Xung đột và những hệ quả
Ngày 20/4, Chủ tịch WB David Malpass cho biết, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá lương thực tăng cao, tác động đặc biệt nghiêm trọng tới những người nghèo nhất, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí có thể sang tận năm 2023.
Phát biểu họp báo trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân 2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB, Chủ tịch Malpass nhấn mạnh, xung đột và các hệ quả của vấn đề này đang gây khó khăn cho người nghèo trên toàn cầu.
Hiện, giá lương thực tăng tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đang tăng cao hơn so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là điều đáng lưu tâm do CPI là thước đo mức độ tác động tới người nghèo.
Theo Chủ tịch WB, tình trạng thiếu lương thực, năng lượng và phân bón - mặt hàng thiết yếu cho vụ mùa - đang gây ra cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực. Cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí có thể tiếp diễn sang tận năm 2023.
Thực tế, mỗi năm, thông qua báo cáo về tình hình an ninh lương thực trên thế giới, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vẫn chỉ ra rằng chiến tranh là nguyên nhân chính gây ra nạn đói. Năm nay, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã được bổ sung vào danh sách các cuộc xung đột làm gia tăng số lượng người thiếu dinh dưỡng.
Ukraine và Nga đều đóng vai trò chính trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cơ bản. Về thị trường ngũ cốc, Ukraine và Nga đều thuộc top 3 trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Năm 2018, Ukraine là nhà sản xuất ngô lớn thứ 5 thế giới, nhà sản xuất kiều mạch lớn thứ 3, nhà sản xuất hướng dương hàng đầu. Một nửa lượng dầu hướng dương được bán trên thị trường quốc tế đến từ Ukraine.
Nhưng, mặt hàng khiến thị trường lo lắng nhất là lúa mì. Ukraine chỉ là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ 8 trên thế giới, nhưng họ cung cấp 12% lượng hàng xuất khẩu. 12% cũng là con số cho sự sụt giảm xuất khẩu lúa mì trong tương lai mà Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính. Nếu tính thêm thị phần của Nga sẽ lên tới con số 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới.
Hai tuần sau xung đột quân sự, Ukraine ra lệnh cấm xuất khẩu lương thực, ưu tiên cung cấp lương thực cho người dân ở các vùng chiến sự. Nga cũng hành động tương tự khi cấm xuất khẩu lúa mì cho một số nước láng giềng đến tháng 6/2022.
Chưa hết, Nga còn là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, nguyên liệu quan trọng để sản xuất nông nghiệp ở bất cứ đâu. Khi xung đột quân sự nổ ra, nguồn cung những mặt hàng này ngay lập tức bị ảnh hưởng.
Hồi chuông cảnh báo về an ninh lương thực
Trước thời điểm Nga khởi động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, giá thực phẩm toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục và tăng 4 tháng liên tục. Trong tháng 2/2022, giá lương thực thế giới đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi FAO bắt đầu công bố Chỉ số giá lương thực.
Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm, cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến ngày 8/4, FAO tiếp tục cho biết, giá lương thực thế giới tăng 13% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục mới. Chỉ số giá ngũ cốc của FAO tăng 17% trong tháng 3, đạt mức cao kỷ lục, trong khi chỉ số giá dầu thực vật tăng 23%, cũng là mức tăng chưa từng có. FAO cho biết, giá đường và các sản phẩm từ sữa cũng tăng mạnh trong tháng 3.
Trong khi đó, phân bón, mặt hàng thiết yếu để người nông dân đạt được mục tiêu năng suất, lại chưa bao giờ đắt đỏ như lúc này do nguồn cung từ Nga đang bị ngưng lại. Theo chuyên gia Maximo Torero của FAO, thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh lương thực toàn cầu. Vấn đề lớn mà chúng ta phải đối mặt, đó là giá phân bón đã tăng cao đáng kể trong tháng trước, có thể trở nên trầm trọng hơn do giá năng lượng không ngừng leo thang và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Đó là vấn đề trong ngắn hạn nhưng cũng là nguy cơ dài hạn vì có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong năm tới. Điều này thực sự tạo ra vấn đề đối với nguồn cung ngũ cốc và tất cả những loại thực phẩm cho thế giới trong năm tới.
Tuy vậy, trước nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực, người đứng đầu WB cho rằng kho dự trữ toàn cầu hiện vẫn đủ lớn và có thể giúp cải thiện tình hình khi được phân phối, hỗ trợ cho các quốc gia.
Ông Malpass cho biết, Hội nghị ngày 19/4 đã dành thời gian thảo luận về vấn đề an ninh lương thực và ông hy vọng các quốc gia sẽ chủ động có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ cuộc khủng hoảng lương thực và phân bón hiện nay.
Cũng tại cuộc họp báo ngày 20/4, Chủ tịch WB nhắc lại cam kết xây dựng một quỹ viện trợ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD trong 15 tháng tới để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất đang chịu hưởng từ nhiều cuộc khủng hoảng. Đây là cam kết hỗ trợ tài chính lớn nhất từ trước tới nay của WB.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)