Kisaeng là những kỹ nữ (đôi khi là gái mại dâm) làm công việc mua vui cho vương thất và giới quý tộc.
Xuất hiện đầu tiên vào triều đại Goryeo ( 918–1392), kisaeng là những người làm giải trí hợp pháp của triều đình. Hầu hết các kisaeng đều bị lãng quên và chỉ có một người duy nhất là kisaeng Hwang Jin-i của thế kỷ 16 được lịch sử nhớ tới.
Những phụ nữ kisaeng đóng nhiều vai trò khác nhau, mặc dù đều là những địa vị thấp trong mắt của giai cấp cầm quyền. Ngoài giải trí, họ còn làm y tá và thêu thùa.
Họ được huấn luyện rất kỹ lưỡng và thường học các môn nghệ thuật như làm thơ, gảy đàn, múa hát nhưng tài năng của họ thường không được đếm xỉa tới vì địa vị xã hội hèn thấp.
Kisaeng, cả về mặt lịch sử và hư cấu, đều đóng một vai trò quan trọng trong quan niệm của người Triều Tiên về văn hóa truyền thống của triều đại Joseon (hay Chosun 1392 – 1910).
Các cô gái bước vào thế giới Kisaeng qua nhiều con đường khác nhau. Một số người là con gái của kisaeng còn số khác lại được bán vào phường kỹ nữ khi gia đình không đủ khả năng nuôi dưỡng.
Tất cả các kisaeng, kể cả những người không làm gái mại dâm hay mua vui, đều phải nghỉ hưu khi 50 tuổi. Cách duy nhất để một kisaeng hành nghề lâu dài đó là trở thành vợ lẽ của một người bảo trợ, thường là các quan lại.
Trải qua hai triều đại Goryeo và Joseon, kisaeng thuộc tầng lớp cheonmin, thấp nhất trong xã hội. Họ ngang hàng với những người bán thịt hay nô lệ. Vì lý do này, họ thường được nhắc tới như những người "sở hữu thân xác của tầng lớp hạ lưu nhưng mang tâm hồn của giới quý tộc".
Kisaeng chỉ có thể được giải phóng khỏi địa vị thấp hèn của mình nếu nộp một khoản tiền lớn cho triều đình, thường là do một mạnh thường quân giàu có tài trợ.
Theo Vietnamnet