Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từ chối đề xuất khoảng sản mới nhất của Mỹ. Ảnh: AFP.
Phản ứng của Ukraine sau khi Mỹ đề xuất cứng rắn hơn về khoáng sản
Theo dự thảo đề xuất, Washington muốn chuyển doanh thu từ tài nguyên khoáng sản, cơ sở hạ tầng và các tài sản khác của Ukraine kiểm soát vào một quỹ với quy mô khoảng 500 tỷ USD, trong đó Mỹ toàn quyền quản lý. Ukraine sẽ được hưởng 50% lợi nhuận từ quỹ này.
Trong tuyên bố ngày 23/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói số tiền thực sự mà Washington viện trợ cho Kiev chỉ khoảng 90 tỷ USD, ít hơn 5 lần so với con số đề nghị của Mỹ. Ông kiên quyết phản đối đề xuất mới của Mỹ, cho rằng như vậy là không công bằng đối với Ukraine.
Ông Zelensky cũng nói quan điểm của Kiev về khoản tiền Mỹ hỗ trợ Ukraine là “tài trợ”, chứ không phải “cho vay”. “Chúng tôi đã đồng ý với ông Joe Biden rằng đó là khoản tài trợ, không phải là khoản nợ”, ông Zelensky phát biểu ngày 23/2.
Ông Zelensky đề nghị Mỹ làm rõ các khoản tiền và đưa cam kết đảm bảo an ninh vào thỏa thuận. Nhà Trắng hiện chưa lên tiếng bình luận về phản hồi mới của Ukraine.
Ông Trump lên tiếng về kết quả bầu cử ở Đức
Phát biểu trong một sự kiện ở Nhà Trắng hôm 23/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi chiến thắng của Liên minh bảo thủ CDU/CSU trong cuộc bầu cử ở Đức.
Liên minh bảo thủ CDU/CSU do ông Friedrich Merz lãnh đạo giành được hơn 28% phiếu bầu theo kết quả thăm dò sau bầu cử và đã tuyên bố chiến thắng. Với kết quả này, ông Merz sẽ là tân Thủ tướng Đức. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz chỉ đạt khoảng 16% số phiếu, thấp nhất kể từ năm 1949.
“Giống như Mỹ, người dân Đức đã chán ngấy chương trình nghị sự vô lý, đặc biệt là về năng lượng và nhập cư đã tồn tại trong nhiều năm qua”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth
Ông Trump gọi cuộc bầu cử là "một ngày tuyệt vời cho nước Đức" và Mỹ, đồng thời nói thêm rằng "sẽ còn nhiều chiến thắng nữa".
Đảng cực hữu AfD được tỷ phú Elon Musk ủng hộ mặc dù xếp thứ hai với 20% số phiếu bầu nhưng đang bị các chính đảng khác ở Đức tẩy chay, loại trừ khả năng hợp tác để thành lập liên minh cầm quyền.
Nga tuyên bố sẽ không từ bỏ lãnh thổ đã sáp nhập ở Ukraine
Trong tuyên bố ngày 23/2, Điện Kremlin nói Nga sẽ "không bao giờ bán hay từ bỏ" các vùng lãnh thổ kiểm soát trong cuộc xung đột ở Ukraine.
"Người dân ở đó đã quyết định gia nhập Nga từ lâu. Sẽ không ai bán hay nhượng lại những vùng lãnh thổ đó. Đây là điều quan trọng nhất", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trên truyền hình, đề cập 4 vùng ở Ukraine mà Nga đã sáp nhập gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia.
Ông Peskov mô tả Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Trump là "những lãnh đạo phi thường", khẳng định cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hồi giữa tháng là sự kiện đầy hứa hẹn. "Điều chủ chốt là không có gì ngăn cản Nga và Mỹ thực hiện ý chí chính trị của hai nguyên thủ quốc gia", ông Peskov nói.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu quan điểm về việc Ukraine không thể giành lại lãnh thổ như thời điểm trước năm 2014. Nhưng ông Trump không hề nhắc đến việc Nga có thể phải trả lại một phần lãnh thổ kiểm soát cho Ukraine.
Chiến đấu cơ Su-35 Nga chạm trán F-35 Mỹ gần Alaska
Tuần trước, Nga huy động phi đội máy bay Tu-95MS và Su-35S tuần tra ở khu vực gần Alaska của Mỹ. Không quân Mỹ phản ứng bằng cách điều động chiến đấu cơ tàng hình F-35A.
Cuộc chạm trán giữa tiêm kích tàng hình F-35A Mỹ và các máy bay quân sự Nga diễn ra trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Alaska. Phi công lái chiếc F-35A đã tiếp cận, xác nhận phi đội Nga gồm hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS và hai tiêm kích Su-35S.
Hình ảnh do Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) công bố cho thấy các máy bay nga và Mỹ duy trì khoảng cách an toàn. Tiêm kích Su-35S Nga mang tên lửa đối không tầm trung R-77M-1 và tầm ngắn R-74M cùng thiết bị tác chiến điện tử. Những chiếc F-35A của Mỹ được lắp thiết bị tăng diện tích phản xạ radar.
Phía Mỹ cũng xác nhận các máy bay Nga hoạt động ở không phận quốc tế và không xâm phạm không phận Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp