Thế giới sẽ phải đối mặt với 1,5 thảm họa mỗi ngày, tương đương 560 thảm họa mỗi năm, vào năm 2030, khi con người tự đưa mình vào “vòng xoáy tự hủy diệt” bằng cách làm khí hậu nóng thêm và phớt lờ các rủi ro, đẩy hàng triệu người nữa vào cảnh nghèo đói, Liên Hợp Quốc cảnh báo hôm 26/4.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Văn phòng Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai của LHQ (UNDRR), chỉ ra rằng 350-500 thảm họa quy mô vừa đến lớn đã diễn ra trên toàn cầu mỗi năm trong 2 thập kỷ qua.
Con số này cao hơn 5 lần so với mức trung bình trong 3 thập kỷ trước đó, báo cáo nêu rõ.
Và trong bối cảnh khí hậu đang thay đổi, các sự kiện thảm khốc do hạn hán, lũ lụt và thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai.
Báo cáo ước tính rằng đến năm 2030, nhân loại sẽ phải trải qua 560 thảm họa trên khắp thế giới mỗi năm, tương đương trung bình 1,5 thảm họa mỗi ngày.
UNDRR – cơ quan đã xuất bản Báo cáo Đánh giá Toàn cầu (Global Assessment Report) 2022 – cho biết trong một tuyên bố: Sự gia tăng mạnh các thảm họa trên toàn cầu có thể là do nhận thức sai lầm về rủi ro dựa trên sự lạc quan, chủ quan thâm căn cố đế của con người.
Điều này, theo cơ quan của LHQ, đã dẫn đến các quyết định về chính sách, tài chính và phát triển làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và khiến chính con người gặp nguy hiểm.
Việc bỏ qua những rủi ro cao ngất ngưởng mà chúng ta phải đối mặt “đang đặt nhân loại vào vòng xoáy tự hủy diệt”, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed đưa ra lời cảnh báo trong tuyên bố của UNDRR.
“Nâng cao mức báo động bằng cách nói ra sự thật không chỉ cần thiết mà còn rất quan trọng”, người đứng đầu UNDRR Mami Mizutori bổ sung.
“Khoa học đã chứng minh, hành động trước khi thảm họa tàn phá sẽ ít tốn kém hơn là đợi cho đến khi quá trình tàn phá hoàn tất và ứng phó sau khi nó đã xảy ra”, bà nói với Thomson Reuters Foundation.
Năm nay, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) do LHQ hậu thuẫn đã cảnh báo rằng các tác động của biến đổi khí hậu, từ nắng nóng đến hạn hán và lũ lụt, sẽ trở nên thường xuyên và khốc liệt hơn, gây tổn hại đến thiên nhiên, con người và những nơi họ sinh sống.
Nhưng các biện pháp nhằm cắt giảm lượng phát thải làm nóng hành tinh và thích ứng với sự nóng lên toàn cầu đều đang bị tụt lại, IPCC cho biết.
Chờ đợi hôm nay, trả giá ngày mai
Việc phớt lờ rủi ro sẽ dẫn đến cái giá phải trả rất đắt. Các thảm họa trên khắp thế giới đã gây thiệt hại khoảng 170 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ qua, báo cáo của UNDRR cho biết.
Nhưng phần lớn những thiệt hại đó xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, với mức trung bình thiệt hại do thiên tai gây ra mỗi năm chiếm đến 1% GDP, trong khi con số trên ở các quốc gia giàu có hơn chỉ là 0,1-0,2%.
Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức thiệt hại tương đương 1,6% GDP hàng năm, theo báo cáo của UNDRR, được công bố trước một diễn đàn thiên tai toàn cầu trên đảo Bali, Indonesia vào tháng tới.
Ví dụ như ở Philippines, hàng triệu người vẫn đang hồi phục sức khỏe sau cơn bão Rai đổ bộ hồi tháng 12/2021, khiến hơn 300 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải rời bỏ nhà cửa, cùng với thiệt hại khoảng 500 triệu USD.
Và khi số lượng thiên tai gia tăng, chi phí cũng sẽ tăng theo.
Báo cáo ước tính rằng, sẽ có thêm 37,6 triệu người sống trong điều kiện cực kỳ nghèo đói vào năm 2030 do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.
Trong khi đó, hầu hết các tổn thất liên quan đến thiên tai không được các công ty bảo hiểm chi trả.
Kể từ năm 1980, chỉ có khoảng 40% các tổn thất loại này được bảo hiểm trên toàn cầu, nhưng con số này ở các nước đang phát triển là chưa đến 10%.
“Các thảm họa có thể được ngăn chặn, nhưng chỉ khi các quốc gia đầu tư thời gian và nguồn lực để hiểu và giảm thiểu rủi ro của họ”, bà Mizutori nhấn mạnh trong tuyên bố.
Tuy nhiên, bà cảnh báo, "bằng cách cố tình phớt lờ rủi ro và không tính đến nó trong quá trình ra quyết định, thế giới đang đầu tư cho quá trình tự hủy diệt của chính mình".
Minh Đức (Theo France24, Reuters)