2 tuần nay, cả thế giới đang bị hút vào điểm nóng Syria. Xoay quanh Syria, những quốc gia hàng đầu thế giới xảy ra nguy cơ chia rẽ sâu sắc về quan điểm ngoại giao và lợi ích chính trị. Điều này đã được thể hiện rõ nét tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 hôm 5/9 tại St. Peterburg của Nga.
Lần đầu tiên Tổng thống Putin đưa vào chương trình nghị sự vấn đề Syria, được cho là không có trong nội dung đàm phán ban đầu. Tại đây, 11 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ Mỹ, trong khi đó, nhiều nước EU như Đức, Italia, cùng với Trung Quốc, Nga phản đối mạnh mẽ việc tấn công Syria.
Còn Liên Hợp Quốc đứng trước nguy cơ một lần nữa bị mất mặt khi Mỹ tiếp tục đơn phương phát động chiến tranh mà chưa có sự đồng ý của Hội đồng Bảo an.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp F.Hollande trong bàn nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20
Syria bỗng biến thành nơi tụ hội của sức mạnh quân sự thế giới với sự xuất hiện của tàu khu trục mang tên lửa hành trình của Mỹ, tàu ngầm tấn công lớp Trafalgar của Anh, tàu khu trục Nga, tàu chiến của Italia, tàu sân bay của Pháp… và bất ngờ hơn có sự xuất hiện của tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn cùng 1000 lính Trung Quốc
Vậy Trung Quốc toan tính điều gì khi đưa tàu đổ bộ lớn nhất của mình cùng với 1000 lính đến “vùng biển nóng” này?
Trước hết, Trung Quốc cũng là quốc gia kịch liệt phản đối việc Mỹ tấn công Syria. Việc đưa tàu và quân lính đến có thể lý giải cho một động thái tỏ thái độ giống như cách mà Nga đang làm. Đồng thời, động thái này cũng góp phần khẳng định tiềm lực quân sự Trung Quốc và thể hiện vị thế ngày càng rõ rệt hơn trên trường quốc tế.
Suốt thời gian căng thẳng, Trung Quốc không có một hành động rõ nét nào ngoài việc kêu gọi ngừng việc tấn công Syria và tôn trọng quyết định của Liên Hợp Quốc. Phương châm “bình tĩnh quan sát, quyết không đi đầu” được Trung Quốc thực hiện triệt để.
Tuy nhiên, theo dõi hoạt động quân sự của quốc gia này, có thể thấy rằng thời điểm Trung Quốc gửi quân đến Địa Trung Hải cũng là thời điểm họ đóng 75 cọc bê tông xuống bãi cạn Scaborough ở Biển Đông và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Philippines, hôm 4/9.
Các cột bê tông được Trung Quốc xây tại bãi cạn Scarborough.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động kiểm soát bãi cạn này như điều thêm tàu Hải giám có trang bị vũ khí "canh" bãi cạn. Với 75 cọc bê tông dựng sẵn, Trung Quốc có thể xây dựng công sự bất kỳ lúc nào.
Quốc gia này còn đưa tàu hải cảnh vào khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Cũng trong thời điểm này còn xuất hiện thông tin Trung Quốc chiếm hơn 640km2 lãnh thổ của Ấn Độ.
Cần phải chú ý
Cũng xoay quanh diễn biến Syria và mối liên hệ với Biển Đông, Chuyên gia ngoại giao hàng đầu Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế Học viện Ngoại giao đã có một nhận định rất đáng chú ý: Trung Quốc sẽ có thể có hành động tại Biển Đông nhờ thế giới tập trung vào Syria.
Trả lời cho việc vì sao Mỹ lựa chọn thời điểm này để tấn công quân sự Syria. Tiến sĩ Hải cho biết, có thể đây là thời điểm không thể thích hợp hơn bởi thứ nhất, sau cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, lý do “can thiệp nhân đạo” là hợp lý hơn cả đối với quyết định can thiệp quân sự. Thứ hai, cuộc nội chiến tại Syria đã kéo dài gần 3 năm, đây là lúc các bên đều đã cảm thấy mệt mỏi; thứ ba, quân chính phủ đang thắng thế trên chiến trường, nếu kéo dài tiếp rất có thể lực lượng nổi dậy sẽ thất bại.
Nhận định về động thái của Trung Quốc, ông Hải cho rằng: "Qua vụ việc càng thấy Trung Quốc vẫn chưa thực sự đón nhận vai trò nước lớn toàn cầu. Phương châm “bình tĩnh quan sát, quyết không đi đầu” dường như lại được đem ra sử dụng trong trường hợp Syria."
"Điều đáng quan ngại (đương nhiên đây là kịch bản xấu nhất, hy vọng sẽ không xảy ra) là có thể nhân cơ hội này, Trung Quốc sẽ tùy tiện hành động tại Biển Đông."
Minh Tú
(Đất Việt)