Một cuộc chiến tàn khốc và dai dẳng ở Ukraine. Chính phủ bị lật đổ ở Niger và Gabon. Sự thù địch kéo dài do bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin thời đại dịch Covid-19…
Một loạt các vấn đề toàn cầu đang xếp hàng dài chờ câu trả lời trước ngưỡng cửa dẫn vào nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tới để tham dự tuần lễ cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), diễn ra từ ngày 19-26/9.
Cảm giác cấp bách
LHQ – từng là diễn đàn trung tâm để cố gắng giải quyết các tranh chấp địa chính trị – đang ngày càng đứng bên lề nền chính trị toàn cầu mới, không thể theo kịp hàng loạt các cú sốc, các cuộc khủng hoảng và các cuộc đảo chính... dường như đang làm thế giới thêm rạn nứt.
Điều đó được chứng minh bằng sự bất lực của họ trong việc can thiệp vào những nơi mà trong nhiều năm qua họ đã là trung tâm – chẳng hạn như cuộc đảo chính ở Niger vào mùa hè này, hay tình trạng hỗn loạn gần đây nhất ở Haiti.
“Những gì chúng ta đang trải qua bây giờ không chỉ là một phép thử của trật tự thời hậu Chiến tranh Lạnh – mà đó là sự kết thúc của trật tự đó”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết tuần trước. “Việc thúc đẩy hợp tác quốc tế đã trở nên phức tạp hơn. Không chỉ vì căng thẳng địa chính trị gia tăng mà còn vì quy mô khổng lồ của các vấn đề toàn cầu”.
Nhiều quốc gia đã kêu gọi cải tổ các cơ quan của LHQ, cho rằng có sự bất bình đẳng về đại diện và bất công về cơ cấu. Cảm giác cấp bách càng trở nên gay gắt khi xung đột ở Ukraine đã tiếp diễn trong 19 tháng và Hội đồng Bảo an (UNSC) bị tê liệt vì quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực.
UNSC hiện bao gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (P5) gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc, mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết, và 10 thành viên không thường trực (E10) do Đại hội đồng LHQ bầu 2 năm một lần.
G4, nhóm 4 nước Brazil, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản – có mong muốn trở thành thành viên thường trực của UNSC, đề xuất trong một tuyên bố chung hồi tháng 3 năm nay về tăng số ghế trong UNSC lên 25 bằng cách bổ sung thêm 6 thành viên thường trực và 4 thành viên không thường trực.
Nếu họ được kết nạp vào UNSC, G4 khuyến nghị các thành viên thường trực mới nên từ bỏ quyền phủ quyết trong ít nhất 15 năm.
Trong khi đó, nhóm 54 nước châu Phi đề xuất mở rộng UNSC lên 26 thành viên, trong đó có 2 thành viên thường trực và 2 thành viên không thường trực là các quốc gia trên “lục địa đen”.
Nhóm các nước châu Phi cũng đề xuất rằng 2 trong số các thành viên thường trực khác nên đến từ châu Á, 1 đến từ châu Mỹ Latinh và 1 đến từ Tây Âu. Còn vị trí các thành viên không thường trực nên chia đều cho các quốc gia từ châu Á, Đông Âu và Mỹ Latinh hoặc Caribe.
Họ phản đối quyền phủ quyết, và cho rằng nếu quyền này vẫn còn hiệu lực thì họ cũng nên được cấp quyền này.
Tương tự, nhóm các nước Ả Rập phản đối việc tuân thủ quyền phủ quyết của 5 nước thành viên thường trực UNSC. Họ cũng muốn các nước Ả Rập được cấp tư cách thành viên thường trực trong UNSC trong trường hợp mở rộng.
Trung Quốc muốn các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Ả Rập tham gia UNSC vì cho rằng cơ quan này đang không cân bằng giữa Bắc và Nam Bán cầu. Nga cũng ra dấu hiệu rằng chính sách mở rộng nên bao gồm các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Nhìn xa hơn
Một nhà ngoại giao của một quốc gia đang phát triển nói với Bloomberg rằng nếu các quốc gia các quốc gia có ảnh hưởng nhất ở LHQ tiếp tục mâu thuẫn trong vấn đề cải cách, Nam Bán cầu sẽ không có cách nào khác ngoài việc tìm kiếm các lựa chọn bên ngoài hệ thống LHQ để giải quyết các vấn đề.
“LHQ vẫn như cũ. Sự chia rẽ trong trật tự thế giới đã ngăn cản hoạt động hiệu quả của tổ chức này trong một thời gian dài”, ông Manoj Joshi, hội viên danh dự tại tổ chức tư vấn Observer Research Foundation có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ), cho biết.
Các quốc gia vốn muốn cải tổ LHQ giờ đây đã nhìn xa hơn. Ấn Độ và Brazil, những nước từ lâu ủng hộ những cải cách đối với cơ quan toàn cầu này, đang dồn sức lực nhiều hơn vào nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Gần đây nhất, hồi tháng 8, BRICS đã ra quyết định “lịch sử” khi mở rộng lời mời gia nhập nhóm tới 6 quốc gia nữa, bao gồm Ả Rập Xê-út, Iran, Ai Cập, Argentina, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), mang lại chiến thắng cho Trung Quốc và Nga – những nước đã thúc đẩy điều này hơn 5 năm nay.
Trong trường hợp của Ấn Độ, Delhi cũng đang tập trung vào Đối thoại Tứ giác An ninh (Quad), một nhóm bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Một điều đáng chú ý trong Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ sắp diễn ra ở New York: Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ là nhà lãnh đạo duy nhất trong số các nhà lãnh đạo của 5 thành viên thường trực UNSC trực tiếp xuất hiện tại cuộc tranh luận của Đại hội đồng. Các Nguyên thủ Quốc gia và người đứng đầu chính phủ từ Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh dự kiến sẽ không đến dự.
Các quan chức Mỹ đã nhiều lần thừa nhận sự cần thiết phải khiến LHQ phản ánh thế giới hiện tại chứ không phải như thời điểm cơ quan này được thành lập sau Thế chiến II. Nhưng tiếng nói của Mỹ cũng đã bị giảm bớt trước khả năng ông Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 và làm rung chuyển nó một lần nữa.
Vị cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa đã làm rung chuyển tổ chức này đến tận cốt lõi với quyết định rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một động thái mà ông Biden sau đó đã đảo ngược.
“Sự thực là đã có một thời gian LHQ không phải là tổ chức đa phương duy nhất, và điều đó ngày càng trở nên phổ biến”, ông Stewart Patrick, thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cho biết. “Quả thực có những vết nứt đã xuất hiện, và một khía cạnh có vấn đề là những vết nứt đó không chỉ chạy theo hướng Đông-Tây mà còn chạy theo hướng Bắc-Nam”.
Ngoài ra còn có sự thù địch nội bộ rõ ràng. Phần lớn vấn đề có thể bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Covid-19, khi các nước nghèo cảm thấy bị bỏ rơi vì những nước giàu hơn đua nhau tích trữ vắc-xin.
Một vết nứt tương tự đang xuất hiện trong cuộc khủng hoảng khí hậu, trong đó các nước có thu nhập thấp phẫn nộ rằng các nước giàu – vốn phải chịu trách nhiệm về phần lớn tình trạng ô nhiễm hiện tại trên thế giới – đang yêu cầu họ hạn chế sản lượng để đáp ứng các mục tiêu khí hậu.
“Nhiều quốc gia có thu nhập thấp hiện đang tìm kiếm đối tác mới hoặc tự hỏi liệu cách hành động khả thi duy nhất có phải là cố gắng giải quyết vấn đề của họ một mình hay không”, ông Mark Suzman, giám đốc điều hành của Quỹ Bill và Melinda Gates, cho biết trên tạp chí Foreign Affairs.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Anadolu Agency)