh Latakia, Syria.

Thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục tấn công các sân bay quân sự Syria, các chuyên gia nhận xét. Hiện tại, quân đội Nga được cho là chỉ còn đồn trú tại 3 căn cứ không quân gồm Khmeimim, Quasmili (thuộc tỉnh Hasakah) và Tiyas (thuộc tỉnh Homs). Nhưng trong số đó, chỉ có ở sân bay Khmeimim chiến đấu cơ mới hoạt động được, 2 căn cứ còn lại chỉ sử dụng cho máy bay trực thăng.

Dường như Mỹ đang dần đạt được mục đích nằm trong tính toán từ trước: Sự suy yếu của không lực liên quân Moscow-Damascus. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa thể đoán trước điều gì khi Nga và Syria vẫn là lực lượng chi phối chính cục diện ở chiến trường Syria trong khi Mỹ mới chỉ “chen chân” vào bằng một đợt phóng tên lửa mang nhiều tính chất răn đe.

Xem thêm >> Syria mắc 'bẫy' của TT Trump khi dồn máy bay về gần căn cứ Nga?

Đào Vũ (T/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.