Theo tờ VnEconomy, giá dầu thô giao sau tại thị trường Mỹ giảm gần 1%, đánh dấu phiên giảm thứ 10 liên tiếp, chuỗi phiên giảm giá dài nhất kể từ năm 1984, trong bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu gia tăng và nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới.
"Diễn biến giá dầu đang gây lo ngại trên thị trường. Nếu giá dầu còn giảm sâu hơn, thì đó là một tín hiệu nữa cho thấy nền kinh tế toàn cầu giảm tốc", ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư thuộc Independent Advisor Alliance, nhận định.
Cụ thể, tờ Tri Thức Trẻ cho hay, trong ngày 9/11, giá dầu giảm gần 2%. Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau giảm 1,42 USD, tương đương 1,97%, xuống mức 70,65 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8. Dầu thô kỳ hạn của Mỹ giảm 1 USD, tương đương 1,6% xuống mức 60,67 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 14/3.
Thị trường Chứng khoán Mỹ đã bị ảnh hưởng khi giá dầu giảm. Vẫn thông tin trên tờ VnEconomy, lúc đóng cửa ngày 9/11, chỉ số Dow Jones giảm 0,77%, còn 25.989,3 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,92%, còn 2.781,01 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 1,65%, còn 7.406,9 điểm.
Nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P trượt 0,4% phiên này, sau khi sụt 2,2% trong phiên ngày thứ Năm - khi giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
"Tôi cho rằng chứng khoán sẽ giảm sâu hơn mức đáy của tháng 10. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nhưng không đủ chậm để ngăn cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dừng nâng lãi suất", chiến lược gia trưởng về đầu tư Jim Paulsen thuộc Leuthold Group phát biểu.
Tâm lý ngại rủi ro của nhà đầu tư phiên này khiến nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 sụt 1,7%, trong đó cổ phiếu Apple mất 1,9% và nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất chất bán dẫn tụt 1,9%.
Nhóm 5 cổ phiếu công nghệ hàng đầu gồm Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook mất tổng cộng 75 tỷ USD giá trị vốn hóa phiên này, hãng tin CNBC cho hay.
Nói về nguyên nhân giá dầu giảm, báo Tri Thức Trẻ nhận định là do nguồn cung dầu thô toàn cầu đang tăng mạnh hơn nhiều so với dự đoán
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng lên 9,61 triệu thùng/ngày trong tháng 10, tăng 32% so với một năm trước đó. Trung Quốc vẫn sẽ được phép nhập khẩu từ Iran 360.000 thùng/ngày trong 180 ngày.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức cao kỷ lục mới 11,6 triệu thùng/ngày trong tuần vừa qua và hiện tại Mỹ đã vượt Nga trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết trong tuần này họ dự kiến sản xuất 12 triệu thùng/ngày vào giữa năm 2019 nhờ dầu đá phiến.
Ngay cả với các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, các nhà đầu tư tin rằng có quá đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu.
Trong khi đó, vào ngày thứ Năm (8/11), Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu rằng: “Giá dầu giảm là nhờ tôi”. Thông tin nói trên được báo VnExpress đăng tải, dẫn nguồn từ kênh truyền hình Mỹ CNBC.
Theo đó, Tổng thống Mỹ khẳng định mình có công giúp giá dầu giảm từ đỉnh 4 năm lập được hồi tháng 10.
"Tôi đã đồng ý cho một số nước tiếp tục nhập dầu", Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong một buổi họp báo hôm qua (7/11), "Tôi làm điều này một phần vì họ đề nghị được giúp đỡ. Nhưng nguyên nhân thực sự là không muốn đẩy giá dầu lên 100 USD hay 150 USD một thùng. Vì tôi đang kéo nó xuống. Nhìn vào giá dầu, anh sẽ thấy nó đã giảm đáng kể trong vài tháng qua. Đó là nhờ tôi. Vì thế giới có tổ chức độc quyền là OPEC, và tôi không ưa sự độc quyền đó".
Đầu tuần này, Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran – quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Cuối tuần trước, họ công bố 8 nước được tiếp tục nhập dầu từ Iran trong 180 ngày mà không bị Mỹ trừng phạt.
Tháng trước, giá dầu đã giảm 20% kể từ đỉnh 4 năm. Tuy nhiên, mức giảm sau khi Mỹ công bố các nước được tiếp tục nhập dầu từ Iran khá khiêm tốn, chỉ khoảng 1% với dầu Brent và 3% với dầu WTI.
Đà giảm trong 5 tuần qua chủ yếu liên quan đến việc nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro toàn cầu, trong đó có các hợp đồng tương lai. Một yếu tố khác là tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo không tăng mạnh như kỳ vọng. Giới phân tích hạ dự báo tiêu thụ, do tăng trưởng toàn cầu yếu vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tiền tệ các nước mới nổi mất giá.
Vai trò của ông Trump có thể nằm ở nguyên nhân thứ ba. Sản lượng dầu từ Saudi Arabia, Nga và các nước xuất khẩu dầu khác đang tăng. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân một phần là chính quyền Trump đề nghị Saudi Arabia tăng sản xuất để bù lại ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt lên Iran.
H.Y (tổng hợp)