Lột xác trong màn đêm
Thành viên đội đua xe không nhất thiết phải là những tay đua lâu năm, có máu mặt, mà đủ các thành phần từ giáo viên, doanh nhân, luật sư đến những người tu hành có đam mê xe đua. Ban ngày, khó có thể nhận ra họ là những tay đua đường phố. Thậm chí, gần như không ai trong số họ vượt đèn đỏ hay vi phạm luật giao thông.
Một chiếc xe đua đang chờ "so tài".
Eva là một y tá dịu dàng, hết lòng chăm sóc bệnh nhân nhưng rồi, hàng tuần, khi màn đêm đổ xuống, cô lại "lột xác" trở thành một tay đua chuyên nghiệp. Cô là một trong hàng trăm người Hồng Kông bị nghiện tốc độ. Cô y tá 25 tuổi này là một trong hai người phụ nữ duy nhất của một hội đua xe ô tô ngầm. "Bé cưng" (cách gọi những chiếc xe đua của dân đua) của cô là một chiếc Mitsubishi Lancer Evolution VII màu đen đã được độ động cơ. Ban ngày, cô chỉ chạy xe dưới 40km/h nhưng khi đã trở thành một tay đua, mọi quy dịnh, luật lệ đều bị xếp sang một bên, mục tiêu của cô chỉ còn vạch đích. Theo chân cô đến trường đua là một con phố lớn được chọn, ai cũng có thể ngỡ ngàng về sự hào nhoáng của các tay đua và "bé cưng" của họ. Eva tự hào khoe rằng, bố mẹ cô không hề hay biết cô là một tay đua đường phố trái phép khi đang tăng tốc chiếc xe lên đến vận tốc 200km/h trên con đường giới hạn 70km/h. Cô nói: "Cha mẹ tôi không bao giờ hình dung được tôi là một tay đua bởi tôi là con gái, cô con gái bé bỏng của họ. Tôi cũng sẽ không bao giờ để cha mẹ tôi biết tôi thực sự là ai. Tôi không muốn họ phải lo lắng".
Các cuộc đua xe trái phép đã tồn tại từ lâu, không chỉ ở Hồng Kông mà lan rộng trên toàn cầu, từ Los Angeles (Mỹ) đến Sydney (Australia), Kualar Lumpur (Malaysia)... Thế nhưng, dường như tại Hồng Kông, mỗi cuộc đua được xem như một trận đấu sinh tử, khốc liệt và khó khăn hơn rất nhiều. Alex, một anh chàng kinh doanh nữ trang 27 tuổi, người có thâm niên trong "nghề" đã bốn năm cho biết, chạy hết ga trên con đường vắng, thường ngày vốn đông nghẹt xe cộ vào ban ngày như cởi bỏ hết được mọi căng thẳng, ngột ngạt của cuộc sống thường ngày. Alex nói thẳng: "Khi bạn lái với tốc độ 250km/h thì tất cả những chiếc xe khác có mặt trên đường đều là chướng ngại vật. Và tất nhiên, bạn sẽ phải dẹp bỏ những chướng ngại đó để giải phóng đường "bay" của mình".
Những hiểm họa chết người
Tay đua nữ còn lại của hội đua là một phụ nữ 36 tuổi. Cô hồ hởi tâm sự: "Khi xe đạt đến tốc độ cao, tôi cảm thấy mình với "bé cưng" như hòa làm một. Chiếc xe yêu quý như trở thành một phần cơ thể của tôi và tôi nghĩ mình có thể làm chủ được nó bằng ý nghĩ". Trong khi đó, một tay đua vừa hoàn thành trận so tài của mình đứng cạnh chiếc xe với thiết kế hầm hố đang tỏ ra rất thỏa mãn và hài lòng với cảm giác vừa đạt được.
Dù rằng, việc đua xe trái phép này xảy ra không ít va chạm nhưng các tay đua ít khi bị thương nặng hay bị thiệt mạng. Cảnh sát Hồng Kông cho hay, những năm gần đây, không có số liệu thống kê về số tai nạn do đua xe trái phép gây ra và cũng không có ca tử vong nào được báo cáo từ đụng độ xe cộ do đua xe. Thanh tra viên Ngai Chun-yip, người đứng đầu tổ chức chống đua xe trái phép ở vùng phía bắc của đặc khu Hồng Kông cho biết: "Các cuộc đua xe trái phép trên đường phố là hành vi nguy hiểm, dễ tạo sự đố kỵ và ganh ghét, dẫn đến những hành vi gây nguy hiểm cho những người khác. Chúng tôi đang cố gắng giữ an toàn cho các đường phố và cảnh báo các tay đua về những mối hiểm nguy đó". Ông Ngai còn nhấn mạnh, dù chỉ một tai nạn gây chết người do đua xe trái phép gây nên, cũng là quá nhiều cho một mạng người và sự an toàn của những người khác. Ông Ngai cùng lực lượng chức năng hiện đang tăng cường tìm kiếm các đoạn video khoe chiến tích của các tay đua đăng tải lên internet để lần ra những người vi phạm pháp luật về đêm.
Richard là một trong 1.700 người bị truy tố vì tội đua xe trái phép, lái xe quá tốc độ trên đường cấm và đặc biệt là gây mất trật tự trị an. Richard (41 tuổi) không ngờ rằng mình bị máy bắn tốc độ đặt trong bụi cây ven đường ghi lại được. Hình phạt dành cho Richard là 120 giờ hoạt động công ích, tước giấy phép lái xe trong vòng một năm. Từ đó, Richard ít xuất hiện ở đường đua, "bé cưng" của ông cũng tham gia giao thông một cách nghiêm túc, luôn chạy với tốc độ an toàn. Richard làm vậy bởi nếu bị bắt thêm một lần nữa, ông sẽ phải đối mặt với án tù và công việc gia sư tiếng Anh hiện tại cũng sẽ bị mất. Richard nói: "Nếu tôi muốn thỏa mãn cơn nghiện tốc độ, tôi được phép đi đến Trung Quốc đại lục và tham gia vào các đường đua hợp pháp. Nhưng như vậy còn gì hấp dẫn nữa".
Nội thất của chiếc xe đua được trang bị đầy đủ và "lấp lánh".
Những con “nghiện” tốc độ
Thế nhưng, ngày nay, các cuộc đua không còn mang mục đích là giải phóng những bế tắc trong cuộc sống, để giao lưu kết bạn hay để thỏa mãn cơn nghiện tốc độ nữa. Các cuộc đua giờ đây còn mang một ý nghĩa khác, đó là nhằm mục đích khoe của. Thiết kế bên trong xe của một tay đua đường phố Hồng Kông gợi nhớ đến những chiếc xe được độ để đua trong loạt phim bom tấn Too Fast, Too Furious (Quá nhanh quá nguy hiểm) của Mỹ. Nick, một tay đua sở hữu một chiếc Porsche và một chiếc Ford Focus RS500 hồ hởi nói: "Trước đây, giới đua xe đến từ mọi tầng lớp khác nhau nhưng giờ có rất nhiều đại gia siêu giàu tại Hồng Kông tham gia vào nhóm đua. Tất cả bạn bè trong giới đua xe của tôi đều sở hữu xe thể thao đắt tiền và chúng được dùng để khoe mẽ". Các tay đua coi các cuộc so tài này là dịp để khoe độ sành điệu và độ giàu có của mình. Theo các tay đua nhận định, với chi phí mua xe và độ xe lên đến hàng trăm ngàn USD, đua xe đường phố thật sự là một cách khoe khoang tốn kém và đầy nguy hiểm.
Chính vì vậy, nhiều tay đua nghiệp dư đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Hồng Kông thiết lập một đường đua hợp pháp. Họ cho rằng, điều này sẽ giúp xóa bỏ nạn đua xe trái phép trên đường phố, giảm thiểu các xung đột không đáng có và hạn chế sự tiêu tốn tiền của chỉ để khoe mẽ của các đại gia con nhà giàu. Một số tay đua nghiền tốc độ khác, lại sang Trung Quốc đại lục để tham gia vào các cuộc đua hai vòng hợp pháp vào các ngày cuối tuần với chi phí tham gia lên đến 10.000 USD. Tuy nhiên, có những tay đua cho rằng, đường đua hợp pháp không bao giờ có thể đem lại cảm giác phấn khích, cảm hồi hộp như đua trái phép mang lại. Những cuộc đua trái phép thường lén lút, các tay đua luôn trong tình trạng chuẩn bị chạy mỗi khi nhìn thấy ánh đèn xanh đỏ của xe cảnh sát. Mỗi lần như vậy, cả "hội đua" vội chạy tứ tán rồi cuối cùng lại tập trung ở một địa điểm mới khác, cách địa điểm chạy cảnh sát ban đầu để tiếp tục cuộc đua.
Từ kẻ độ xe đến người cổ vũ đều bị phạt nặng Không chỉ ở Hồng Kông, nạn đua xe đường phố trái phép cũng diễn ra công khai tại các đường phố Thái Lan. Trung tá cảnh sát Thawatchai Srisurang, Phó trưởng đồn Bang Mot và chỉ huy Trung tâm Phản ứng nhanh chống đua xe của sở Cảnh sát Bangkok nhận định, đua xe trái phép là vấn đề đau đầu khi ông được phân công đến khu vực này cách đây vài năm. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau khi Trung tá Srisurang tiến hành chiến dịch chống một cuộc đua xe đêm, chặn các ngả đường cũng như mọi ngóc ngách, buộc chúng phải chạy dồn về cây cầu được chiếc xe cứu hỏa đón đầu. Trong chiến dịch này, khoảng 80 chiếc mô tô bị cảnh sát bắt giữ ngay trong đêm. Nhằm triệt phá tận gốc nạn đua xe trái phép, Srisurang cho biết các tiệm độ xe đua cũng có thể bị buộc tội hỗ trợ đua xe trái phép. Ngoài ra, cảnh sát cũng tiếp xúc với gia đình của các tay đua để tuyên truyền giáo dục. Những người cổ vũ đua xe cũng bị bắt và đối mặt với bản án tối đa là ba tháng tù và phải nộp phạt 30.000 baht. Còn những người giúp "độ" xe đua sẽ phải ngồi tù 2 tháng và nộp phạt 20.000 baht. |
Hồng Nhung (Theo South China Morning Post)
* Danh tính của các tay đua đã được thay đổi