Sau khi du nhập vào Liên bang Nga, đã có rất nhiều báo cáo khoa học và các tài liệu lâm sàng về thành phần hoạt chất sinh học, tác dụng chữa bệnh của cây Lược vàng ra đời tại đất nước này.
Sản phẩm lược vàng của Nga
Thậm chí tại Nga, lược vàng đã được đưa vào sản xuất thành phẩm chiết xuất cây lược vàng với rất nhiều thương phẩm khác nhau, đơn cử là với giá 149 Rúp (gần 200.000 đồng), với giá 9 USD (kem bôi chỉ định cho các bệnh liên quan đến viêm tĩnh mạch).
Trên thế giới, hai cường quốc về khoa học và y dược là Nga và Mỹ đều đã có những báo cáo nghiên cứu cụ thể về thành phần hoạt chất và các thử nghiệm lâm sàng trên động vật khác. Còn ở nước ta có lẽ các nhà khoa học vẫn còn đang phân vân với những gì mình muốn phát ngôn mà quên đi việc cơ bản là phải tìm hiểu, chủ động nghiên cứu và tham khảo các thông tin đã được nghiên cứu sẵn từ các nước khác trước khi đưa ra những phát ngôn mang tính "giật gân" như trong thời gian qua.
Đem sự tò mò về cây Lược vàng đến Viện Dược liệu (Bộ Y tế) chúng tôi nhận được thông tin, cách đây không lâu, một nhóm các nhà khoa học của Viện đã tiến hành nghiên cứu về cây Lược vàng. Kết quả cho thấy cây này không có tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm cấp thực nghiệm bằng caragenin, mà còn gây chết súc vật thí nghiệm ở liều uống cao. Thực tế cũng cho thấy, trên thế giới có rất ít các công bố khoa học về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây Lược vàng. Tại Việt Nam, cây Lược vàng chưa được người dân sử dụng lá và thân cây để chữa viêm đường hô hấp, viêm đường tiêu hóa, viêm tiết niệu, viêm khớp, đến các bệnh tim mạch, huyết áp, u bướu.
Tuy nhiên, các kết quả thử tác dụng chống viêm cấp trên thực nghiệm của nhóm nghiên cứu với liều dùng tương đương với 50g dược liệu tươi/kg thể trọng cho thấy Lược vàng không có tác dụng chống viêm, thậm chí cao chiết cồn 50% từ thân Lược vàng còn tăng phản ứng viêm. Về khả năng kháng khuẩn, trong 3 chủng vi khuẩn thường gặp, cao chiết của lá và thân Lược vàng có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococus aureus, nhưng phải ở nồng độ rất cao so với kháng sinh tham chiếu là azithromycin. Ngoài ra, kết quả đánh giá độc tính cấp (liều gây chết ngay) cho thấy Lược vàng có thể gây chết súc vật thí nghiệm ở liều uống cao.
Hiện nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định với cách sử dụng như người dân vẫn thường mách nhau là 5 - 6 lá/ngày có bị ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Các kết quả nghiên cứu dược lý ban đầu chưa làm sáng tỏ tác dụng chữa bệnh của cây Lược vàng nhưng cũng đã cho thấy, Lược vàng phải chứa các thành phần có hoạt tính sinh học mạnh thì mới có ảnh hưởng rõ rệt đến chuột thực nghiệm.
Trao đổi với PV Người đưa tin về tác dụng thực của cây Lược vàng, bác sĩ Phạm Văn Lâm, phó chủ tịch hội Đông y tỉnh Thanh Hóa, cho hay: "Đây là loại cây được một số người đi nước ngoài mang về trồng, người dân mới chỉ biết đến tác dụng qua lời đồn thổi mà thôi. Vì chưa có nghiên cứu cụ thể nên cá nhân tôi cho rằng, mọi người không nên dùng, bởi nếu một loại dược liệu quý, không có độc tính thì dùng tốt, nhưng với loại này, người ta mới nói đến cái tốt của nó mà chưa nói đến độc tính thì rất cần thận trọng".
Vương Trần