Nguồn điện quan trọng và đầy tiềm năng của con người
Từ hơn 2.000 năm trước, người Hy Lạp cổ đại đã biết khai thác sức nước bằng việc sử dụng các bánh xe guồng nước để xay gạo. Năm 1880, nhà phát minh người Mỹ Lester A. Pelton khám phá ra nguyên lý phát điện từ sức nước trong một chuyến thăm mỏ khai thác vàng gần nhà. Những người thợ mỏ đã đặt các guồng quay bằng gỗ bên dòng suối. Nước chảy làm quay trục guồng, từ đó làm quay những chiếc cối xay đá sa khoáng chứa vàng.
Do nắm rõ nguyên lý phát điện từ những chiếc trục quay, không khó để nhà khoa học này thay chiếc guồng gỗ bằng một máy phát điện. Chỉ hai năm sau, nhà máy thủy điện đầu tiên trên thế giới được H.J. Rogers xây dựng tại bang Wisconsin (Hoa Kỳ), mở ra một kỷ nguyên thủy điện cho nhân loại.
Nếu như nhiệt điện phải đốt nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí đốt) gây ô nhiễm môi trường, còn điện hạt nhân luôn khiến con người vừa dùng vừa run vì lý do an toàn, thì thủy điện được coi là nguồn năng lượng sạch nhất và an toàn nhất. Lợi dụng sức mạnh của dòng nước đổ xuống từ trên cao để làm quay các tua bin, từ đó sản sinh ra điện, thủy điện không cần đến nhiên liệu hay chất phóng xạ. Do đó, những quốc gia có địa hình thuận lợi cho việc phát triển thủy điện đều tận dụng tối đa cơ hội của mình. Các nhà máy thủy điện được xây dựng khắp nơi trên thế giới, với đủ mọi loại công suất từ lớn đến nhỏ.
Theo Hội đồng Năng lượng Quốc tế (WEC), thủy điện đang đóng góp 20% tổng công suất điện năng trên toàn thế giới, tương đương 2.600 TWh/năm. Na Uy là nước mà 100% điện năng được sản xuất từ thủy điện. Những nước có thủy điện chiếm hơn 50% cũng rất nhiều, như Icela (83%), Áo (67%). Canada hiện là nước sản xuất thủy điện lớn nhất thế giới với tổng công suất gần 400 nghìn GWh, đáp ứng hơn 70% nhu cầu nước này. Tiềm năng của nguồn điện xanh này còn rất lớn, bởi WEC đã ước tính, trên toàn cầu, công suất thủy điện có thể đạt đến 14.400 TWh/năm.
Một công trình kiến trúc cổ chìm dưới lòng hồ thủy điện tại Trung Quốc
Lợi ích lớn nhất của thủy điện là không tiêu thụ nhiên liệu và xả ra khí thải độc hại. Điều đó khiến chúng không hề bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá không ngừng của nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí thiên nhiên hay than đá. Các nhà máy thủy điện cũng có tuổi thọ lớn hơn các nhà máy nhiệt điện.
Một số nhà máy thủy điện đang hoạt động hiện nay trên thế giới đã được xây dựng từ 50 đến 100 năm trước. Chi phí nhân công thấp vì các nhà máy này được tự động hóa gần như hoàn toàn, có rất ít người làm việc tại chỗ trong quá trình vận hành thông thường.
Cái giá phải trả cho thủy điện
Cùng với những lợi ích to lớn, qua thời gian, các mặt trái của thủy điện cũng liên tục được bộc lộ. Thật nực cười là đặc điểm được ca ngợi nhiều nhất của thủy điện cũng lại chính là nhược điểm lớn nhất của nó: Môi trường. Thủy điện không tiêu thụ nhiên liệu, không xả ra khí thải độc hại với môi trường, nhưng nó cũng tàn phá nặng nề môi trường sinh thái ở một số phương diện khác.
Do hoạt động nhờ biến thế năng của nước thành động năng, từ đó chuyển thành điện năng, nên nhà máy thủy điện thường được đặt trên phía thượng nguồn, thuộc vùng đồi núi và phải có hồ chứa nước. Những hồ chứa bao la này nhấn chìm rất nhiều diện tích rừng đầu nguồn. Đặc điểm sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của cả khu vực bị biến đổi theo hướng xấu đi.
Môi trường sống của các loài động thực vật bị phá hủy hoặc thay đổi khiến chúng cũng dần biến mất. Yếu tố đa dạng sinh học gần như không còn. Các con đập khiến nước không còn được lưu thông một cách tự do từ thượng nguồn xuống hạ lưu, tạo nên các đoạn sông chết trước con đập. Thảm thực vật bị phân hủy trong tình trạng ngập nước dưới đáy hồ khiến sản sinh ra khí metan, một loại khí nhà kính nguy hiểm.
Nếu cá không chết bởi những loại khí độc như thế, thì chúng cũng chết khi đi qua các tua bin nước. Theo thống kê của Quỹ Hoang dã Quốc tế (WWF), 60% trong số 227 con sông lớn nhất đã bị phân đoạn nặng nề, trong đó các đập nước (gồm có đập thủy điện) được xem là có trách nhiệm lớn nhất.
Từ cách xa công trình hàng trăm kilomet, những người dân vùng hạ lưu cũng trở thành nạn nhân. Các con đập đã ngăn chặn mất của họ dòng phù sa màu mỡ và các loài thủy sản. Mặc dù có chức năng điều tiết lũ và chống hạn hán, nhưng các nhà máy thủy điện thường tích xả nước trước tiên là vì lợi nhuận và sự an toàn của chính bản thân mình.
Những vụ xả hồ chứa bất ngờ để chống quá tải đập trước một cơn lũ bất ngờ (hoặc do dự báo kém chính xác) gây lũ lụt cho toàn vùng hạ lưu, cuốn trôi nhà cửa, tài sản, hoa màu và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Đối với người dân vùng hạ lưu, các hồ chứa hàng triệu, trăm triệu, thậm chí hàng tỷ mét khối nước trên thượng nguồn thực sự là những trái bom lơ lửng trên đầu. Ngược lại, vào những năm hạn hán, nước đầu nguồn bị tích lại trong các hồ chứa khiến vùng hạ lưu cạn khô nước sinh hoạt và sản xuất, đẩy người dân đối mặt với vô vàn khó khăn.
Danh sách tội trạng của thủy điện mỗi năm một dài thêm. Ngày 12/5/2008, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) khiến gần 100 nghìn người chết hoặc mất tích. Hai phần ba tỉnh thủ phủ vùng Tây Nam Trung Quốc này bị phá hủy hoàn toàn. Thảm họa này một lần nữa củng cố cho quan điểm của các nhà khoa học về việc thủy điện là nguyên nhân gây ra động đất. Tâm chấn của trận động đất Tứ Xuyên nằm khá gần 2 nhà máy thủy điện lớn của nước này là Tam Hiệp và Zipingpu. Hàng tỉ mét khối nước trong hồ chứa của các thủy điện này đã tạo áp lực cực lớn lên địa tầng khu vực, khiến đới đứt gẫy địa chất hoạt động, gây ra trận động đất kinh hoàng.
Các tranh cãi vẫn còn tiếp tục, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng, cho dù không gây ra động đất, nhưng một khi động đất xảy ra, các đập thủy điện vỡ sẽ khiến toàn vùng hạ lưu biến thành biển nước trong vài giờ. Không nhiều người có cơ may sống sót trong những thảm họa như thế.
Thanh Tùng