Trung-Nhật 'đấu khẩu' trên sóng BBC
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh để phê phán hành động thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trên BBC. Ông Lưu khẳng định ADIZ Trung Quốc lập ra ở biển Hoa Đông là "hoàn toàn có tính phòng thủ". "Tôi không thể chấp nhận cách (BBC) định nghĩa nó là hành động gây hấn. Thực ra vùng này hoàn toàn chỉ nhằm mục đích phòng vệ. Đây không phải vùng cấm bay. Hàng không của mọi quốc gia đều có thể vào khu vực này, họ chỉ cần thông báo thôi".
Đại sứ Nhật tại Anh Keiichi Hayashi.
Đại sứ Nhật Bản tại Anh Keiichi Hayashi đã đáp lại trên một tờ báo Anh và ông cũng lên kênh BBC News ngày 6/1 để trình bày quan điểm. Ông nói: "Thủ tướng Abe tin rằng điều quan trọng cho quan hệ với Trung Quốc là duy trì cam kết hòa bình như vẫn có từ trên 50 năm qua và ông không hề muốn làm gì để thay đổi điều đó. Trung Quốc muốn thay đổi tình trạng hiện hữu bằng vũ lực nhưng chúng tôi vẫn mời họ đối thoại".
Hàng trăm cảnh sát bị sa thải chỉ trong một đêm
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/1 đưa tin, giới chức nước này đã sa thải 350 cảnh sát tại Ankara, sau một cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào những người thân chính phủ.
Hãng tin tư nhân Dogan cho hay, vụ sa thải và tái bố trí công tác hàng loạt cảnh sát mới nhất được tiến hành theo một nghị định của chính phủ được ban hành lúc nửa đêm.
Theo các nhà quan sát, vụ việc phản ánh sự mâu thuẫn giữa những người ủng hộ Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan và những người ủng hộ học giả Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ trong nội bộ đảng AK cầm quyền. Rất nhiều đồng minh của ông Gulen đang nắm chức vụ quan trọng, đặc biệt là trong lực lượng cảnh sát, tư pháp và đảng AK.
Nữ thủ tướng Thái nghiêm khắc cảnh cáo quân đội
Tư lệnh Lục quân Thái Lan – Tướng Prayuth Chan-ocha hôm 7/1 lại có những phát biểu mập mờ về khả năng tiến hành một cuộc đảo chính quân sự. Đáp lại, nữ Thủ tướng Yingluck đã đưa ra lời cảnh báo đầy nghiêm khắc.
Bà Yingluck nói quân đội sẽ không phát động thêm một cuộc đảo chính nữa để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị bởi “giới tướng lĩnh lực lượng vũ trang đã học được bài học từ quá khứ và họ sẽ phải cân nhắc, tính toán đến hậu quả lâu dài do một cuộc đảo chính gây ra. Giải pháp tốt nhất nằm ở đối thoại”, tờ Bangkok Post dẫn lời nữ Thủ tướng Yingluck cho biết.
Lô vũ khí hóa học đầu tiên đã được đưa khỏi Syria
Tàu Ark Futura Đan Mạch chở lô vũ khí hóa học đầu tiên ra khỏi Syria đã rời cảng Latakia hôm 7/1/2014. Theo kế hoạch lô vũ khí hóa học này sẽ được chuyển đến Italia, đề từ đó chuyển sang một tàu Hải quân Mỹ và sau đó chuyển tới vùng biển quốc tế để tiêu hủy.
Một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho biết quá trình vận chuyển vũ khí hóa học ở Syria chỉ mất vài giờ, nhưng đã phải lên kế hoạch cả tháng. LHQ cho hay, những vũ khí hóa học này được thu thập từ 2 cơ sở ở Syria, nhưng không nói rõ là cơ sở nào.
Trực thăng Mỹ rơi ở Anh, 4 quân nhân thiệt mạng
Một quan chức dấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ tại Washington đã xác nhận vụ tai nạn trên và cho biết, tất cả 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trên đều là quân nhân Mỹ.
Cảnh sát Norfolk County đã phong tỏa khu vực nơi xảy ra vụ tai nạn, các xe cứu hỏa, bảo vệ bờ biển và cảnh sát đang có mặt tại hiện trường.
Trực thăng Pave Hawks thường được sử dụng trong các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ trong các trận chiến.
C.P (Tổng hợp)