Thông tin từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết dân số Việt Nam hiện hơn 96,2 triệu người.
Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,07% năm 2017. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới cứ mỗi 1 phút lại có 38 ca phá thai không an toàn, cứ 8 phút lại có 1 ca chết mẹ do phá thai không an toàn.
Hàng năm, có khoảng 80 triệu ca có thai ngoài ý muốn, 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai; 20-22 triệu ca phá thai không an toàn; có tới 68.000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn; 5 triệu phụ nữ tàn tật do biến chứng của phá thai không an toàn.
Tính riêng ở Việt Nam, tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên/thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang hướng gia tăng.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: "Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước có 300.000-350.000 ca phá thai. Cứ 100 ca phá thai của phụ nữ có gia đình ở độ tuổi từ 15-49 thì tới 62 ca mang thai ngoài ý muốn. Phá thai không an toàn cũng là nguyên nhân dẫn đến vô sinh thứ phát".
Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai ở nước ta đang gia tăng, năm 2017 là 76,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 65,4%.
Đó là những con số biết nói về thực trạng sinh sản, nạo phá thai cùng những biến chứng nguy hại không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển.
Chúng ta nên có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Minh Anh (Tổng hợp)