Phiên họp của Liên Hợp Quốc diễn ra tròn 3 năm xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters.
Nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine
Nghị quyết do Mỹ soạn thảo được thông qua với 10 phiếu thuận, không có phiếu chống và 5 phiếu trắng. Hai quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an là Anh và Pháp bỏ phiếu trắng.
Nghị quyết đã loại bỏ những nội dung đề cập tới các hành động được cho là gây hấn của Nga, qua đó thể hiện sự thay đổi trong lập trường của Mỹ. Đại diện của Nga tại LHQ đã bày tỏ sự hoan nghênh, nói đây là nền tảng cho các nỗ lực hòa bình tiếp theo.
Tuy vậy, đại diện Nga cũng bày tỏ sự thất vọng khi những sửa đổi do Nga đề xuất không được đưa vào nghị quyết.
Ông Putin nói Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ về đất hiếm
Tổng thống Vladimir Putin ngày 24/2 nói Nga có thể hợp tác với Mỹ về việc khai thác các mỏ khoáng sản ở những vùng lãnh thổ Ukraine mà Moscow đã sáp nhập.
Trả lời phỏng vấn phóng viên kênh truyền hình Russia 1, ông Putin nói thỏa thuận khoáng sản mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy với Ukraine "không liên quan" đến Moscow.
Ông Putin lưu ý giá trị thực tế của trữ lượng khoáng sản, bao gồm đất hiếm của Ukraine vẫn còn phải xem xét. "Chúng tôi sẽ sẵn sàng đề nghị điều này với các đối tác Mỹ nếu họ quan tâm", ông Putin nói.
Ông nói đề xuất hợp tác với Mỹ bao gồm nguồn khoáng sản, đất hiếm ở những vùng lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát.
Tây Ban Nha đề xuất động thái đầu tiên hướng tới “quân đội châu Âu”
Châu Âu nên phát triển lực lượng triển khai nhanh và biến lực lượng này thành quân đội riêng, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares nói hôm 24/2, khi tham dự một cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels.
Trưởng bộ phận chính sách đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas lưu ý tại cuộc họp rằng các bộ trưởng đã "lo lắng" về những thay đổi gần đây trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Kể từ khi nhậm chức vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt nền tảng nối lại quan hệ với Nga, đồng thời yêu cầu các quốc gia châu Âu đóng góp nhiều hơn cho NATO và chịu trách nhiệm về an ninh của chính họ.
"Các thách thức mới là vấn đề của châu Âu và do đó phản ứng phải là của châu Âu", ông Albares nói, cho biết ông sẽ thúc giục Hội đồng Ngoại giao EU xem xét cách tăng cường năng lực phòng thủ của châu lục.
“Chúng ta cần phải xây dựng lực lượng triển khai nhanh, đặt ra nền tảng thành lập đội quân riêng của châu Âu”, ông Albares nói.
Ông nói thêm rằng châu lục cũng cần đạt được "quyền tự chủ chiến lược", phát triển hơn nữa ngành công nghiệp quốc phòng và hậu cần.
Các nước châu Âu đã đồng ý xây dựng lực lượng phản ứng nhanh từ năm 2022 với nòng cốt khoảng 5.000 quân, sẵn sàng ứng phó trước các tình huống khẩn cấp.
Tỷ phú Elon Musk giải thích lí do gửi loạt email tới công chức liên bang Mỹ
Sau loạt email yêu cầu nhân viên liên bang báo cáo công việc tuần qua nếu không sẽ bị sa thải, tỷ phú Elon Musk ngày 24/2 đã lên tiếng giải thích.
"Đây đơn giản là một bài kiểm tra xem họ có đang làm việc không và có khả năng trả lời email hay không", ông Musk nói. Tỷ phú Elon Musk hiện là lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) – ủy ban tư vấn thuộc Nhà Trắng. Ông Trump đã giao nhiệm vụ cho ông Musk tinh gọn bộ máy chính phủ và đề nghị tất cả các cơ quan liên bang hợp tác.
Tuần trước, hàng loạt công chức liên bang Mỹ nhận được email từ Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (OPM) với dòng tiêu đề "Anh/chị đã làm gì vào tuần trước?". Thời hạn chót để trả lời email là vào trưa ngày 24/2 (giờ địa phương). OPM gửi email theo yêu cầu của tỷ phú Elon Musk.
Ông Musk tuyên bố trên mạng xã hội X rằng những người không trả lời "sẽ được coi là xin thôi việc”.
Cục Điều tra liên bang (FBI), Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh nội địa và Bộ Năng lượng đã chỉ thị cho nhân viên không trả lời email của OPM.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp