Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong lễ nhậm chức ngày 20/1. Ảnh: wthr.com.
Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ lấy lại kênh đào Panama
Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Panama đã vi phạm thỏa thuận về việc Mỹ chuyển giao kênh đào chiến lược trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng.
"Chúng ta không trao (kênh đào Panama) cho Trung Quốc. Chúng ta đã trao cho Panama và chúng ta sẽ lấy lại nó", ông Trump nói trong bài phát biểu nhậm chức. “Chúng ta đã bị đối xử rất tệ từ món quà đáng lẽ không bao giờ nên trao đi này và lời hứa của Panama với chúng ta đã bị phá vỡ”.
Ngay sau đó, Tổng thống Panama Jose Mulino đã kiên quyết phản đối. “Tôi hoàn toàn bác bỏ những phát biểu mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong bài phát biểu nhậm chức liên quan đến Panama và Kênh đào Panama”, ông Mulino nói.
“Kênh đào sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Panama và chúng tôi tôn trọng tính trung lập vĩnh viễn của kênh đào”, ông Mulino nói thêm, nhấn mạnh “không có quốc gia nào trên thế giới” can thiệp vào hoạt động của Kênh đào Panama.
Tổng tư lệnh Ukraine thừa nhận không thể đánh chặn tên lửa Oreshnik của Nga
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi nói Kiev không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm Oreshik của Nga.
Ông Syrskyi cũng cho biết, Ukraine đang tự phát triển hệ thống phòng không với hi vọng khí tài này có năng lực tương đương với hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Tổng tư lệnh Ukraine nói thêm, nếu có đủ các hệ thống phòng không như Patriot, Ukraine đã có thể bảo vệ nhà máy điện nhiệt Trypillia khỏi các cuộc tấn công của Nga vào năm ngoái.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố tên lửa siêu vượt âm Oreshik có thể thay thế vũ khí hạt nhân, có khả năng đánh trúng bất kỳ mục tiêu nào trong phạm vi tới hơn 5.000km và không thể bị đánh chặn. Tổng thống Nga cảnh báo, Moscow có thể sử dụng Oreshik một lần nữa nếu cần, nhưng sẽ không đưa ra quyết định một cách vội vàng.
Tổng thống Nga Putin nói về cách chấm dứt xung đột Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói việc giải quyết xung đột ở Ukraine nên dẫn đến một nền hòa bình lâu dài thay vì ngừng bắn trong ngắn hạn.
“Về việc giải quyết tình hình xung đột, tôi muốn nhấn mạnh rằng mục tiêu phải là đạt được một nền hòa bình lâu dài dựa trên sự tôn trọng lợi ích hợp pháp của tất cả các bên, tất cả người dân sống trong khu vực đó thay vì một lệnh ngừng bắn ngắn hạn, hay tạm dừng để tập hợp lực lượng và tái vũ trang nhằm mục đích tiếp tục xung đột sau đó", ông Putin phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng An ninh Nga hôm 20/1.
Ông Putin nhấn mạnh "một nền hòa bình lâu dài dựa trên sự tôn trọng lợi ích của tất cả các cá nhân, tất cả mọi người sống trong khu vực".
Tổng thống Nga cho biết Moscow sẵn sàng trao đổi với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
"Điều quan trọng nhất là loại bỏ tận gốc nguyên nhân của cuộc xung đột, điều mà chúng ta đã thảo luận nhiều lần", ông Putin nói.
Mỹ lên tiếng về nguyên nhân loạt sự cố đứt cáp ở Biển Baltic
Mỹ và phương Tây cho rằng, những sự cố đứt cáp quang gần đây tại Biển Baltic không phải do âm mưu phá hoại của Nga.
Giới chức Mỹ nói tình trạng hư hại cơ sở hạ tầng dưới biển diễn ra gần đây không liên quan đến Nga mà khả năng cao là do các sự cố hàng hải.
Cộng đồng tình báo phương Tây cũng bày tỏ sự đồng thuận, cho biết nguyên nhân của những vụ đứt cáp quang là do sơ ý của nhiều tàu thuyền có thủy thủ đoàn thiếu kinh nghiệm đi qua Biển Baltic.
Báo cáo của Mỹ khẳng định những thiệt hại về cáp quang của châu Âu hoàn toàn là ngẫu nhiên, đồng thời khẳng định Nga không liên quan đến các sự cố.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp