Thế giới phản ứng về vụ xử tử ở Triều Tiên

Thế giới phản ứng về vụ xử tử ở Triều Tiên

Thứ 7, 14/12/2013 07:21

Sau khi Triều Tiên loan báo việc hành quyết ông Jang Song Thaek, chú dượng của Kim Jong-un, cả Hàn Quốc và Mỹ hôm nay 13/12 đều bày tỏ quan ngại về tình hình ở đất nước này. Còn Trung Quốc, dù mất đi một người đối thoại chủ chốt, nhưng hy vọng vào sự ổn định.

Trong một thông cáo, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố, “chính phủ Hàn Quốc quan ngại sâu sắc về những diễn biến mới đây tại Triều Tiên và theo dõi sát sao tình hình. Hàn Quốc sẽ chuẩn bị đầy đủ cho mọi khả năng trong tương lai”.

Về phía Hoa Kỳ, bà Marie Harf, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không thể khẳng định được “ một cách độc lập” vụ hành quyết ông Jang, tuy nhiên “không có lý do gì để nghi ngờ thông tin do KCNA đưa ra”.

Bà Harf tuyên bố, “nếu thông tin trên được xác nhận, thì chúng tôi lại có thêm một ví dụ về sự tàn bạo cực điểm của chế độ này. Chúng tôi theo dõi sát các diễn tiến tại Triều Tiên và tham khảo ý kiến các đồng minh và đối tác trong khu vực”.

Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt, cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc OHCHR lên án vụ xử tử và cho rằng vụ việc còn thiếu minh bạch.

Tiêu điểm - Thế giới phản ứng về vụ xử tử ở Triều Tiên

Hình ảnh ông Jang Song-Thaek bị bắt tại một cuộc họp và bị 2 binh sĩ giải đi.

Trung Quốc, đồng minh duy nhất và là nhà bảo trợ kinh tế của Triều Tiên, cho biết vụ xử tử ông Jang là vấn đề nội bộ của Triều Tiên, song cũng nhấn mạnh cần phải có sự ổn định. “Là một nước láng giềng, chúng tôi mong muốn thấy sự ổn định dân tộc, phát triển kinh tế và người dân ở Triều Tiên sống hạnh phúc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Ông Jang Song Thaek bị xử tử hôm qua vì các tội phản bội tổ quốc, phản đảng, phản cách mạng, âm mưu lật đổ ban lãnh đạo đảng. Theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, ông Jang còn có những thái độ lăng nhục chế độ như không tích cực vỗ tay trong các hội nghị chính trị, gây trở ngại cho việc thực hiện một bức tranh ghép nhằm vinh danh lãnh tụ.

Các chuyên gia về Triều Tiên, một trong những đất nước bí ẩn nhất, khép kín nhất thế giới, cho rằng sẽ có một đợt thanh trừng lớn diễn ra đối với những người thân cận của ông Jang Song-Thaek.

Còn đối với Trung Quốc, ông Jingdong Yuan, giáo sư trường đại học Sydney chuyên về chính sách quốc phòng Trung Quốc nhận định, “Một cách nào đó, Bắc Kinh đã bị mất những người đối thoại trong đội ngũ lãnh đạo Triều Tiên”. Ông tự hỏi ai sẽ là những người kế tục.

Nhà phân tích Cheong Seong Chang của Viện Sejong cho rằng đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh Ji Jae Ryong, đồng minh lâu đời của ông Jang, có thể là nạn nhân kế tiếp.

Jang Song-Thaek từng tháp tùng Kim Jong-il đi Bắc Kinh ba lần từ 2010 đến 2011, và lãnh đạo một ủy ban kêu gọi đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Là người phụ trách việc xuất khẩu quặng mỏ, vốn chiếm phân nửa số xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc, ông Jang là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Bình Nhưỡng đến thăm Bắc Kinh sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền.

Có 5 trong số bảy lãnh đạo cao cấp tháp tùng lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un trong lễ tang của người cha, nay đã bị cho “về vườn”. Việc thanh trừng ở thượng đỉnh này giúp Kim Jong Un siết chặt hàng ngũ xung quanh mình, và theo các chuyên gia, cũng có thể làm Bắc Kinh an tâm.

Ông Yuan bình luận: “Rõ ràng là nếu ông Kim Jong-un chứng tỏ khả năng củng cố quyền lực, ít nhất ông ta cũng là một nhân tố ổn định. Điều mà Trung Quốc lo ngại nhất là sự bất ổn.”

Theo Trung Anh (Dân trí / AFP)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.