"Sự cố" gợi nhớ đến lỗi Y2K hồi năm 2000. Y2K bắt nguồn từ việc máy tính ban đầu được sản xuất với bộ tính giờ 2 chữ số, ví dụ năm 1999 sẽ được ghi nhận là 99, nên khi chuyển sang năm 2000 sẽ quay về với con số 00. Và máy tính hiểu đó là năm 1900.
Y2K đã dấy lên nỗi lo về việc làm tê liệt mạng lưới máy tính toàn cầu đi kèm các hiện tượng như khai hoả tên lửa bất ngờ, sự cố hạt nhân và khủng hoảng tài chính khi các ngân hàng đều đang dùng máy tính để tính lãi mỗi ngày.
Thay vì tính lãi suất cho 1 ngày thì lại bị âm 100 năm. Các cơ sở hạt nhân cũng bị ảnh hưởng vì việc bảo trì dựa trên kết quả đo đạc từng ngày. Giao thông, đặc biệt là hàng không cũng bị ảnh hưởng vì ngày tháng sai sẽ ảnh hưởng tới lịch trình bay.
Quay về vấn đề hiện tại, Hệ thống Định vị Toàn cầu 24, viết tắt là GPS, với chu kỳ hoạt động 20 năm sẽ ngưng hoạt động vào lúc 7h59 tối thứ Bảy giờ châu Âu, tức vào khoảng 7h sáng Chủ nhật theo múi giờ Việt Nam.
Về mặt lý thuyết, sự cố này có thể ảnh hưởng đến các hệ thống điều hướng giao thông và thậm chí một số cơ sở hạ tầng quan trọng trong thông tin liên lạc, giao thông và mạng lưới điện. Đó là do các vệ tinh GPS chỉ có thể kiểm đếm thời gian theo tuần và được thiết kế để khi bắt đầu hoạt động năm 1980, nó có đủ bộ nhớ lưu trữ 1.024 tuần. Khi sử dụng hết bộ nhớ, bộ đếm sẽ quay lại con số 0, là vào thứ Bảy tuần này.
Hiện nay có khoảng 4 tỷ thiết bị đang sử dụng hệ thống GPS. Cơ quan An ninh của Bộ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (CISA) cho biết: “Một lỗi nano giây trong thời gian của GPS có thể ảnh hưởng đến 1 foot tại vị trí thật”. Trong các thử nghiệm gần đây, rất nhiều hệ thống đã không thể xử lý lỗi chuyển đổi này.
Tuy vậy trong thực tế, sự cố này không phải là vấn đề lớn cho lắm. Không quân Hoa Kỳ, đơn vị điều hành các vệ tinh, cùng nhiều cơ quan khác đã gửi cảnh báo đến các công ty tài chính, hãng hàng không và nhà sản xuất hệ thống định vị từ suốt hai năm qua. Cũng như Y2K, các nhà sản xuất đã tiên liệu và tìm cách hạn chế đến mức tối đa thiệt hại khi sự cố xảy ra.
Không quân nói rằng những kế hoạch để xử lý sự cố đã được lên rõ, cũng như các thiết bị và hệ thống được sản xuất trong 10 năm trở lại đây đều đã được mã hoá để giải quyết quá trình chuyển đổi. Tuy vậy, đơn vị này vẫn khuyên người dùng các thiết bị GPS nên xác minh lại với chủ sản xuất để xem thiết bị của mình có đủ các điều kiện “sống sót” qua thời điểm chuyển đổi hay không.
Đây không phải lần cuối vệ tinh GPS hoàn tất chu kỳ hoạt động. Hiện tại, bộ đếm tuần của các vệ tinh được lập trình theo từng khối 10 bit, do đó sẽ hết hạn sau 1.024 tuần. Những các hệ thống hiện đại đã được nâng cấp lên bộ lưu trữ 13 bit, đủ để tồn tại trong 157 năm. Ít nhất những người khốn khổ vì "mù đường" sẽ được yên tâm trong hơn 150 năm nữa.
Y2K là một sự kiện lớn xảy ra vào tháng 12/1999. Từ viết tắt Y2K được tạo ra bởi lập trình viên David Eddy vào năm 1995. Trong đó, Y là Year, K là kilo (một đơn vị đo lường quốc tế để chỉ bội số lớn hơn gấp 1000), do đó 2K có nghĩa là 2000.
Vào những năm 1960, các thiết bị lưu trữ rất đắt đỏ, do đó giảm dung lượng là một vấn đề rất quan trọng đối với các lập trình viên và họ giải quyết bằng cách mã hóa khiến máy tính chỉ nhận 2 ký tự của năm.
Tuy nhiên khi năm 2000 tới gần, họ phát hiện máy tính không thể phân biệt giữa năm 2000 và năm 1900. Các hoạt động được lập trình dựa vào ngày tháng năm sẽ bị lỗi và thay vì chuyển từ ngày 31/01/1999 sang 01/01/2000, máy tính sẽ lại trở về 01/01/1900.
Những giây phút cuối cùng của ngày 31/12/1999, cả thế giới nín thở lo sợ sự cố Y2K nhưng thở phào nhẹ nhõm vì… chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
Đình Văn